Dự án mới nhất của Phan Đăng Di Cha, con và… có nội dung như thế nào?
Khoảng năm 1996, tôi có đọc bài phóng sự trên Báo Thanh Niên kể về một số trai trẻ tại một xóm nghèo ở TP.HCM rủ nhau đi thắt ống dẫn tinh để lĩnh thưởng. Đáng ra họ không được phép làm vậy, vì quy định này (của ngành dân số kế hoạch hóa gia đình) chỉ treo thưởng cho đàn ông đã lập gia đình có từ hai con, tự nguyện đi triệt sản thôi. Đám trai trẻ kia chả hiểu bằng cách nào đã xoay được giấy tờ. Thắt ống dẫn tinh xong, họ liền cầm hết tiền thưởng đi nhậu một bữa tưng bừng. Đấy, một câu chuyện kỳ khôi như vậy thì làm sao mà tôi không bị kích thích. Sau khi đọc bài phóng sự ấy, tôi nghĩ mình sẽ phải làm một bộ phim về chuyện này.
|
Đợi đến 16 năm sau mới dựng thành phim, anh không ngại đề tài này đã bị mất tính thời sự sao?
Khi đọc bài phóng sự đó, tôi mới 20 tuổi. Đấy là giai đoạn mình sống hôm nay mà chẳng biết ngày mai có đủ tiền mua nổi một cái bánh mì hay không nữa. Nhưng tất nhiên, mình có quyền được miên man nghĩ về nó, miễn phí! Rất nhiều bộ phim tưởng tượng trong đầu tôi vào lúc ấy. Nó như một thứ động lực giúp tôi đi qua giai đoạn dài nằm không và mù mờ về tương lai để mơ mộng tin rằng, mình đang sống với điện ảnh, bằng những bộ phim rất hay. Phải 10 năm sau, khi có cơ hội được làm bộ phim ngắn đầu tiên thì tôi mới biết, những bộ phim tưởng tượng kia rồi sẽ lần lượt ra đời…
|
Về cơ bản, những phim tôi làm trong tưởng tượng này không bị ràng buộc bởi tính thời sự. Đó là những câu chuyện mà cùng với thời gian trôi qua, chúng chỉ càng làm tôi ngạc nhiên và thích thú hơn thôi.
Sau Bi, đừng sợ! và bây giờ là Cha, con và…, anh nhận thấy tiêu chuẩn để giành được tài trợ từ các quỹ điện ảnh quốc tế là gì?
Bi, đừng sợ! được đón nhận khá nồng nhiệt tại nhiều liên hoan phim và diễn đàn điện ảnh quốc tế nên nó cũng mở ra cơ hội cho Cha, con và… Đó là ý nghĩa thực tế nhất của những giải thưởng: Tạo ra hiệu ứng tốt. Vì vậy, khi dự án Cha, con và… vừa hình thành, Liên hoan phim Hồng Kông đã gửi thư mời. Cũng tại đây, nó được ông Thibaut Bracq, Giám đốc của Paris Project, trao giải thưởng và mời đến Liên hoan phim Paris. Thibaut có quyết định này vì ông ấy thích Bi, đừng sợ! khi chọn nó cho liên hoan phim đầu tay châu u có tên là Primiers Plans, nơi Bi sau đó giành được giải thưởng lớn.
Như vậy, cách duy nhất để có tiền làm phim thực ra khá đơn giản: Một dự án đủ tốt để làm ra được một bộ phim khiến người xem ấn tượng.
Phim nghệ thuật thường bị khán giả đại chúng thờ ơ. Xin lỗi, tôi từng nghe thấy khán giả trong rạp đùa một câu sau khi xem xong phim của anh: “Bi không sợ vì quá sợ!”. Anh lý giải nghịch lý đó ra sao?
Thực tế này không chỉ có ở Việt Nam. Đâu đâu trên thế giới thì dòng phim tác giả - nghệ thuật cũng bị đặt trước thách thức lớn như vậy cả. Khoảng thời gian này năm ngoái, tôi được xem Tree of life (Cây đời) của Terrence Malick tại một rạp ở trung tâm Paris. Hôm đó là chủ nhật mà trong rạp chỉ có khoảng 9 người. Ai mà nghĩ bộ phim vừa thắng giải Cành cọ vàng 2 tháng trước đó với những ngôi sao thượng thặng cỡ như Brad Pitt, Sean Penn, được sản xuất trong vòng 4 năm trời bởi một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của thế giới lại trong cảnh đìu hiu như vậy. Sau này, tôi còn có dịp xem lại Tree of life ở Megastar Hùng Vương, suất chiếu 10 giờ sáng có tất thảy… 4 người trong cái rạp 120 chỗ. Không ít người nhảy dựng lên lo lắng: “Bỏ cả hàng chục triệu đô vào một bộ phim vắng khách thế này thì có mà chết hết à?”. Nhưng thực tế là, chẳng ai chết cả. Ngay đến Mỹ là công xưởng của hàng tá phim bom tấn mỏi tay thu tiền trên toàn thế giới thì nhiều phim nghệ thuật kiểu Tree of life vẫn được làm dù không có hứa hẹn nào ngay lập tức về doanh thu. Rồi những ngôi sao tầm cỡ Brad Pitt vẫn sẵn sàng từ chối những hợp đồng béo bở chỉ để được Terrencen Malick nhào nặn đến khổ hàng tháng trời và nhận về một thù lao rất hẻo. Mỹ là xã hội tư bản, không ai đùa với tiền cả. Nhưng đến một mức nào đó, khi cuộc sống đã tương đối đủ đầy, họ sẽ đi tìm các giá trị khác trong điện ảnh thay vì chỉ phát sốt vì tiền.
Còn chuyện phản ứng của khán giả, người ta bỏ tiền ra xem phim (hoặc ngay cả xem cọp) là người ta đã có quyền khen chê rồi. Nhưng trường hợp chị nói ở trên, những khán giả này chê là chê ở trong rạp, nghĩa là đã mua vé rồi, như thế thì chê cũng được!
Dù sao đi nữa cũng không thể phủ nhận được tính thương mại của điện ảnh. Anh có dự định bộ phim nào đấy để chứng minh rằng “Phan Đăng Di không chỉ biết làm phim nghệ thuật”?
Ai bảo phim nghệ thuật không có tính thương mại. Vẫn có những thị trường tốt cho phim nghệ thuật, như là hệ thống các rạp chiếu phim độc lập ở Pháp mà tôi đã có dịp đi qua. Nhờ hệ thống này mà Bi, đừng sợ! được trình chiếu ở khoảng 70 rạp trên toàn nước Pháp trong khoảng 3 tháng đầu năm nay. Phim cũng được phát hành thương mại phạm vi hẹp ở Ba Lan và gần đây nhất là Đài Loan. Đầu ra thương mại của một phim nghệ thuật được quyết định rất nhiều bởi cách thức phát hành, và đây chính là điều mà Việt Nam còn phải học hỏi từ các nước tiên tiến. Làm tốt được điều này thì chắc các đạo diễn (trong đó có tôi) sẽ không bị đẩy vào tình thế phải chứng minh rằng mình “biết” làm nhiều thứ. Vì như thế sẽ rất mệt và dễ dàng “mất mạng” như chơi (cười).
Quay trở lại với Cha, con và… Anh từng nói Bi, đừng sợ! đưa anh rong ruổi cả thế giới trong suốt vài năm. Thế, anh muốn Cha, con và… sẽ đi tới đâu?
Cha và con rất nên đi về nhà sau khi trời tối.
Nguyễn Khắc Ngân Vi (thực hiện)
>> Phan Đăng Di sẽ đến Cannes vào tháng 5.2008
>> Bi, đừng sợ! công chiếu tại Pháp
>> Chơi vơi" và "Bi", đừng sợ được nhận tài trợ
>> Phim 'Cánh đồng bất tận' và 'Bi, đừng sợ' tham dự LHP Pusan
>> Bi, đừng sợ" đoạt hai giải thưởng lớn tại LHP Stockholm
Bình luận (0)