Không để tồn đọng vốn trái phiếu
Theo Phó thủ tướng thường trực, sau một thời gian thực hiện, các biện pháp kích thích kinh tế bước đầu phát huy tác dụng, được người dân và doanh nghiệp đón nhận tích cực, tuy nhiên cũng nảy sinh những thiếu sót, bất cập. “Chính phủ đã và đang chỉ đạo khắc phục kịp thời các vướng mắc, tiếp tục bổ sung hoàn thiện các giải pháp và tổ chức kiểm tra chặt chẽ, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, sử dụng các nguồn vốn kích cầu sai mục đích và lãng phí” - Phó thủ tướng cho biết.
Vì sao lại đưa ra mức hỗ trợ lãi suất 4% (gói kích cầu 1 tỉ USD - PV) cho các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng? Phó thủ tướng thường trực giải thích, gói kích cầu này được tung ra trong điều kiện, năng lực nền kinh tế hạn hẹp, nhập siêu, lãi suất tín dụng, tỷ lệ bội chi ngân sách và lạm phát còn ở mức cao. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ đưa ra mức hỗ trợ 4%, con số này đã được thảo luận một cách kỹ lưỡng, được sự thống nhất của tập thể và có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Do khoản hỗ trợ này không nhiều, nên được dành ưu tiên cho các hộ sản xuất, kinh doanh, các hộ nghèo, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phân biệt thành phần kinh tế. Đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và sử dụng nhiều lao động. Mức hỗ trợ nằm trong gói kích cầu của Chính phủ không phải là cào bằng, vì song song với khoản hỗ trợ lãi suất, Chính phủ còn giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam mở rộng hình thức bảo lãnh vay vốn ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có vốn dưới 20 tỉ đồng hoặc sử dụng dưới 1.000 lao động.
Trước một số ý kiến của các ĐBQH cảnh báo về những hệ lụy có thể xảy ra nếu không thực hiện tốt các gói kích cầu, nhất là “gói” đầu tư công, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cam kết: “Sau khi được QH phê chuẩn những sửa đổi về một số điều luật liên quan đến đầu tư và xây dựng, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương triển khai thực hiện, tạo bước đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các công trình, dự án; chấn chỉnh tất cả các khâu trong đầu tư và xây dựng, bảo đảm chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng và lãng phí”. Đối với nguồn vốn trái phiếu, “Chính phủ sẽ giao Bộ Tài chính căn cứ tiến độ thực hiện các dự án để phát hành, không để tồn đọng vốn” - ông Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến việc Chính phủ xin QH cho phép phát hành thêm 20 nghìn tỉ đồng tiền trái phiếu năm 2009, Phó trưởng đoàn ĐBQH Kiên Giang Danh Út cho rằng, nếu khắc phục được những bất cập trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai công sản thì sẽ không cần phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, vì hiện tại có tới hàng trăm nghìn ha đất sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, cho thuê, cho mượn trái phép, chuyển nhượng trái pháp luật. “Nếu rà soát lại quỹ đất, nhà cửa giao cho hàng trăm doanh nghiệp nhà nước, hàng chục bộ, ngành, hàng nghìn đơn vị ở Trung ương, địa phương thì tin chắc rằng Nhà nước sẽ có hàng trăm nghìn tỉ đồng, không thua kém Chính phủ chuẩn bị phát hành trái phiếu huy động 20.000 tỉ cho kích cầu” - ĐB Danh Út lên tiếng. Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận, đó là tình trạng khá nghiêm trọng. “Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ ý thức rất rõ công việc này” - Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Hình thành bảo hiểm nông sản xuất khẩu
Về các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và giảm nghèo, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch đối phó với sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ giảm nghèo đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; hỗ trợ người nghèo về nhà ở; hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất, giảm tổn thất sau thu hoạch; bảo đảm an ninh lương thực và đào tạo nguồn nhân lực cho nông thôn... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại hình bảo hiểm nông nghiệp, trước hết là bảo hiểm nông sản xuất khẩu; áp dụng cơ chế giá sàn định hướng đối với sản phẩm nông nghiệp, trước mắt là lúa, gạo.
Báo cáo của Phó thủ tướng thường trực cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm giải quyết tốt và đồng bộ vấn đề việc làm, hạn chế mất việc và hỗ trợ người lao động mất việc làm, như thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp, cho các làng nghề, nhất là những ngành sử dụng nhiều lao động và những ngành có nhiều lao động bị mất việc như dệt may, chế biến thủy, hải sản xuất khẩu… Triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động mất việc làm, tạo việc làm và xuất khẩu lao động; thường xuyên nắm số lao động thôi việc, mất việc do suy giảm kinh tế để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và tái đào tạo nghề, cung cấp tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động, hỗ trợ người lao động đến các thành phố, khu công nghiệp tập trung…
Đầu kỳ họp QH thứ 5, Chính phủ xin QH cho phép được điều chỉnh một số chỉ tiêu, trong đó có điều chỉnh mức bội chi ngân sách của năm 2009 từ 4,82% so với GDP lên không quá 8% so với GDP. Nhiều ĐBQH lo lắng và cho rằng, mức bội chi không quá 8% GDP là cao. Tuy nhiên hôm nay 13.6, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh đã khiến QH an lòng khi cung cấp thông tin: “Diễn biến giá dầu thô trong những ngày gần đây có xu hướng tăng lên và yêu cầu thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, xử lý nợ đọng thuế và đề phòng lạm phát cao trở lại thì mức bội chi khoảng 7% GDP có thể phấn đấu được”.
Để yên tâm hơn, Phó trưởng đoàn ĐBQH Thái Bình Phạm Xuân Thường muốn Phó thủ tướng thường trực làm rõ, với mức bội chi như vậy, liệu có ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia không. ĐB này lập luận: Năm 2008 khi bảo vệ trước QH tỷ lệ bội chi ngân sách bằng 5% GDP, Chính phủ cho rằng không để vượt quá 5% vì sẽ ảnh hướng đến an ninh tài chính quốc gia, nay Chính phủ đề nghị mức bội chi ngân sách lên tới 7%? Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: “Đã bội chi là nguy hiểm, bội chi tức là mất cân đối. Nhưng bội chi cũng có mặt tích cực của nó, bội chi để phát triển hay bội chi để ăn tiêu, để tiêu dùng. Chính phủ chúng ta đang thực thi con đường có bội chi một cách hợp lý trong mức nợ an toàn quốc gia cho phép để phát triển”.
Theo Phó thủ tướng, khi điều hành thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp, tình hình nào thì chủ trương ấy. Năm 2009 tình hình thế giới biến động rất nhanh, cho đến thời điểm này, kinh tế thế giới vẫn còn nhiều vấn đề lớn, kinh tế trong nước cũng thế, vì thế nên Chính phủ trình QH xin điều chỉnh một số chỉ tiêu cơ bản để định hướng điều hành, nhằm đạt được mục tiêu cơ bản là ngăn chặn được suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội và phòng ngừa lạm phát.
Xuân Toàn
Bình luận (0)