Sáng 6.11, Quốc hội thảo luận về luật Đầu tư công sửa đổi. Giải trình ý kiến đại biểu, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa luật Đầu tư công theo hướng trước đây chỉ tập trung vào khâu quản lý, lần này phải vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển.
Điều này sẽ tạo ra động lực mới, không gian mới, khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực. Đây cũng là việc thay đổi tư duy làm luật như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Ngoài ra, luật sẽ sửa theo hướng chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Kinh nghiệm của các nước là không cần phải xin phép trước, ai vi phạm người đấy sẽ chịu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật. "Do đó làm rất nhanh, không cần phải lập dự án, trình các bước rất mất thời gian. Đây là chuyển phương thức quản lý rất mạnh", ông Dũng nói.
"Thứ ba là sửa luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Kinh nghiệm chúng tôi đi Trung Quốc, một tỉnh 3 năm người ta làm được 2.000 km đường cao tốc". Bộ trưởng KH-ĐT cho biết đã hỏi người đồng cấp tại Trung Quốc vì sao làm được nhanh thế, tại sao lại rẻ thế, vị bộ trưởng Trung Quốc hỏi lại: "Có dám vay không? Có phân cấp mạnh cho địa phương không?". Trung Quốc thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công như đường sá, cầu cống. Sau đó chuyển nhượng lại quyền khai thác cho tư nhân, thu hồi vốn về, nên vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân và vốn của nhà nước đi làm việc khác.
"Họ quay vòng như thế nên làm rất nhanh. Điều này chúng ta phải học tập. Tại sao người ta làm được đường cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, người ta có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao?", ông Dũng nêu và cho biết "ta vẫn chưa có km đường sắt cao tốc nào".
"Giảm quyền anh, quyền tôi"
Theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, phải phân cấp mạnh hơn. Đây cũng là tinh thần chung của T.Ư Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay. T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, "giảm quyền anh, quyền tôi", giảm đùn đẩy, né tránh.
Giải đáp thêm về các kiến nghị cụ thể của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia năm 1997 là 17.000 tỉ, đến nay đã mất 27 năm chúng ta chưa sửa đổi. Trong khi quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013.
"Để đảm bảo tính ổn định thì xin Quốc hội cho giữ 30.000 tỉ đồng là phù hợp", ông Dũng nói. Trên thực tế, từ năm 2021 đến năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 5 dự án quy mô trên 30.000 tỉ đồng.
Về việc phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách T.Ư từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ, theo Bộ trưởng KH-ĐT, không vi phạm Hiến pháp.
"Nếu phân cho Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta sẽ giảm bớt được 5 bước. Hiện nay có 11 bước, 6 bước của Chính phủ và 5 bước ở Quốc hội, nếu chúng ta giảm được như vậy thì xuống còn có 6 bước, trong đó giảm được 3 bước ở Chính phủ và 2 bước tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy sẽ giảm trung bình khoảng 4 tháng", ông Dũng nói và tha thiết đề nghị.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) nhất trí với chủ trương, đề xuất sửa đổi trong dự thảo luật liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" thì cần bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp. HĐND các cấp tổ chức họp khá thường xuyên và có thể tổ chức họp bất thường, khi cần thiết. Do vậy, không sợ mất thời gian chờ đợi nếu phải trình qua HĐND phê duyệt.
Bình luận (0)