Đề xuất của Pháp - Đức đã được phần lớn lãnh đạo các nước EU tham dự kỳ họp Hội đồng châu u tán đồng.
Sau cuộc họp khá căng thẳng kéo dài từ tối 8.9 đến rạng sáng qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn xuất hiện trước giới truyền thông với vẻ mặt khá “tươi tỉnh”. Bộ đôi Merkozy đã phần nào đạt được mục đích vì đề xuất của họ về việc siết chặt ngân sách của các nước nhằm trấn an thị trường đã được 23/27 nước EU ủng hộ, theo tờ Le Figaro. Ngoài 17 nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), có thêm Bulgaria, Đan Mạch, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania đã “bật đèn xanh”. CH Czech, Thụy Điển sẽ trình vấn đề để quốc hội xem xét và chỉ có Anh cùng Hungary từ chối tham gia.
|
Như vậy, thỏa thuận dự kiến sẽ có văn kiện chính thức vào tháng 3.2012 gọi là “Hiệp ước eurozone mở rộng”. Nội dung chính gần như là toàn bộ những đề xuất của Pháp - Đức: áp dụng trừng phạt các nước có tỷ lệ thâm hụt ngân sách quá 3% GDP; ngân sách của mỗi nước sẽ được xem xét bởi Hội đồng Hiến pháp quốc gia; thành lập Quỹ Hỗ trợ thường trực nhằm giúp đỡ các thành viên gặp khó khăn và việc giải ngân sẽ được thông qua với 85% phiếu thuận; không lập trái phiếu chung của châu u. Ngoài ra, từ nay cho đến khi chấm dứt khủng hoảng, lãnh đạo các nước EU sẽ họp hội nghị thượng đỉnh vào mỗi tháng, thay vì tối đa 4 lần/năm như hiện nay. Le Figaro dẫn lời Tổng thống Sarkozy cho biết Quỹ Bình ổn tài chính châu u (EFSF) và Quỹ Hỗ trợ thường trực sẽ do Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) quản lý.
Mọi căng thẳng của cuộc họp kéo dài đến 9 tiếng này chủ yếu là do giữa Anh và Pháp - Đức không tìm được tiếng nói chung. London tuy là thành viên EU nhưng luôn giữ khoảng cách nhất định: không sử dụng đồng euro cũng không tham gia một số hiệp ước. Ngay trước kỳ họp ngày 8 - 9.12, giới quan sát đã nhận định mọi thảo luận là giữa Anh và 26 nước còn lại. Thực tế đã diễn ra gần như vậy dù trước đó, Tổng thống Sarkozy và Thủ tướng Merkel đã “cẩn thận” họp riêng với Thủ tướng Anh David Cameron.
Ông Cameron ra điều kiện nếu đề xuất của Pháp - Đức trở thành Hiệp ước chung của châu u thì phải miễn cho Anh một số điều khoản. Điều kiện này đã bị bộ đôi Merkozy phản đối và với nhận định “Anh không đảm bảo được quyền lợi trong thỏa thuận này”, Thủ tướng Cameron đã chọn giải pháp đứng ngoài.
Sau buổi họp, cả Thủ tướng Merkel và Chủ tịch ECB Mario Draghi đều đánh giá “đây là kết quả tốt cho eurozone”. Còn Tổng thống Sarkozy đánh giá “những quyết định vừa được đưa ra sẽ giúp củng cố đồng euro, giải quyết vấn đề pháp lý” và “hy vọng sẽ giúp trấn an thị trường”.
Lan Chi
Bình luận (0)