Phân loại doanh nghiệp để “đại phẫu”

23/05/2013 03:30 GMT+7

Hôm qua (22.5), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu đều tập trung mổ xẻ về nợ xấu , hàng tồn kho và kiến nghị cần thiết phải có một cuộc “đại phẫu” doanh nghiệp, phân loại, cái nào tốt thì hỗ trợ, cái nào xấu, làm ăn chụp giật nhất định phải loại bỏ.

 Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu thảo luận tại tổ ĐBQH Đà Nẵng
Đại biểu Thân Đức Nam phát biểu thảo luận tại tổ ĐBQH Đà Nẵng - Ảnh: Anh Vũ

Xử lý dứt điểm nợ xấu

Là người đầu tiên phát biểu thảo luận tại tổ Đà Nẵng, ĐB Thân Đức Nam lấy ví dụ hình ảnh 4-5 ngân hàng (NH) ngồi “canh” tại cổng nhà máy thép của một doanh nghiệp (DN) để siết nợ vừa qua và cho rằng dòng tín dụng tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn, NH thừa tiền không cho vay  được, trong khi DN thiếu vốn lại không thể tiếp cận. Những nghịch lý này là do “cục” nợ xấu tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm.  DN có nợ xấu, không thể vay vốn, NH cũng không dám cho vay vì lo DN không thể trả được nợ gốc, lẫn lãi, hai bên đều dè chừng nhau. 

 
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng, tại kỳ họp thứ 4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn và đề ra một số giải pháp, nhưng các ĐB chưa thỏa mãn. Từ đó đến nay chênh lệch giá vàng ngày càng tăng cao. Bà Ánh dẫn Nghị quyết QH yêu cầu phải kéo sát giá vàng trong nước và thế giới và đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời trước QH về vấn đề này.

Vì vậy, theo ông Nam, vấn đề quan trọng không chỉ kiềm chế lạm phát mà phải tập trung làm sao để DN tiếp cận được vốn. Cũng theo ĐB Nam, trước tình hình khó khăn hiện nay, cần thiết phải áp dụng linh hoạt chính sách tín dụng, có nhiều dự án cho vay trước rồi, DN đang thi công thì đề nghị NH tiếp tục bơm vốn để sớm hoàn thành. Đảm bảo dư nợ tín dụng tăng ở mức 12%, kéo giảm lãi suất cho vay về mức bằng lãi suất huy động cộng thêm 2,5%/năm. Ưu tiên vốn cho các dự án BT, BOT về xây dựng hạ tầng giao thông cơ bản.

ĐB Nguyễn Văn Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty thép Việt Nhật) cũng đề nghị phải sớm tháo gỡ khó khăn tín dụng để DN tiếp cận được vốn, nếu không dứt khoát nền kinh tế không thể phát triển được. Hiện nay, theo ĐB Bình các DN đang bị nợ xấu tại nhiều NH, trong khi hàng tồn kho nhiều, nên một loạt DN không thể trả được nợ, bị rơi vào các nhóm nợ xấu. Vì vậy, cần phải cơ cấu lại các khoản nợ từ ngắn sang trung hạn, giãn thời gian trả nợ tùy từng DN, nhóm hàng, ngành hàng. “Khi cơ cấu lại nhóm nợ thì phải sàng lọc xem DN nào làm ăn được, còn khả năng trả nợ, còn khả năng tạo công ăn việc làm thì phải bơm vốn lưu động, vốn sản xuất kinh doanh” - ĐB Bình nói. Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An, Phan Đình Trạc cũng cho rằng, cần phải phân loại nợ xem loại nào cần khoanh lại, cái nào cần khoanh nợ gốc, nên chăng có những món nợ xấu không thể thu hồi thì phải xử lý luôn, bán dứt điểm, kể cả nhà nước chấp nhận lỗ chút ít.

Phân loại doanh nghiệp để “đại phẫu”

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phùng Quốc Hiển, gói DN lại trong 3 khó khăn gồm: vốn, thị trường và môi trường kinh doanh. Về vốn thì cơ chế cấp vốn không còn, chỉ còn vốn tự có hoặc vay NH. Cái khó nhất là lãi suất, mặc dù có giảm nhưng vẫn cao, thị trường không có đầu ra. Tuy nhiên, cũng không thể cứu hết các DN, ông Hiển nói: “Ta không thể cứu tất cả, phải đại phẫu bằng hai con dao. Thứ nhất là con dao cơ chế thị trường thải loại làm ăn chụp giật. Còn thứ hai là con dao cơ chế, những DN vẫn làm ăn được, chỉn chu bài bản thì NH phải mở cửa cho vay, phải khoanh nợ giãn nợ”.

Đối với vấn đề thị trường, ông Hiển đề nghị phải làm sao kích lên để kích thích tiêu dùng, sức mua, tránh không để người dân bỏ tiền vào mua vàng, mua đô la. “Có thể phải tăng chi đầu tư lên qua ngân sách, cũng phải thông qua tín dụng. Ví dụ kích 30.000 tỉ đồng liên quan đến bất động sản. Lương cũng là yếu tố cần chú ý với sức mua yếu như thế này” - ông Hiển lưu ý.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đánh giá, thống kê hôm nay có 50 DN chết, ngày mai lại mọc ra 60, nhưng điều cần quan tâm hơn cả là chất lượng của DN hiện đang quá yếu kém, quy mô lại manh mún. Theo ĐB Bảo, vấn đề khó khăn chính là sản xuất không tạo ra dòng chảy, nên vốn có cũng không mang lại ý nghĩa. “Nhiều người phát biểu tất cả DN hy sinh hết cả, nhưng nhìn vào bản chất vấn đề dù bi quan nhưng cũng có nhiều điểm sáng. Nhiều DN làm đến đâu vốn đến đó, chỉ nguy hiểm khi chúng ta không làm ra sản phẩm thực tế cho xã hội. Đó là hậu quả của 3, 4 năm về trước” - ĐB Bảo nhìn nhận.

ĐB Bảo “gút lại” điểm nghẽn hiện nay nằm ở đầu ra, thị trường không có, nên chính sách cứ giữ kiểm soát lạm phát chặt như vừa qua chưa chắc đã hay. “Kích cầu mới có chuyện đẻ tiền ra tiền, còn cứ bóp chặt thế này, cứ giữ con số thế này thì không phát triển. Đích cuối cùng phải khơi thông sản xuất, kinh tế phát triển thực chất, chứ không phải là giữ con số tăng trưởng. Con số đưa ra chỉ là định hình mục tiêu mà thôi” - ĐB Bảo đề nghị.

Phải siết kỷ luật chi tiêu ngân sách

Đây là kiến nghị của nhiều ĐBQH tại phiên thảo luận tổ ngày hôm qua về nội dung quyết toán ngân sách năm 2011 cũng như tình hình thực hiện dự toán ngân sách những tháng đầu năm 2013.

Khai cuộc phiên thảo luận chiều ở nội dung này, luật sư Trương Trọng Nghĩa, ĐB TP.HCM than phiền về tình trạng chi ngân sách “vô tội vạ” nhiều năm qua không được khắc phục và đề nghị Chính phủ phải có biện pháp để tạo một bước ngoặt trong chuyện này ở những năm còn lại của nhiệm kỳ 5 năm.

Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cũng tỏ ra băn khoăn về kỷ cương ngân sách nhà nước. “Bao nhiêu lần chúng ta đã bàn rồi, dự án phải rõ tính khả thi mới quyết việc chi ngân sách, ở các nước, khi một dự án chưa được QH thông qua và đóng dấu chuẩn chi thì không bao giờ được thực hiện. Nếu không sửa luật ngân sách và các quy định liên quan đến quản lý đầu tư công thì không bao giờ khắc phục được tình trạng này”, ông Lịch cảnh báo.

ĐB Nguyễn Ngọc Hòa cũng bày tỏ quan ngại khi báo cáo kiểm toán năm 2012 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trong 28 tỉnh thành được kiểm toán thì có tới 23 tỉnh chi vượt dự toán chi thường xuyên trong năm 2011. “Đây là một hiện tượng cho thấy tính chấp hành trong chi ngân sách không nghiêm, cần phải siết lại kỷ cương về chi tiêu ngân sách. Với các trường hợp chi tiêu vượt quy định, nên thực hiện cấn trừ vào năm sau thay vì hợp thức hóa sự đã rồi”, ông Hòa kiến nghị.

Phát biểu sau đó, ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) cũng dẫn ra một số trường hợp chi tiêu lãng phí ngân sách được chỉ ra trong báo cáo kiểm toán, và nhấn mạnh: Đã đến lúc QH phải xem xét chi tiết thấu đáo và có trách nhiệm về sử dụng ngân sách. “Cần làm rõ các địa chỉ phải chịu trách nhiệm trong chi tiêu ngân sách lãng phí. Động vào báo cáo kiểm toán thấy nhiều chỗ đau lòng quá”, bà Dung tâm tư.

Nhân nói về chi tiêu ngân sách, ĐB này cũng nhắc lại năm 2011, trước tình hình lạm phát tăng cao, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 trong đó yêu cầu thắt chặt chi thường xuyên, đặc biệt trong mua sắm công, nhưng qua báo cáo kiểm toán vừa rồi cho thấy nhiều đơn vị mua sắm chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 11. Bà Dung đề nghị: “Đặc biệt trong tình hình bức bối, khó khăn như thế mà cũng chấp hành không nghiêm Nghị quyết của Chính phủ thì phải kiên quyết xử lý”, bà đề nghị.

Cần thắt chặt trong chi tiêu ngân sách, chấn chỉnh lãng phí chi cho lễ hội cũng là kiến nghị của nhiều ĐB tại các tổ thảo luận khác, như ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), ĐB Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng).

Anh Vũ - Nguyệt Minh

Thanh Niên

>> Nhanh chóng xử lý “cục máu đông” nợ xấu
>> Nợ xấu còn cao, doanh nghiệp phá sản còn nhiều
>> Xử lý nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp... còn chậm
>> Gia hạn nợ xấu, không nên đánh đồng
>> Chính phủ “trả lại” đề án xử lý nợ xấu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.