Phản hồi từ loạt phóng sự Vé số đây!: Công ty xổ số có quan tâm người bán vé số dạo ?

Như Lịch
Như Lịch
09/04/2019 08:24 GMT+7

Sau loạt phóng sự Vé số đây! trên Báo Thanh Niên từ ngày 25 - 30.3, nhiều độc giả bức xúc về sự quan tâm của công ty xổ số đối với những người bán vé số dạo.

Ông Lưu Tấn Sĩ (ảnh), Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh, đại diện Công ty TNHH một thành viên xổ số kiến thiết (XSKT) TP.HCM, đã trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên về vấn đề này.
Nhiều ý kiến cho rằng lợi nhuận phân chia thiếu minh bạch, công bằng giữa công ty - đại lý với người trực tiếp bán hàng. Trong khi cán bộ của công ty hưởng lương cao thì người bán trực tiếp rất vất vả nhưng thu nhập thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Xa rời thực tế

Những ngày này, một số trang mạng xới lại phát biểu trước đây của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang: Người tàn tật đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ, thu nhập mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng!
Một cán bộ ngành XSKT tại TP.HCM khẳng định đây là phát biểu “xa rời thực tế, không ai tin”. Theo vị này, mức bán bình quân của người bán dạo nói chung là trên dưới 200 tờ/ngày, cá biệt mới có ngày bán 300 - 500 tờ.
Vị này cũng bức xúc khi một số quan chức từng đề xuất đánh thuế người bán vé số: “Các công ty xổ số đã thu giùm ngành thuế 5% trên 15% hoa hồng đại lý. Như vậy, người bán vé số đã đóng thuế thu nhập”.
Tôi giải thích cho dễ hình dung: Doanh thu 100 đồng sẽ trả thưởng theo quy định là 50 đồng (50%); thuế tiêu thụ đặc biệt là 15%; thuế giá trị gia tăng 10%; hoa hồng đại lý 15%; chi phí quản lý, phát hành 2 - 3%; lợi nhuận trước thuế 7 - 8%. Sau đó mới tới thuế thu nhập doanh nghiệp; trích quỹ phúc lợi, khen thưởng, dự phòng rủi ro trả thưởng…; lợi nhuận sau thuế.
Công ty XSKT là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cán bộ và công nhân viên ăn lương nhà nước. Tất cả đều nộp ngân sách, công ty chỉ có quỹ phúc lợi khen thưởng. Còn quỹ lương nằm trong chi phí quản lý, phát hành 2 - 3% nói trên và phải thông qua Hội đồng tiền lương TP.HCM xét duyệt.
Về mức hoa hồng đại lý, nhà nước quy định không được vượt quá 15% và các công ty XSKT thống nhất lấy mức cao nhất chi trả. Trừ thuế thu nhập 5% trong số 15% đó, đại lý cấp 1 đại diện được nhận 14,25% tương đương 1.425 đồng/10.000 đồng mệnh giá mỗi tờ vé số. Từ đó, họ phân phối lại cho đại lý cấp 2, cấp 3 và người bán dạo. Riêng người bán dạo được hưởng từ 10 - 12% (1.000 - 1.200 đồng)/tờ.
Công ty XSKT có chương trình chăm lo hỗ trợ cho những người bán vé số đặc biệt khó khăn không? Nhiều bạn đọc của Báo Thanh Niên thắc mắc vì sao các công ty xổ số ăn nên làm ra nhưng không có trách nhiệm gì về vấn đề bảo hộ, an sinh cho lực lượng lao động bán dạo?
Nguồn thu từ hoạt động kinh doanh xổ số được dùng phục vụ phúc lợi xã hội, giáo dục y tế, chăm lo cho đại đa số người dân. Công ty XSKT không phải muốn chi cái gì thì chi, không thể lập quỹ riêng chăm lo cho người bán vé số vì quy định không cho phép. Tuy nhiên, hằng năm công ty chúng tôi phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, Quỹ “Vì người nghèo” tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tặng xe lăn, xe lắc tay cho người bán vé số khuyết tật…
Làm thế nào để cải thiện hình ảnh nhếch nhác của người bán vé số? Công ty XSKT nên tập huấn bài bản cho người bán vé số dạo trở thành nhân viên bán hàng chuyên nghiệp, để người mua cảm thấy tin tưởng và không vì lòng thương hại?
Cách đây 12 năm, tỷ lệ tiêu thụ vé số của khu vực miền Nam chỉ đạt 40 - 50%, còn hiện nay 80 - 90%. Điều này nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng và lực lượng bán dạo đông, hiện có hơn 100.000 người (khoảng 2 năm nay còn có một số người ở miền Bắc vào).
Thường những người không thể làm được bất cứ lĩnh vực nào khác mới đi bán vé số dạo. Họ là người khuyết tật, già cả, neo đơn, quá tuổi lao động, chưa đến tuổi lao động, thậm chí có những người không biết chữ… Họ bỏ công sức, đổ mồ hôi kiếm đồng tiền chính đáng vừa nuôi sống bản thân và giúp gia đình, vừa góp phần cho doanh thu xổ số cao lên, để nhà nước thu ngân sách nhiều hơn, từ đó phục vụ đầu tư công trình phúc lợi xã hội. Có thể đến lúc nào đó, xổ số truyền thống cũng đưa vô những điểm bán cố định cho văn minh lịch sự, không còn cảnh mời mọc, lang thang nhếch nhác ngoài đường. Nhưng thử hỏi tính nhân văn ở đâu bởi những ai có tiền, có điều kiện mới có thể tham gia bán vé số hiện đại? Hơn 100.000 người bán dạo và sau lưng họ là bao nhiêu hộ gia đình sẽ ra sao, khi mà họ thuộc diện nghèo khổ, là đối tượng tận cùng của cuộc sống?
Người bán vé số phản ánh: Bán vé số dạo bây giờ chua lắm, bán 100 tờ trả được 1 tờ. Công ty ép đại lý phải bán hết. Đại lý ép người đi bán dạo. Có hôm không có vé số bán…
Bộ Tài chính giao chỉ tiêu nộp ngân sách cho các công ty xổ số, trên tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước. Trong khi đó, doanh số phát hành bị khống chế nên phải lấn tỷ lệ tiêu thụ lên. Hiện Công ty XSKT TP.HCM phát hành 9 triệu tờ vé số/ngày (thứ hai và thứ bảy hằng tuần), tỷ lệ tiêu thụ giao cho đại lý là 90%, có nghĩa được trả vé tồn 10%. Một số công ty quy định vé được trả chỉ 3 - 4%. Đại lý nào nộp tỷ lệ càng cao càng có khả năng được tăng vé, ngược lại có nguy cơ bị cắt vé.

Tâm sự của người mẹ “tha” con đi bán vé số

Một chị bán vé số dạo ban đêm dừng chân cho con bú
Trong những đêm lang thang bán vé số ở quán nhậu, quán ăn, thú thật có những lần ngửi mùi thức ăn ngào ngạt và nhìn đĩa mồi trên bàn nhậu, người viết không thể không nuốt nước bọt. Tội nhất là một số chị phải ẵm con theo bán, mặt mày xanh xao kiệt sức vì mới sinh con vài tháng, ăn uống thiếu thốn, đôi lúc phải dừng lại cho con bú…
Người viết nhớ mãi tâm sự của chị Lan Anh (quê Thanh Hóa, ở trọ P.10, Q.3) khi chị ôm đứa con thơ cố bán thêm vài tờ vé số khuya 22.3 trên đường Trường Sa: “Chi phí sinh hoạt hiện quá cao đối với người bán vé số dạo. Gửi con vào nhà trẻ cũng hết 1,7 - 1,8 triệu đồng/tháng, rồi tiền nhà trọ và các khoản, sao chịu nổi. Tụi em đành phải gửi con về quê, bố mẹ một nơi, con một nơi xa lắc, nhớ nhau không biết phải làm sao. Đã có biết bao đứa trẻ hư hỏng vì thiếu tình cảm của cha mẹ. Em chỉ mong chi phí học giảm đi, để cho tất cả những người nghèo như bọn em không phải xa con...”.
Sau loạt bài Vé số đây! trên Báo Thanh Niên, một số độc giả đã hỗ trợ bé Bảo Bảo (con chị Lan Anh) như ông Đoàn Văn Thái (P.5, Q.11) giúp 2 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (P.Tân Hưng, Q.7) giúp 500.000 đồng, chị Mai Thị Ngọc Yến (P.5, Q. Gò Vấp) giúp 700.000 đồng.
Với anh mù bán vé số Thạch Thảo Tâm Thương (trọ P.14, Q.Tân Bình), giám đốc một công ty nhân sự đã tạo việc làm thêm cho vợ chồng anh, theo phương châm “Giúp cần câu hơn giúp con cá”…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.