Việc các trường THPT ở TP.HCM tự tiện bỏ bớt môn học là một vấn đề
nghiêm trọng, nó không chỉ làm trái với quy định giáo dục hiện hành mà
còn phản giáo dục.
Ảnh: Đào Ngọc Thạch |
Bởi giáo dục phổ thông là giúp học sinh (HS) phát triển toàn diện đảm bảo đủ chuẩn kiến thức, chứ không phải học lệch theo “kiểu ăn xổi ở thì”...
Chẳng phải tự nhiên mà chương trình giáo dục ở quốc gia nào cũng chia ra nhiều cấp học với những mục tiêu khác nhau. Cũng không phải tự nhiên ở giai đoạn giáo dục phổ thông, HS phải học những môn được quy định. Theo luật Giáo dục hiện hành, mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp HS phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo...; chuẩn bị cho HS tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động.
Thế nhưng hiện nay có tình trạng HS chuyển từ hệ phổ thông sang hệ giáo dục thường xuyên nhằm mục đích chỉ tập trung học các môn thi ĐH. Nó đã trở thành một “làn sóng” đối với HS các tỉnh, kể cả HS giỏi. Có chuyên gia cho rằng nếu không ngăn chặn “trào lưu” này thì sẽ phá sập nền giáo dục phổ thông. Để cho HS lựa chọn con đường này sẽ dẫn đến lệch lạc trong việc học tập cũng như bồi bổ nhân cách.
Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi chính nhiều trường phổ thông ngoài công lập tự tiện cắt bỏ các môn học trong chương trình của lớp 12, chỉ tập trung cho HS học các môn thi ĐH. Những môn khác không học mà vẫn có điểm trong học bạ bằng cách cho đề trước kỳ thi, HS theo đó học tất có điểm. Bao nhiêu điểm trong học bạ sẽ do giáo viên tự quyết định. Việc làm này không chỉ trái với quy định mà còn rất phản giáo dục, gây thói quen giả dối cho chính HS.
Cuối tháng 10, Báo Thanh Niên có loạt bài Học sinh lớp 12 “tự dưng” giỏi hẳn ra phản ảnh tình trạng nhiều địa phương, nhiều trường học nới tay trong việc cho điểm HS để HS đạt điểm “đẹp” trong học bạ nhằm tăng tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT cũng như cơ hội vào các trường ĐH bằng hình thức xét học bạ. Việc làm này đáng lên án nhưng cũng chưa thấm tháp vào đâu so với việc bỏ hẳn các môn học trong chương trình trong cả năm lớp 12 chỉ tập trung vào các môn thi ĐH.
Năm học nào, khi chuyển sang học kỳ 2 cũng rộ lên thông tin trường này, trường khác cắt xén chương trình các môn không thi tốt nghiệp để dành thời lượng tập trung vào các môn thi. Mặc cho báo chí phản ảnh, mặc cho lãnh đạo Bộ GD-ĐT và các sở luôn khẳng định là trái với quy định nhưng tình trạng này vẫn diễn ra và nay đến mức có trường còn không thèm dạy những môn không thi ngay từ đầu năm học. Nếu như Bộ GD-ĐT và các sở không quyết liệt thì điều này chắc chắn không còn là thiểu số.
Chạy theo lối “giáo dục” thực dụng”, vì lợi nhuận trước mắt, các trường quên rằng những năm tháng phổ thông đâu chỉ có mỗi việc rèn vào ĐH. Các môn học, hoạt động thể thao, giải trí, sinh hoạt tập thể... không những giúp cho người học sống trọn cuộc đời HS mà còn là cơ hội rèn thêm nhân cách.
Giáo dục đâu chỉ có mỗi việc bắt HS chúi đầu vào học những môn phục vụ kỳ thi. Giáo dục đâu đơn giản như vậy!
Bình luận (0)