Ngày 3.8, hàng chục người dân ở xóm Gia Đề (xã Nghĩa Dũng, H.Tân Kỳ, Nghệ An) tập trung tại trụ sở UBND tỉnh này phản đối việc cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Con.
Người dân mang cả xoong nồi, thực phẩm đến nấu ăn ngay lề đường gần cổng phòng tiếp dân UBND tỉnh Nghệ An - Ảnh: Phạm Đức
|
Người dân đã kéo đến Phòng tiếp dân của UBND tỉnh nằm sau trụ sở UBND tỉnh (đường Vương Thúc Mậu, TP.Vinh) đề nghị gặp lãnh đạo tỉnh để trình bày sự việc. Theo quan sát của phóng viên, nhiều người mang theo xoong, nồi, thực phẩm và nấu ăn bữa trưa ngay trên vỉa hè đường Vương Thúc Mậu.
Anh Nguyễn Viết Thắng (45 tuổi, ngụ xóm Gia Đề) cho biết, anh và người dân trong xóm phải vượt gần 100 km lặn lội đến UBND tỉnh để phản đối việc ra quyết định cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đình Lâm được phép khai thác cát, sỏi ở lòng sông Con.
Theo anh Thắng, khu vực này có đất sản xuất của 60 hộ ở xóm Gia Đề. Để bảo vệ đất, người dân thường xuyên trồng tre, dâu chắn sóng, chống sạt lở. Bãi bồi hai bên bờ sông Con là đất trồng ngô, nguồn thu nhập chính của người dân. Trước khi cấp phép, tại cuộc họp dân, toàn bộ các hộ dân trong xóm đều đã phản đối vì sợ gây sạt lở đất canh tác.
Anh Đậu Đức Vương (37 tuổi), một hộ dân có 4 sào đất canh tác ở bãi bồi sông Con cho hay, doanh nghiệp được cấp phép đã bắt đầu mở bến, đóng mốc để chuẩn bị khai thác.
“Chúng tôi phản đối việc khai thác cát trên sông đến cùng vì chắc chắn khi doanh nghiệp khai thác sẽ dẫn đến việc bãi bồi hai bên sẽ bị sạt lở, không còn đất cho người dân canh tác”, anh Vương lý giải.
Sáng cùng ngày, đại diện các sở, ngành đã trực tiếp làm việc với đại diện các hộ dân. Sau khi ghi nhận kiến nghị, đại diện Phòng tiếp dân UBND tỉnh Nghệ An cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tác động về môi trường của việc khai thác cát, sỏi trên đoạn sông này và trả lời cho người dân sau khi có kết quả.
Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với lời hứa này, chiều cùng ngày, người dân vẫn tiếp tục bám trụ để đề nghị gặp lãnh đạo tỉnh.
“Theo hồ sơ cấp phép, mỗi năm, doanh nghiệp này chỉ đóng cho UBND xã 87 triệu đồng, nhưng chắc chắn người dân sẽ mất rất nhiều đất sản xuất, vậy thử hỏi lợi ở đâu?”, anh Nguyễn Quang Hà, một người dân ở xóm Gia Đề, phản ứng.
Theo quyết định ký ngày 6.1.2015 của UBND tỉnh Nghệ An, doanh nghiệp Hoàng Đình Lâm được phép khai thác cát, sỏi tại khu vực bãi bồi thuộc xóm Gia Đề trong diện tích 10 ha thời hạn 10 năm.
Bình luận (0)