Đắt, nhưng xắt ra miếng... Đọc bài báo Bộ phim đắt giá nhất của điện ảnh Việt Nam của tác giả Phạm Thu Nga, với tư cách là tác giả kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn tôi thấy có đôi điều cần phải trao đổi. Có người nói kịch bản của tôi mang hơi hướng phim chưởng, rằng cụ Lý Công Uẩn giống Võ Tòng hoặc Triển Chiêu. Nếu được như vậy, có lẽ phim càng... "ăn khách". Vâng! Tôi thú thật rằng: khi viết Thái Tổ Lý Công Uẩn, tôi luôn lăm lăm ý thức bộ phim tương lai phải thật hay, thật hấp dẫn, và nếu có... phe vé thì càng mừng. Vì vậy tôi không ngần ngại pha trộn đủ thứ gia vị: nào là kĩ xảo, nào là đấu võ giáo múa gươm khua, nào là đại cảnh hoành tráng rầm rập voi gầm ngựa hí, nào là từng bầy vũ nữ tưng bừng nhảy múa trong cung điện lộng lẫy vàng son của Lê Ngọa Triều... Nhưng tất tần tật những thứ trên, như tôi đã nói, chỉ là gia vị. Sức hấp dẫn trong phim chính ở nhân vật trung tâm: Lý Công Uẩn. Vì sao, vì sao một cậu bé mồ côi phải nương náu cửa chùa lại có thể trở thành Đức vua Lý Thái Tổ, một trong những vị vua thiên tài, vĩ đại nhất của lịch sử VN? Kịch bản của tôi mang dung lượng tiểu thuyết, gần như ôm trọn cuộc đời của Lý Công Uẩn. Nhưng để tạo sự hấp dẫn, để nhân vật chính bộc lộ đến tận cùng nhân cách lớn lao và tầm vóc kiệt xuất của mình, tôi tập trung mô tả Lý Công Uẩn lúc ở trong lò bát quái Hoa Lư. Chọn Hoa Lư làm bối cảnh chính của phim, cũng nhằm để tận dụng tối đa những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, kì ảo của vùng non nước cố đô này. Đó cũng là một cách tăng thêm sức hấp dẫn, đồng thời tiết kiệm được kinh phí cho việc làm phim. 3- Cuộc hội thảo kịch bản Để góp phần hoàn thiện và nâng cao tầm vóc kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn hơn nữa, Văn phòng Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long đã tổ chức cuộc hội thảo vào sáng 9/9/2005. Dự hội thảo có các nhà sử học, văn hóa, biên kịch, đạo diễn... Nhìn chung, các ý kiến đều rất thẳng thắn, chân thành, bổ ích. Mỗi người một ý, có khen có chê, cho rằng kịch bản cần chỉnh sửa, nâng cao hơn nữa, nhưng đều ghi nhận công sức lao động, tìm tòi, khám phá của tác giả kịch bản. Chỉ duy nhất có ý kiến của một học giả khiến không khí cuộc hội thảo trở nên nặng nề. Có lẽ ông nhầm kịch bản của tôi là một luận án tiến sĩ chăng, nên đã ra sức vạch vòi. Tôi cứ ngỡ như kịch bản vừa hứng chịu một trận bom B.52 rải thảm. Đương nhiên kịch bản như viên ngọc thô, cần tiếp tục mài giũa. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi lời chỉ bảo, góp ý thẳng thắn, chân thành, chứ không phải là những lời dèm pha, đố kị của một vài kẻ đang rắp tâm ném đá giấu tay, không được ăn thì đạp đổ. 4- Đĩa mềm từ đâu bay tới? Bài báo của Phạm Thu Nga, ngay từ những dòng đầu đã khiến tôi chú ý. Bạn viết: "Cầm trên tay chiếc đĩa mềm nhỏ nhắn chứa đựng kịch bản Thái Tổ Lý Công Uẩn của nhà biên kịch Thiên Phúc...". Tôi rất ngạc nhiên. Chiếc đĩa mềm duy nhất ấy hiện đang nằm trong két sắt nhà tôi. Ngay cả Văn phòng Ban chỉ đạo cũng không có chiếc đĩa này, vì tôi chỉ nộp cho họ bản thảo kịch bản mà thôi. Chiếc đĩa mềm này từ đâu bay tới? 5- Đáng trả giá đắt Nhớ lại khi chuẩn bị dựng tượng Lý Thái Tổ ở Vườn hoa Chí Linh (Hà Nội), cũng bao nhiêu ý kiến om sòm... Thế rồi tượng được khánh thành, mọi xì xào liền tắt ngóm. Bởi tượng đài thực sự là một công trình văn hóa lớn, uy nghi và linh thiêng. Lần nào qua đây tôi cũng thấy có người dâng hoa, thắp hương... Tôi có niềm tin sắt đá rằng bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn nhất định sẽ ra mắt đúng dịp đại lễ kỉ niệm Thăng Long ngàn năm tuổi. Đêm đó tôi thấy Đức Thái Tổ uy nghi hiện về, cười vang, xoa đầu tôi nói rằng: "Khá lắm! Lũ hậu sinh khá lắm! Đáng đồng tiền bát gạo, đáng trả giá đắt. Đắt, nhưng mà xắt ra miếng! Ha... ha... ha...". Hà Nội, mùa cốm, thu 2005 |
Thưa ông Đinh Thiên Phúc,
Vừa qua đã có một số người thắc mắc rằng, kinh phí bộ phim chưa được quyết định thì sao Thanh Niên đã có thể gọi đây là "bộ phim đắt giá nhất của điện ảnh Việt Nam". Xin trả lời, những bộ phim đắt nhất của chúng ta từ trước đến nay có kinh phí khoảng 15 tỉ đồng, mà đó là những bộ phim chiến tranh với thời điểm diễn ra câu chuyện chỉ cách chúng ta quãng 100 năm. Với một phim lịch sử có bối cảnh cách đây 1.000 năm như Thái Tổ Lý Công Uẩn, chắc chắn kinh phí sẽ phải hơn 15 tỉ, vì nếu ít hơn thì thà không làm bởi như thế sẽ cho ra đời một bộ phim hết sức sơ sài. Việc làm phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là một việc lớn, hơn nữa lại là một bộ phim kinh phí rất cao, nên dư luận cả nước quan tâm tới bộ phim ngay từ khâu kịch bản là chuyện đương nhiên.
Chúng tôi rất ngỡ ngàng khi ông viết rằng "Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe mọi lời chỉ bảo, góp ý thẳng thắn, chân thành, chứ không phải là những lời dèm pha, đố kị của một vài kẻ đang rắp tâm ném đá giấu tay, không được ăn thì đạp đổ". Chúng tôi không hiểu câu này ông nhắm vào ai. Bởi bài báo của chúng tôi có ký tên tác giả rõ ràng, tất cả những ý kiến góp ý trích đăng trong bài viết đều là của những nhà khoa học, đạo diễn có tên tuổi cụ thể, không thể nói là "ném đá giấu tay" được. Và chúng tôi càng không hiểu được trong việc làm phim này ai được "ăn", và ai không được "ăn" đây? Ông có thể yên tâm rằng chúng tôi chẳng hề "ăn uống" gì trong việc làm phim này, nên mục đích của bài báo Bộ phim đắt giá nhất của điện ảnh Việt Nam không phải là "đạp đổ". Trong bài viết, chúng tôi không hề nói rằng không nên làm phim, mà chỉ khẳng định "số tiền to lớn sắp được rót xuống để bộ phim thành hình đòi hỏi chúng ta phải có cái nhìn thật cẩn trọng đối với kịch bản này, vì ai cũng biết "có bột mới gột nên hồ". Thiết nghĩ, từ tình trạng một số bộ phim chiến tranh tiêu tốn kinh phí lớn nhưng chất lượng không làm hài lòng người xem trước đây, việc góp ý cho một bộ phim lớn sắp tới cũng không hề thừa! Tất cả những nhận xét về cách xây dựng hình tượng Lý Công Uẩn, thủ pháp "lời dẫn chuyện" đến những sai sót về cứ liệu lịch sử trong kịch bản được nêu ra trong bài viết cũng không ngoài mục đích này.
Chúng tôi hiện đang giữ một chiếc đĩa mềm chứa đựng kịch bản bộ phim, nếu ông cần thì chúng tôi có thể gửi cho ông. Còn tại sao chiếc đĩa ấy "bay" đến chỗ chúng tôi thì chúng tôi không có nhiệm vụ giải thích.
Ông cho rằng bộ phim "đáng trả giá đắt", vì "đắt, nhưng xắt ra miếng". Chúng tôi sẽ hoàn toàn tán thành việc làm phim, nếu chúng tôi biết chắc chắn rằng bộ phim sẽ đạt chất lượng cao. Nhưng cho đến giờ thì chưa có gì đảm bảo điều này cả. Ông có nói rằng kịch bản đã được duyệt qua rất nhiều khâu, được nhiều cấp và nhiều vị lãnh đạo các bộ, sở, ủy ban tán thành. Xin thưa rằng rất nhiều kịch bản phim của chúng ta cũng đã đi theo những lộ trình nhiều cấp mà vẫn không trở thành một bộ phim hay. Ông so sánh việc làm phim Lý Thái Tổ với việc dựng tượng Lý Thái Tổ ở Vườn hoa Chí Linh. Xin thưa, quy trình và tổ chức làm phim không giống với quy trình và tổ chức dựng tượng, rạp chiếu bóng không hề giống như vườn hoa và khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp không hề giống những khách đến dâng hoa, thắp hương ở tượng đài...
Chúng tôi hân hạnh được ông chia sẻ niềm tin sắt đá về bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn. Còn về giấc mơ của ông thì xin bạn đọc tự bình luận.
Cảnh trong phim Ngọn nến hoàng cung - bộ phim truyền hình lịch sử nhiều tập được đánh giá cao của đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng |
Thanh Niên
Bình luận (0)