Chủ yếu mới chỉ là tuyên truyền
Chị Huỳnh Huệ Nhung, ngụ P.7 (Q.11), cho biết gia đình chị có 4 người, mỗi ngày thải ra khá nhiều loại rác khác nhau, từ thức ăn thừa tới túi nhựa, túi giấy các loại… Những năm gần đây, xem đài, đọc báo thường xuyên nên chị nhận thức được tác hại của rác thải, đặc biệt là túi ni lông, và sự cần thiết của việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN). "Gần đây, gia đình tôi cũng nhận được tờ rơi tuyên truyền của địa phương về việc này nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, nhà tôi thấy những người lấy rác thường lọc ra các loại rác ve chai để bán, nên chủ động phân rác thành 2 loại là rác có thể tái chế và các loại rác còn lại. Còn ở chung cư mỗi tầng chỉ có một kho chứa với một thùng rác nên buộc lòng phải bỏ chung vào đó. Thường thì hôm nào rác cũng đầy tràn ra ngoài trước khi được thu gom", chị Nhung nói.
Anh Lâm Văn Hùng, ngụ Q.7, thì cho hay chung cư nơi anh ở có ống đổ rác ngay trong mỗi căn hộ, và có phân loại hay không thì rác cũng chỉ đi qua đường ống ấy để xuống kho chứa rác. Chính vì vậy nhiều người không quan tâm đến việc phân loại, chỉ mở cửa ống rồi cho bịch rác vào là xong việc. Các loại giấy, hộp carton, túi ni lông... cũng xả thẳng xuống chung với rác thực phẩm nên bị hư hại, không còn khả năng tái chế. Cũng vì thế, những nơi công cộng có lắp đặt thùng phân loại rác thì ít người quan tâm bỏ rác đúng quy định, hoặc là bị những người nhặt ve chai làm rối tung lên.
PGS-TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), thừa nhận các chương trình, mô hình thí điểm PLRTN chỉ "chạy tốt" trong giai đoạn dự án, còn sau khi dự án kết thúc thì người dân vẫn quay lại thói quen cũ. Phần lớn chưa đạt được kỳ vọng là hình thành thói quen cho cộng đồng dân cư tại địa bàn và có tác dụng lan tỏa. "Có 3 nguyên nhân chính, đầu tiên là ý thức người dân chưa cao và điều kiện sống của nhiều người chật hẹp nên họ vẫn thích gom tất cả vào một túi cho thuận tiện và tiết kiệm không gian. Thứ hai, chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích người dân thực hiện PLRTN; cần phải cho họ thấy được lợi ích thiết thực của việc làm đó với bản thân và gia đình. Thứ ba là chưa có hạ tầng phục vụ thu gom vận chuyển sau khi người dân đã PLRTN", ông Lê Hùng Anh tổng kết.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, từ năm 2011 - 2019, TP đã ban hành các chính sách hướng dẫn thực hiện PLRTN thành 3 nhóm, tuy nhiên tỷ lệ thực hiện mới chỉ đạt khoảng 10 - 20%, đồng thời việc phân loại bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể như công tác thu gom, vận chuyển rác thải sau phân loại gặp khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa được trang bị đầu tư đồng bộ. Từ đó xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng trong quá trình thu gom, công nhân vệ sinh lại trộn lẫn rác các loại vào với nhau. Điều này gây lãng phí nguồn lực xã hội, giảm hiệu quả hoạt động PLRTN.
Cần lộ trình và cơ chế khuyến khích người dân
Có nhiều năm sống tại Đức, một trong những nước thực hiện khá thành công chương trình PLRTN, PGS-TS Lê Hùng Anh khuyến nghị: Nếu chúng ta cứ tuyên truyền mà không đưa được vào cuộc sống, lâu ngày sẽ mất tác dụng, trong khi việc này rất quan trọng và có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường. Các địa phương cần tùy thuộc điều kiện cụ thể mà xây dựng lộ trình phù hợp từ đơn giản đến phức tạp. Thay vì phạt thật nặng thì nên có cơ chế khuyến khích, đặc biệt là bằng kinh tế, để thay đổi thói quen; ví dụ như giảm 30% hoặc 50% phí thu gom rác hằng tháng. Lợi ích kinh tế sẽ góp phần thay đổi ý thức và thói quen của đại bộ phận dân chúng.
"Trong việc phân loại rác, điều quan trọng là cần có lộ trình phù hợp và tùy theo năng lực của từng địa phương. Cụ thể, thay vì phân ra 3 loại thì bước đầu chỉ nên phân thành 2 loại là có thể tái chế và loại còn lại. Hoặc với những địa phương có dự án điện rác thì phân thành loại có thể đốt và không thể đốt. Sau một thời gian đủ lâu để hình thành thói quen như vậy thì chuyển sang giai đoạn 2 là nâng cao và chi tiết hơn, phân rác thành 3 - 4 loại", chuyên gia này gợi ý.
Theo ông Lê Hùng Anh, song song với việc khuyến khích PLRTN thì giải pháp quan trọng là phải tổ chức lại và nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom, xử lý rác.
Các chuyên gia cũng cho rằng ở các vùng ngoại thành, đối với rác thực phẩm thì các hộ gia đình nên chủ động phân loại và xử lý ngay tại khuôn viên gia đình bằng cách sử dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây, chôn lấp trong vườn để cải tạo đất... Như vậy vừa tận dụng được nguồn rác thải, vừa thuận tiện trong việc phân loại rác.
Báo cáo của UBND TP.HCM cho thấy dựa trên kết quả triển khai thực hiện và theo tổng thể hệ thống quản lý chất thải TP, cũng như định hướng chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải sinh hoạt sang đốt rác phát điện, TP đã điều chỉnh thực hiện phân loại rác từ 3 nhóm thành 2 nhóm là rác có khả năng tái chế và nhóm còn lại. Đối với rác có khả năng tái chế, tái sử dụng đã được người dân phân loại từ nguồn, được bán cho lực lượng thu mua ve chai và đưa đến các nhà máy tái chế, nên TP cũng không thể xác định được khối lượng cụ thể của loại chất thải này. Đối với nhóm rác thải còn lại thì người dân chuyển giao cho lực lượng thu gom tại nguồn để đưa về các nhà máy xử lý tập trung.
Đối với các phương tiện thu gom vận chuyển, TP có chính sách hỗ trợ tài chính qua Quỹ bảo vệ môi trường với lãi suất 3,86%/năm. Từ năm 2021 đến nay đã hỗ trợ chuyển đổi cho 1.897 phương tiện. Bên cạnh đó, hiện nay 100% phương tiện vận chuyển và các trạm trung chuyển đã lắp đặt camera giám sát. Từ năm 2025, tất cả các trạm trung chuyển của TP được xây dựng với khu tiếp nhận rác và khu vực đậu chờ được thiết kế kín hoàn toàn. Đồng thời, TP kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng phát triển hệ thống, nhà máy xử lý rác, cũng như kiến nghị Chính phủ nâng công suất dự án điện rác của TP từ 123 MW lên tối thiểu 240 MW mới đáp ứng đủ nhu cầu.
Từ năm 2025, hộ gia đình phải phân loại rác tại nguồn
Theo luật Bảo vệ môi trường 2020, rác sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 nhóm: rác có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thực phẩm; rác sinh hoạt khác. Các tỉnh, thành phố được yêu cầu nghiên cứu, triển khai hướng dẫn phân loại phù hợp với hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, công nghệ xử lý chất thải, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nguồn lực tài chính của địa phương. Chậm nhất đến ngày 31.12.2024, hộ gia đình và cá nhân phải thực hiện PLRTN, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.
Bình luận (0)