Phản ảnh CSGT TP.HCM tiêu cực, người dân phải làm sao?

03/03/2018 13:32 GMT+7

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết đôi khi người dân phản ảnh những tiêu cực về CSGT nhưng không có hình ảnh liên quan cũng như không chịu tiếp xúc gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết thông qua đường dây nóng 0994.67.67.67, đơn vị đã nhận được trung bình mỗi ngày có 20 - 30 cuộc gọi đến và tin nhắn phản ảnh của người dân.
Để thử mức độ "nhạy" của đường dây nóng này, sáng 2.3, PV Thanh Niên đã gọi điện thoại tới số trên để thắc mắc về vấn đề mức phạt bao nhiêu thì người tham gia giao thông được quyền đóng phạt tại chỗ? Đầu dây bên kia cho biết mức phạt không quá 250.000 đồng thì người tham gia giao thông sẽ được đóng phạt tại chỗ.
Trước đó, trưa 1.3, PV Thanh Niên cũng gọi điện thoại để phản ảnh vấn đề giao thông nhưng máy bận liên hồi, khoảng 30 phút sau thì số này gọi điện thoại trở lại.
Tuy nhiên, lúc 23 giờ 45 phút ngày 1.3, PV Thanh Niên gọi tới số đường dây nóng này thì "thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được".
VIDEO: 'Người lạ mặt' đứng gần chốt CSGT do người dân cung cấp
Trả lời báo Thanh Niên, trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng đội Tham Mưu lại cho biết đây là đường dây nóng hoạt động 24/24, các cuộc gọi đến đường dây nóng tập trung vào các nội dung như kẹt xe, không thấy CSGT làm việc, xin tư vấn xử phạt, hỏi về Luật giao thông đường bộ, thử xem đường dây nóng có nhanh không, còn những phản ảnh tiêu cực về CSGT thì còn ít. Đối với thông tin phản ảnh tiêu cực liên quan đến cán bộ chiến sĩ thì Phòng sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ hoặc yêu cầu cán bộ - chiến sĩ  (CBCS) dừng công tác và di chuyển về trụ sở Phòng để làm việc.
Tuy nhiên người phản ảnh không có hình ảnh liên quan đến nội dung phản ảnh hoặc người phản ảnh không trực tiếp tiếp xúc với CSGT hoặc từ chối tiếp xúc làm việc hoặc bức xúcả khi phản ảnh… gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý.
Do vậy, trung tá Bình lưu ý, đối với việc phản ảnh tiêu cực thì người phản ảnh phải có những cơ sở cụ thể liên quan: hình ảnh, video clip ghi nhận cụ thể, rõ ràng, liên tục việc tiêu cực của CSGT, đặc điểm cụ thể của CSGT (họ tên, đơn vị công tác), phương tiện sử dụng… và nhất là phải hợp tác khi được yêu cầu tiếp xúc, làm việc cũng như xác nhận liên quan phản ảnh.

Tuy nhiên, anh N. (người từng phản ảnh với Báo Thanh Niên video “người lạ mặt” đứng gần chốt CSGT ở cầu vượt trạm 2) chia sẻ: “Ở khía cạnh người dân thì luôn sẵn sàng cung cấp những hình ảnh CSGT tiêu cực. Tuy nhiên, ai cũng lo sợ bị trả thù khi “ra mặt”. Vì vậy mà khi CSGT đề nghị tiếp xúc thì hầu như hiếm ai đồng ý mà chỉ cung cấp thông tin như vậy thôi”.
Trong khi đó, trung tá Bình khẳng định các thông tin cá nhân của người dân khi phản ảnh tiêu cực sẽ được bảo mật.
‘Tất cả sai phạm sẽ được xử lý nghiêm’
Trung tá Nguyễn Văn Bình cho biết trong năm 2018, CSGT TP.HCM sẽ chú trọng đến việc xây dựng hình ảnh CSGT đẹp trong mắt người dân. Để làm được điều này, PC67 sẽ thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, tuyên truyền các tấm gương người tốt, việc tốt để toàn thể CBCS trong đơn vị noi gương, học tập.
Ngoài ra, PC67 cũng chú trọng nhân rộng điển hình tiên tiến, nâng cao hình ảnh đẹp CSGT: tổ chức quay phim, ghi hình những hình ảnh đẹp của CBCS để tuyên dương dưới cờ hàng tháng, khen thưởng kịp thời đối với những CBCS nêu gương liêm khiết không nhận hối lộ, gương dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
“Với chủ trương thực hiện nghiêm công tác xây dựng lực lượng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Phòng sẽ tăng cường công tác tự kiểm ra, giám sát để phát hiện những vi phạm trong CBCS để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời, ngăn ngừa sai phạm. Tất cả sai phạm dù có tính chất, mức độ lớn hay nhỏ đều được xử lý nghiêm theo quy định”, trung tá Bình khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.