Phan Huỳnh Điểu - con chim vàng của tân nhạc - Kỳ 4: 'Nhạc sĩ của tình yêu' và những bóng hồng thấp thoáng

05/07/2015 08:16 GMT+7

Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã thương yêu tặng cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu danh xưng 'Nhạc sĩ của tình yêu'. Mà quả thực, từ sáng tác đầu tay cho đến cuối đời, nhất là giai đoạn cuối 1970 đầu 1980, âm nhạc Phan Huỳnh Điểu chuyển hẳn sang đề tài tình yêu trữ tình thuần túy...

Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã thương yêu tặng cho nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu danh xưng “Nhạc sĩ của tình yêu”. Mà quả thực, từ sáng tác đầu tay cho đến cuối đời, nhất là giai đoạn cuối 1970 đầu 1980, âm nhạc Phan Huỳnh Điểu chuyển hẳn sang đề tài tình yêu trữ tình thuần túy...

 
Phan Huỳnh Điểu - con chim vàng của tân nhạc - Kỳ 4:  'Nhạc sĩ của tình yêu'  và những bóng hồng thấp thoángNhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và người vợ thảo hiền - Ảnh: Nguyễn Á
Từ tác phẩm mở đầu sự nghiệp sáng tác của Phan Huỳnh Điểu là bài Trầu cau (1940), đến ca khúc được coi là cuối cùng của ông Em như áng mây (thơ Trương Nam Chi, 2011) thì ca khúc của Phan Huỳnh Điểu chủ yếu vẫn là những bản tình ca về đôi lứa, về quê hương đất nước… Và hầu như chưa có bài nào ông viết ra trong tâm trạng buồn nản hay thất vọng. "Tôi chỉ sáng tác nhạc khi trong lòng thấy vui vẻ, lạc quan vì muốn truyền điều đó đến người nghe. Trong đầu tôi không bao giờ ngừng vang lên giai điệu, tim tôi không bao giờ ngừng yêu…”, ông từng nói như vậy.
Những bóng hồng thấp thoáng
Tôi chỉ sáng tác nhạc khi trong lòng thấy vui vẻ,
lạc quan vì muốn truyền điều đó đến người nghe.
Trong đầu tôi không bao giờ ngừng vang lên giai điệu, tim tôi không bao giờ ngừng yêu...”
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
Phan Huỳnh Điểu từng thừa nhận, hầu hết sáng tác của ông đều thấp thoáng những bóng hồng. Nhưng ông cũng lại nói rằng những bài hát về tình yêu của ông đều phảng phất bóng dáng của người vợ hiền mà ông rất mực yêu thương… Gạn hỏi, ông lắc đầu nguầy nguậy: “Chuyện tình cảm không thể tiết lộ được. Tôi có viết sơ sơ… trong hồi ký ấy!”.
Nhưng rồi ông cũng hé lộ một chút: “Cũng có những “chuyện bây giờ mới kể” làm mình té ngửa, chẳng hạn như khoảng năm 1990, trong một buổi họp mặt đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM, có cô bạn hàng xóm với tôi từ thuở thiếu niên tên là Lệ Thủy, cô ấy lên sân khấu, cầm micro nói với cử tọa: Đúng ra anh Phan Huỳnh Điểu phải là thi sĩ chứ đâu phải nhạc sĩ. Lúc còn đi học, anh đã từng làm thơ tặng tôi. Tôi bối rối, tự hỏi có đúng mình từng làm thơ tặng cô ấy không nhỉ? Lệ Thủy đọc một mạch: “Mắt em sáng hay đôi sao vừa mọc/Phớt hương trời say đắm giữa dòng Ngân/Mây tơ trắng lâng lâng hồn viễn xứ/Bến mi sầu biên giới mộng thi nhân”. Tuyệt vời! (dù không biết có phải là thơ của mình không?) nhưng cứ lên sân khấu bắt tay cảm ơn, và xin phép được tặng cái hôn (vào má) mà đáng lẽ tôi phải trao từ nửa thế kỷ trước”.
Mới đây, NSƯT Vũ Dậu cũng từng được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bày tỏ tình cảm ngay trên sân khấu, trước ống kính truyền hình và các nhà báo. Số là trong đêm nhạc Phan Huỳnh Điểu 90 - Cuộc đời vẫn đẹp sao do Hội Âm nhạc TP.HCM và HTV tổ chức nhân mừng thọ 90 tuổi của nhạc sĩ (tháng 11.2014), NSƯT Vũ Dậu đã cùng con gái là nữ ca sĩ Khánh Linh từ Hà Nội bay vào TP.HCM để hội ngộ cùng “Nhạc sĩ của tình yêu” sau nhiều năm xa cách. Trước đây, nhạc sĩ từng tiết lộ riêng ca khúc Đêm nay anh ở đâu là ông viết tặng cho ca sĩ Vũ Dậu. Ông nói: “Vũ Dậu là một ca sĩ hiền lành, ngoan ngoãn, dễ thương. Ca khúc Đêm nay anh ở đâu là viết từ tình cảm thật của cô ấy”. Ca sĩ Vũ Dậu cũng là người đầu tiên thể hiện ca khúc này. Bà từng hát thành công rất nhiều sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (NSƯT Vũ Dậu sinh năm 1945 tại Hà Nội. 13 tuổi tham gia Đội sơn ca của Đài tiếng nói VN. 16 tuổi vào Đoàn ca múa nhạc trung ương và tham gia vào đoàn văn công đi chiến trường. Nhạc sĩ Ngọc Châu và ca sĩ Khánh Linh là con của bà). Đêm ấy, bà hát lại ca khúc Những ánh sao đêm và ông đã lên tận sân khấu (dù đã 90 tuổi) ôm hôn và tặng hoa cho bà. Nhạc sĩ còn hài hước: “Đây là lần đầu tiên tôi được ôm ca sĩ” và không ngần ngại… tỏ tình: “Anh càng yêu em, càng viết nhiều bài hát hơn!”...
Người vợ thảo hiền
Về người vợ rất mực thương yêu - bà Phạm Thị Vân, ông kể: “Bà ấy sinh trong một gia đình có 8 anh chị em. Bố mẹ quê ở Nam Định nhưng chuyển vào Quy Nhơn sinh sống. Tôi gặp vợ trong kháng chiến. Khi ấy tôi dạy nhạc ở Trường Lê Khiết (Quảng Ngãi). Vợ là học sinh, kém tôi 8 tuổi. Chuyện tình yêu của người lính trong chiến tranh thì không lãng mạn đâu. Thời kỳ bom đạn mà. Vợ chồng tôi chỉ làm lễ cúng ông bà, liên hoan nồi chè mời mọi người. Sau này hòa bình thống nhất, tôi mới có tiền để mua tặng vợ chiếc nhẫn cưới. Năm cưới nhau, tôi mới 26 tuổi, còn cô ấy mới 18… Năm 1954, cả hai vợ chồng tập kết ra bắc, 10 năm sau, tôi trở lại chiến trường miền Nam (1964), bà ấy ở lại miền Bắc vừa nuôi con vừa học dược sĩ. Mãi đến năm 1970, tôi được chuyển ra miền Bắc để chữa bệnh, vợ chồng mới đoàn tụ…”.
Cả đời bà Phạm Thị Vân tần tảo nuôi con, chèo chống gia đình để “Nhạc sĩ của tình yêu” yên tâm sáng tác. Cho nên dù nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu “tự thú” có nhiều “bóng hồng” là cảm hứng trong sáng tác của mình nhưng lúc nào ông cũng chung thủy và sắt son với người vợ thương yêu. Bởi bà luôn là người đầu tiên “nghe và duyệt” những ca khúc của ông, trước khi chúng được công bố.
Cách đây hơn 1 năm, bà Vân bị tai biến, liệt nửa người phải nằm một chỗ… Ngày chồng bà phải nhập viện lần cuối cùng, bà cứ lo lắng, hỏi han. Gia đình phải trấn an bà không thôi. Rồi ông đi, người thân phải giấu nhẹm hung tin vì sợ bà không qua nổi cú sốc quá lớn, phải tắt ti vi, radio… sợ nằm buồn bà mở ti vi sẽ nghe thông tin ông không còn nữa. Mãi đến 3 ngày sau, khi người con trai út từ Đức trở về, gia đình mới dám báo tin cho bà (sau khi đã mời sẵn bác sĩ, xe cấp cứu). Biết tin, bà không nói một lời nào, mắt nhìn vào khoảng không vô định phía trước...
Sáng 1.7, được người thân bế lên xe lăn đưa đến Nhà tang lễ TP.HCM (nơi cùng lúc quàn linh cữu của 2 nhạc sĩ bạn thân trên 60 năm: Phan Huỳnh Điểu - Phan Nhân), bà cũng vẫn bất động trước linh cữu của chồng. Rồi bà nhờ người nhà đẩy xe qua viếng nhạc sĩ Phan Nhân. Cảm động nhất là khi 2 người vợ trở thành góa phụ trong cùng một ngày ôm chầm lấy nhau, chia sẻ nỗi đau tận cùng sâu thẳm…
Ông lão 81 tuổi ngồi phổ thơ tình
Chỉ mới có được một vài sáng tác đầu tay thì Tổ quốc, quê hương đã lâm vào cảnh tao loạn, chiến tranh, nên Phan Huỳnh Điểu phải hướng ngọn bút, tiếng đàn của mình hòa chúng vào cuộc đấu tranh của đồng bào cả nước, đó là điều tất yếu. Nhưng nhạc của ông vẫn thấm đẫm chất trữ tình tha thiết, bởi bản chất của ông là thế: “Một tiếng chim rừng, một làn gió biển, một sớm mai xuân trước cửa hầm dã chiến, thấy trời xanh xao xuyến ở trên đầu ta vẫn thầm hái hoa tặng nhau” (Cuộc đời vẫn đẹp sao, thơ Dương Hương Ly); hoặc: “Con giun sống nhớ đất, chim phí sống nhờ rừng. Em và mẹ nhớ anh, uống nước nguồn miền Bắc...” (Bóng cây Kơnia, thơ Ngọc Anh, 1970); “Tuy giờ đây hai miền còn cách xa. Niềm chia cắt thắt đau lòng chúng ta. Nhưng không thể xóa được hình bóng em...” (Những ánh sao đêm, 1962)... Rồi sau đó,  Anh ở đầu sông em cuối sông (1978), Thơ tình cuối mùa thu (1980), Thuyền và biển (1981), Ở hai đầu nỗi nhớ (1983), Người ấy bây giờ đang ở đâu (1991)... đã đưa ông đến những đỉnh vinh quang mới.
Ai có thể tưởng tượng được, một ông lão 81 tuổi, ngồi phổ những lời thơ như thế này: “Em như áng mây bay, qua đời anh rất nhẹ/Cho con tim già cỗi, sáng lên tia nắng hồng/Em như là dòng sông, đến từ miền xa ngái/Lướt nhẹ nhàng êm ái, tưới mát cánh đồng anh...” (Em như áng mây, thơ Trương Nam Chi, 2011), thành một ca khúc bay bổng?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.