Theo di nguyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tro cốt của ông sẽ được mang về rải ở sông Hàn (Đà Nẵng), để mãi mãi được ở lại với mảnh đất quê hương mình.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, người con nặng tình với quê hương Đà Nẵng - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
|
Trong đêm nhạc Phan Huỳnh Ðiểu 90 - Cuộc đời vẫn đẹp sao, nhạc sĩ đã tâm sự: “Tôi còn một món nợ đối với quê hương mình, đó là chưa sáng tác được bài nào hay cho quê hương của mình”… Là ông nói vậy, chứ thực ra trong sự nghiệp sáng tác của mình, ông vẫn dành một góc với nhiều ca khúc đầy yêu thương cho Đà Nẵng…
Cuối năm 1945, khi những đoàn tàu Nam tiến dừng chân tại ga Đà Nẵng với những người lính hăm hở vào chiến trường Nam bộ, đã trở thành nguồn cảm xúc cho nhạc sĩ trẻ Phan Huỳnh Điểu viết hành khúc Đoàn Vệ quốc quân. Rồi khi tập kết ra bắc, chàng nhạc sĩ Đà Nẵng đã trăn trở bao nỗi niềm qua các ca khúc Liên khu năm yêu dấu, Quê tôi miền Nam, Tình trong lá thiếp... Tháng 12.1964, Phan Huỳnh Điểu trở lại hoạt động ở vùng ven Đà Nẵng, với bút danh Huy Quang đã viết hành khúc Ra tiền tuyến. Cũng ở đó, ông viết Tiếng hát từ Đà Nẵng. Ngày Đà Nẵng giải phóng, Phan Huỳnh Điểu viết Đà Nẵng ơi! Chúng con đã về…
Hành khúc ngày và đêm của hai người con Đà Nẵng
Nhà thơ Bùi Công Minh nhớ lại, cách đây gần 60 năm, khi ông 10 - 11 tuổi, là học sinh miền Nam (có cha mẹ tập kết ra Bắc), một buổi chiều nghe được bài hát Những ánh sao đêm qua tiếng hát của Quốc Hương phát từ loa công cộng, cậu bé đã mê mẩn. Từ đó cậu luôn dõi theo những tác phẩm của Phan Huỳnh Điểu. Thích nhất là biết ông cũng đồng hương Đà Nẵng, thuộc lớp cha, chú thuở Đà Nẵng thân yêu năm nào ta ra đi...
Mười mấy năm sau, ngày 20.11.1969 bài thơ Ngày và đêm của Bùi Công Minh được đăng trên Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN). Rồi hơn 5 năm sau (cuối tháng 12.1974), Bùi Công Minh bất ngờ thấy bài thơ của mình lại được in đầy đủ trên một tờ báo nhưng lại nằm dưới những khuôn nhạc. Đó là ca khúc Hành khúc ngày và đêm có ghi rõ “Thơ: Bùi Công Minh; Nhạc: Phan Huỳnh Điểu”, làm chàng ngất ngây… Hồi đó, chiến tranh ác liệt, tìm kiếm thông tin rất khó khăn, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu không hề biết tác giả bài thơ mình đã phổ thành Hành khúc ngày và đêm là ai, mãi cho tới sau ngày giải phóng chú cháu mới gặp nhau trên quê hương Đà Nẵng. Bùi Công Minh nói: “Tôi rất biết ơn chú Phan Huỳnh Điểu - “nhạc sĩ lớn” đã chắp cánh cho “bài thơ nhỏ” được bay cao, bay xa…”.
Đà Nẵng nhớ người
Nhà thơ Thanh Quế (nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng) từng sống và chiến đấu nhiều năm bên người đàn anh Phan Huỳnh Điểu, tâm sự: “Tôi cho rằng di nguyện của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (đem tro cốt rải trên sông Hàn) là ông đã suy nghĩ rất kỹ, nghiêm túc và rất tình cảm. Bởi vì Đà Nẵng là nơi Phan Huỳnh Điểu sáng tác ca khúc Đoàn Vệ quốc quân - được coi là ca khúc cách mạng đầu tiên của Đà Nẵng. Ông tập kết ra bắc rồi cũng về lại gắn bó, chiến đấu với Khu 5 và đã sáng tác nhiều bài ở đây. Khi hết chiến tranh, ông lại viết Đà Nẵng ơi chúng con đã về… Một con người gắn bó mật thiết với quê hương, yêu quê hương đến độ muốn hòa tan vào dòng chảy quê hương, âu cũng là hợp lý và thuận lẽ trời”.
Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng - một người con của Đà Nẵng, người đã thiết kế Cầu Rồng bắc qua sông Hàn, tâm sự: “Nhạc sĩ Phan Hùynh Điểu thầm nguyện sau khi thành tro bụi, cầu mong được rải trong nước sông Hàn (Đà Nẵng) quê hương, nơi ông đã gắn bó từ tấm bé, rồi hình thành những câu chuyện tình, những ngày sinh hoạt trong phong trào Hướng đạo, đến ngày ra đời ca khúc Đoàn Vệ quốc quân rồi Đà Nẵng thương yêu… Ông từng tâm sự, về với sông Hàn, con sông quê không chỉ tắm gội mà chính là muốn tan biến thành phù sa trôi theo dòng đời… Tôi tưởng tượng nghi thức sẽ diễn ra trong thầm lặng của gia đình cùng thân quyến, trong giai điệu nhè nhẹ trữ tình của nhạc Phan Huỳnh Điểu giữa đêm khuya, khi dòng sông mãi thao thức đón nhận bụi tro của một tâm hồn tràn đầy thanh âm: nồng nàn yêu người và yêu đời…”.
Nhạc sĩ Nguyễn Đức, Chủ nhiệm CLB Sáng tác trẻ (Hội Âm nhạc TP.Đà Nẵng), cũng đầy cảm xúc: “Những ngày cuối tháng 6 Đà Nẵng buồn hơn… Cung trầm đã vang trên dòng sông Hàn, thành phố biển như trầm mặc... Quán cà phê Long (ngã tư Quang Trung), nơi các buổi sáng anh em nhạc sĩ vẫn ồn ào gặp nhau, hôm nay anh em chuyền tay nhau những kỷ niệm về chú, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu… Nơi đây cũng là điểm hẹn của chú với anh em nhạc sĩ Đà Nẵng mỗi lần chú về thăm quê... Cuối trời mây trắng đã bay, thuyền đã rời xa biển về cõi vĩnh hằng. Dòng sông Hàn quê nhà sẽ luôn mang hình bóng của người nhạc sĩ tài hoa! Cầu mong chú về cõi vĩnh hằng an nhiên”.
Hôm nay (3.7), linh cữu nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được đưa đến đài hỏa táng tại Phúc An Viên (Q.9), sau đó sẽ về với con sông quê hương.
Bình luận (0)