|
1. Tôi đã không để ý những suy nghĩ trước đó của Zip Grant (phóng viên Zalin B. “Zip” Grant - ND) cho là Ẩn bị Reuters sa thải vì anh ấy thường xuyên biến mất không một lời giải thích. Mọi chuyện không hẳn như vậy. Tôi là sếp của Ẩn ở Reuters từ 1962 - 1964 và sự thật là anh ấy có đi đâu mất vài ngày theo một chu kỳ cố định mà không báo trước hay giải thích gì với tôi. Ẩn là nhân sự cực kỳ giá trị của hãng tin nên tôi đơn giản là chấp nhận thói quen không rõ ràng này. Nhưng dần dần tôi càng ngày càng bị thuyết phục, sau hàng loạt lý do liên tiếp, là sự biến mất kia không có cách giải thích nào khác là Ẩn đang có một nhiệm vụ nào đó với Việt Cộng.
Tôi rất cẩn thận khi thảo luận chuyện đó với Ẩn trong một cuộc họp không có ghi âm, tất nhiên anh ấy biết và giận. Tôi có nên cảnh báo những đồng nghiệp Mỹ khác, là những người thường tán dóc với Ẩn, không? Không. Tôi không có chứng cứ gì và không có cơ sở nào thực sự để nêu ra các nghi ngờ nhắm vào anh, vốn có thể sẽ khiến anh gặp rắc rối nghiêm trọng. Những nhân viên tình báo Mỹ, Anh và Úc đã hỏi tôi liệu Ẩn có “an toàn”. Dù thế nào, câu trả lời thành thật lúc đó là tôi thật sự không biết Ẩn có “an toàn” không nhưng trong thực tế tôi luôn mặc định rằng bất cứ người Việt Nam nào cũng có thể là một điệp viên của Việt Cộng.
Ẩn biết rằng tôi tin anh là một người có cảm tình với Việt Cộng vì chúng tôi đã từng nói chuyện với nhau và anh không xác nhận cũng không phủ định điều đó. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều về nền chính trị Việt Nam, rồi nói về triết học chính trị (lĩnh vực mà anh ấy đọc nhiều)… Tôi nói với Ẩn tôi tôn trọng cảm tình chính trị của những phóng viên người Việt bởi đó không phải việc của tôi, chừng nào cảm tình đó không làm ảnh hưởng đến công việc chung ở Reuters. Qua các cuộc trò chuyện, tôi dần hiểu Ẩn nhiều hơn và biết khi nào anh thoải mái nói và khi nào anh cẩn trọng trò chuyện, và dần dần mọi thứ trở nên rõ ràng là Ẩn thực sự có cảm tình với Việt Cộng.
Nói chung Ẩn thích người Mỹ, nhưng không phải tất cả. Ẩn thích sự hài hước của người Mỹ, nể trọng những ai cởi mở và có thể phân tích, thảo luận các vấn đề dựa trên bản lĩnh trí tuệ của họ. Anh né tránh việc mình được gọi là “người theo chủ nghĩa dân tộc” hay “người yêu nước”, bởi những từ đó quá nặng ý nghĩa chính trị. Anh chỉ đơn giản nói: “Tôi là người Việt Nam” hay “Cuộc sống thực sự tốt hơn khi có hòa bình và nền độc lập thực sự”.
2. Hãy trở lại câu hỏi tại sao tôi lại sa thải Ẩn? Tôi đã xem rất nhiều bài viết giải thích việc này, nhưng sự thật là tôi KHÔNG sa thải Ẩn. Anh ấy tự nghỉ. Trong khoảng thời gian đặc biệt dày đặc biến động trong nền chính trị Sài Gòn vào năm 1964, Ẩn biến mất khỏi văn phòng trong 2 - 3 ngày khi tôi rất cần anh ta. Cuối cùng, khi Ẩn xuất hiện ở văn phòng, tôi đã nói: “Cậu biến đi đâu thế, Ẩn?”. Anh nói anh đang viết một bài lớn với Beverley Deepe. Tôi bảo cậu được trả tiền để làm cho Reuters và anh nói: “Đúng, nhưng trả chưa đủ”. Tôi thừa nhận việc này là sự thật (vì tôi đã không được Reuters đồng ý khi đề xuất tăng lương cho Ẩn) nên nói “tôi không để ý nếu anh làm với các phóng viên khác, nhưng ít ra anh cũng nên giữ liên lạc với tôi chứ”. Cả hai đều bực dọc và anh lại gần ngăn kéo bàn lấy hết đồ đi. Anh nói anh đi đây. Thực ra không có gì rõ ràng là liệu Ẩn sẽ đi luôn hay chỉ tạm thời. Đôi khi Ẩn có những khoảnh khắc quá cảm tính và sau đó anh lại hối tiếc. Nhưng một vài ngày sau đó, tôi nghe nói Ẩn đã đầu quân cho Newsweek.
Khi nhìn lại, tôi chỉ đơn giản nghĩ là Ẩn chuyển qua một hãng tin Mỹ nào khác. Thời gian đó, cuộc chiến leo thang ồ ạt và một chi nhánh bé nhỏ của một hãng thông tấn Anh vẫn coi cuộc chiến Việt Nam như một vở diễn bên lề so với xung đột của người Anh với Indonesia hẳn không phải nguồn cấp tin đáng tin cậy cho nhiệm vụ đặc biệt của Ẩn. Cũng có thể Ẩn đã giả vờ tạo ra tranh cãi nảy lửa với tôi để thành một cái cớ cho việc chuyển chỗ làm.
Tôi không lên án hay phê phán gì Ẩn. Tôi có thể hiểu vì sao một số người Mỹ cảm thấy cay đắng và bị phản bội nhưng đó là đất nước của Ẩn và anh là người Việt Nam duy nhất mà những người Mỹ và đồng nghiệp chúng tôi đã không đặt niềm tin nhầm chỗ. Tôi có thể xác nhận từng lời rằng khi ở Reuters, Ẩn chưa bao giờ cố diễn dịch sai các sự kiện theo hướng có lợi cho những người cộng sản.
Sau khi rời Reuters, tôi và Ẩn không thân thiết nhưng tôi vẫn xem anh như một người bạn và là một người Việt Nam đáng nể trọng.
Nick Turner là người New Zealand, Trưởng văn phòng Reuters ở Sài Gòn từ 1962 - 1964, và là sếp của ông Phạm Xuân Ẩn tại hãng thông tấn này. Sau khi rời Reuters, Turner vẫn tiếp tục công tác ở Sài Gòn đến 1971 theo yêu cầu của một số hãng tin Anh và Mỹ khác. Vào thời đó, ông là một trong số ít phóng viên phương Tây đến được cả Liên Xô và Trung Quốc để tác nghiệp. Turner kết hôn với một cô gái Việt Nam và con gái của ông đã về Việt Nam nhiều lần. Ông nói: “Gần 40 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, tôi mới thăm lại Sài Gòn năm ngoái. Tôi nhận ra mình yêu Sài Gòn, hệt như tôi đã yêu khi sống ở đây thập niên 1960”. Khải Đơn |
Nick Turner
(Khải Đơn lược dịch)
>> Giáo sư sử học Mỹ tổ chức hội thảo về tướng Phạm Xuân Ẩn
>> Câu chuyện Phạm Xuân Ẩn như mới hôm qua
>> ‘CIA muốn học hỏi từ Phạm Xuân Ẩn’
>> “Giải mã” Phạm Xuân Ẩn
>> Sách nói về Tướng Phạm Xuân Ẩn lần đầu tiên được xuất bản tại Mỹ
>> Tiễn đưa anh hùng Phạm Xuân Ẩn về cõi vĩnh hằng
>> VTV1 phát chương trình về Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn
>> Lễ truy điệu Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn
>> Giáo sư Mỹ làm phim về tướng Phạm Xuân Ẩn
>> Giáo sư Mỹ làm phim điện ảnh về tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn
Bình luận (0)