Ngày anh H.T được mẹ ruột từ ngoài miền Trung lặn lội vào TP.HCM tìm đón về, bạn bè anh đều mừng và “thèm” được như anh. Nhưng sau thời gian ngắn, nhiều người bất ngờ thấy anh H.T quay lại cơ sở nuôi trẻ mồ côi. Vì sao như vậy?
Bị “khớp”, không biết nói gì...
Hiện là kỹ thuật viên công nghệ thông tin lành nghề của một công ty tại TP.HCM, anh H.T kể về nguồn gốc của mình: “Hồi tôi nhỏ xíu, mẹ lấy chồng khác, bỏ tôi trong một cô nhi viện ở Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. H.T là tên nhà chùa đặt cho tôi. Khoảng giữa thập niên 1990, mẹ vô chùa hỏi thì biết tôi được chuyển vào trong này, nên đã đi tìm”.
Sau buổi trùng phùng mừng mừng tủi tủi, anh H.T theo mẹ về quê thăm họ hàng. Được mấy hôm, anh H.T quay trở lại TP.HCM tiếp tục sống trong một trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi. Đến tuổi phải rời trung tâm, anh H.T và bạn bè ra ngoài mưu sinh.
“Nhiều người thắc mắc sao tôi không ở Ninh Thuận luôn với mẹ. Thực ra, mẹ tôi có gia đình riêng cùng những vướng bận của bà. Còn tôi nhỏ lớn sống trong này quen rồi, nên tôi chọn cách quay vào. Dù sao tôi cũng yên tâm về gốc gác, không phải mòn mỏi ngóng tìm người thân như những bạn khác”, anh H.T bộc bạch.
Bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới chào đời, anh V.D (hiện 41 tuổi, từng sống tại Trung tâm bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè, TP.HCM) bất ngờ tìm được gia đình sau gần 40 năm xa cách. Đã quen bán vé số mưu sinh, anh V.D hồn nhiên diễn tả nỗi sung sướng đoàn tụ của mình bằng một câu chắc nịch: “Tui trúng độc đắc rồi!”.
Thời gian đầu, anh V.D lâng lâng hưởng thụ cuộc sống mới đủ đầy bên người thân ở H.Bến Lức, Long An. Nhưng khi cảm xúc choáng ngợp qua đi, anh nhận thấy có những khoảng cách giữa mình với người thân không dễ san lấp. Anh V.D bộc bạch: “Nhiều khi mình bị “đơ”, không biết nói gì với gia đình. Có những lúc mình ngồi im thì bị cho là khinh người, hỗn hào”. Anh V.D cũng thừa nhận: “Mấy lần bực quá, mình đã hét lên: Hồi trước, mấy người có nuôi tui được bữa nào không, mà giờ nạt nộ tui hoài!”.
Hôm nào thấy ức chế trong lòng hoặc nhớ đám bạn mồ côi khuyết tật lam lũ, anh V.D trở lên TP.HCM cùng bán vé số trên vỉa hè với bạn bè. Lúc đó, anh V.D cảm thấy “được là chính mình”, nói năng tự nhiên thoải mái cho dù đang dầm mưa dãi nắng bán từng tờ vé số. Anh V.D thổ lộ: “Trước khi gặp lại cha mẹ, mình không bị “khớp” gì cả. Ở trại mồ côi, tụi mình chơi với nhau từ nhỏ, hiểu tính khí nhau. Với lại, hoàn cảnh đứa nào cũng giống nhau nên thấy đồng cảm, gần gũi và thân thiết. Còn giờ về sống trong gia đình, vui thì có vui nhưng nhiều khi thấy mình lạc lõng...”.
Chị Vân, thuộc lứa “đàn chị” của V.D, nhận xét: Hồi trong trại mồ côi, V.D có biệt danh là “D. đầu bò”, một phần do tính tình ngang bướng. Hơn nữa, hàng chục năm trời V.D sống ở môi trường tập thể đặc biệt nên có suy nghĩ, thói quen, sinh hoạt khác với những thành viên trong gia đình. Vì vậy, hai bên cần mở lòng để trò chuyện, thông hiểu nhau hơn.
|
“Đã cữ thì cữ cho trót !”
Tìm được người thân ở tỉnh Ninh Thuận, nhưng rốt cục chị P.C (51 tuổi) cũng trở lại TP.HCM sống với các chị em từng gắn bó trong trại mồ côi. Chị P.C tâm sự: “Thời trẻ, chị dành thời gian và tâm sức đi tìm gia đình mình. Đến khi kiếm được, chị cũng chẳng khác gì kẻ mồ côi vì mẹ đã mất trước đó, cha cũng không còn. Hiện nay, ở Ninh Thuận, chị chỉ còn một người chị ruột và một người cậu”.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tôi hỏi thăm chị P.C có định về thăm nhà không. Chị P.C cho biết mỗi năm chị về quê hai lần, nhưng dịp tết là... dứt khoát không! Chị giải thích: “Từ nhỏ, chị bị cha mẹ bỏ rơi và sống trong cô nhi viện tại Sài Gòn một thời gian dài. Cho nên có những phong tục, quan niệm ở ngoài đó mình không thể nào biết được. Và đã có những chuyện khiến chị đau lòng, cảm thấy không ở được với gia đình”.
Theo chị P.C, có lần chị về thăm quê vào mùng một tết. Người cậu vẫn tiếp đón và cho chị ăn uống. Có điều, ông dặn kỹ: “Đã cữ thì cữ cho trót! Đêm nay con ngủ ở đâu thì ngủ, đừng vô nhà cậu”. Tối hôm đó, đang bị tiêu chảy nhưng chị P.C đành qua tá túc nhà chị ruột vốn chật chội, không có nhà vệ sinh (muốn “giải quyết nỗi buồn” phải ra ngoài đồng!), còn mấy đứa cháu bị sốt chen chúc trên giường...
Sau một đêm đầy ám ảnh, sáng sớm mùng 2, chị P.C đón xe trở vào TP.HCM, thầm hứa không bao giờ về quê dịp tết. Chị P.C ưu tư: “Mình là con cháu trong nhà mà ổng cũng kiêng cữ. Có thể ổng nghĩ mình bị què, ở lại nhà ổng đầu năm mới sẽ mang đến xui xẻo”.
Một dạo, người cậu viết thư bảo chị P.C về quê ở hẳn, nhưng chị từ chối. Thư hồi âm của chị P.C có đoạn: “Bản thân con què quặt, có khổ thì con chịu khổ một mình thôi, chứ không về ăn bám gia đình”.
Chia sẻ với chúng tôi, chị P.C bày tỏ: “Nói chung, tâm lý của mình là biết nguồn gốc cho an lòng, đôi khi còn thấy hãnh diện với bạn bè là quê mình có danh lam và đặc sản này nọ. Lâu nay mình sống tự lập quen rồi, nên mục đích tìm gia đình không phải để nương nhờ”.
Từ những va vấp thực tế, chị P.C rút ra kinh nghiệm: Lâu lâu về thăm, sẽ được người nhà quý mến. Không nên về ở luôn vì dễ bị tổn thương và trở thành gánh nặng cho gia đình, nhất là khi gia đình mình còn nghèo khó. (còn tiếp)
“Nếu không biết, dễ nói tụi mình bất hiếu”
Theo một số anh chị mồ côi khuyết tật, có những quan niệm nếu áp vào hoàn cảnh cụ thể của họ sẽ thành gượng gạo. Chị C. (ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) dẫn chứng: “Người ta thường nói: Tình mẹ bao la như biển Thái Bình. Tụi mình mồ côi, không được sống với mẹ nên đâu cảm nhận được cái tình bao la đó. Hồi còn đi học, mình thấy tụi bạn bên ngoài sửng cồ khi bị chửi cha mắng mẹ. Còn tụi mình đâu có cha mẹ, nên khi bị ai đó chửi mẹ thì... kệ mẹ, ai chửi cha kệ cha, không có gì quan trọng”.
Chị M.K.L (51 tuổi, quê Đồng Nai) thật thà: “Má bỏ tui từ lúc tui mới chào đời, hàng chục năm trời má con không biết mặt, không sống chung với nhau. Vì vậy, sau này gia đình kiếm ra tui, hai má con không có nhiều chuyện để nói. Thỉnh thoảng tui chạy về thăm nhà coi má... có sao không, vì bả năm nay đã 80 tuổi và bị lẫn rồi. Nếu người ta không biết, dễ nói tụi tui bất hiếu”.
|
Bình luận (0)