4 giờ sáng, trời mưa lâm râm tối mù mù, vài người đứng co ro nơi
góc đường dưới ánh đèn đường vàng vọt. Một chiếc xe 16 chỗ đậu xịch đến.
Người thanh niên trong nhóm cất tiếng: “Pai tò mái? (Đi tò phải
không?)”, tài xế gật đầu.
Dân làm chui thường đi “tò” ở cửa khẩu Ban Laem (biên giới Thái Lan - Campuchia) vì gần Bangkok - Ảnh: Nguyễn Tập |
Họ leo lên xe rồi lao vút đi...
Đi “tò”
“Tò” tiếng Thái có nghĩa là gia hạn. Đi “tò” là ra cửa khẩu biên giới để đóng dấu gia hạn visa. Hầu hết dân làm chui đều sang Thái dạng du lịch. Vì thế, mỗi 30 ngày họ lại ra cửa khẩu biên giới (Lào, Campuchia) để lấy dấu thị thực làm mới visa. Hộ chiếu có visa du lịch còn hạn gọi là hộ chiếu “sống”, ngược lại gọi là hộ chiếu “chết”.
Ở Bangkok có hai nhà xe chuyên đưa người đi tò là nhà xe H.T (của người VN) và nhà xe C.P.S (của người Thái). Tôi cùng vài người bạn cánh hàng rong đi theo C.P.S. Đây là công ty khá lớn có đến vài trăm chiếc xe, không chỉ đưa người Việt mà còn cả người Myanmar, Lào, Campuchia. “Với 2.700 baht, người đi tò sẽ được nhà xe lo trọn gói ăn, ngủ tại Campuchia một đêm. Trong khi đó, nhà xe sẽ mang hộ chiếu của dân đi tò về cửa khẩu ở VN đóng dấu. Sáng hôm sau, họ quay về rồi đưa mọi người vào lại Thái”, người bạn giải thích.
Xe đến cửa khẩu Ban Laem (biên giới Thái - Campuchia) khoảng 9 giờ sáng. Bãi ô tô vài trăm chiếc đậu kín chỗ. Người đi tò chen chúc đứng xếp hàng qua cửa khẩu đông như kiến. Hầu hết dân làm chui đều đi tò tại đây vì chỉ cách Bangkok hơn 300 km.
Cách cửa khẩu không xa, khu trọ cho dân đi tò là dãy nhà cấp bốn gần 20 phòng (5 - 7 người/phòng), xây tạm bợ trên một khu đất trống thuộc tỉnh Battambang, Campuchia.
“Đầu bếp” Lê Trọng Văn, 36 tuổi, quê H.Như Thanh, Thanh Hóa được thuê nấu ăn cho những người đi tò với mức lương 10.000 baht/tháng (gần 7 triệu đồng) kể: “Hồi trước tôi đi may gia công ở Bangkok nhưng bị công an lùng bắt quá, hàng lại không ổn định nên về đây nấu ăn. Nhân tiện bán thêm thuốc lào, trà, bia hơi, đồ nhậu... để kiếm thêm chút tiền”.
Những ngày trên đất Thái làm việc quần quật, nên thời gian đi tò qua đêm này cũng là dịp nghỉ ngơi hiếm hoi của dân làm chui. Một số tranh thủ... ngủ. Số còn lại đánh bài, nhậu hoặc tìm đồng hương tụm lại nói chuyện.
“Nếu để hộ chiếu chết thì sao?”, tôi hỏi. Phan Văn Nhân (quê H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết dân đi tò sẽ bị phạt 500 baht cho mỗi ngày quá hạn. Vì vậy, nhiều người liều lĩnh xuống bến sông gần cửa khẩu Nọng Khai (biên giới Thái - Lào) để mấy người đánh cá đưa qua sông sang Lào với giá 2.000 baht/người rồi từ đó về VN làm hộ chiếu mới.
“Cách đây mấy năm có nhóm hộ chiếu chết cũng đi kiểu này để về VN ăn tết. Nửa đêm, mọi người leo lên thuyền vượt biên giới. Sông Mê Kông hôm ấy nước lên, thuyền lại nhỏ, chất nghẹt người, thế là lật úp đưa tất cả xuống sông. Đợt đó 15 người chết, ba ngày sau mới tìm thấy xác”, Nhân kể.
Những buồn vui cuộc sống làm chui trên đất khách cứ thế được tuôn ra liên tục, hết người này đến người khác...
Khuya lắc lơ. Trên khoảnh sân xi măng tráng tạm bợ, cánh đàn ông đủ mọi nghề lang bạt trên đất Thái tình cờ gặp nhau ở vùng quê hẻo lánh trên đất Campuchia vẫn ngồi chén thù chén tạc hẹn nhau một ngày gặp lại cũng xa lơ xa lắc. Ngày mai, mỗi người một ngả lại tiếp tục tất bật trong vòng xoáy mưu sinh. Mé trong phòng, cánh phụ nữ cũng chưa ngủ mà vẫn rầm rì tâm sự chuyện chồng con, chuyện cơm áo gạo tiền. Phòng nào đó bỗng cất lên ư ử giọng Nghệ Tĩnh, buồn như một tiếng thở dài:
Cây khô xuống nước cũng khô
Phận nghèo đi tới chỗ mô cũng nghèo...
Duyên thường xuyên mở điện thoại ngắm ảnh con cho đỡ nhớ - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Ngày về xa xôi
Duyên gọi điện cho tôi, giọng hồ hởi: “Em vừa mua cái điện thoại mới, anh cài giúp em chương trình gì để gọi điện thoại về VN miễn phí mà thấy được mặt con em với”.
Hai vợ chồng Duyên sang Thái bán nước lựu từ năm ngoái. Đứa con chưa đầy ba tuổi ở nhà với ông bà. Cô kể: “Con em sinh non nên có một ký rưỡi thôi. Bác sĩ nói nó bị vôi hóa cuống nhau nên rút hết chất dinh dưỡng. Bây giờ cứ trái gió trở trời là nó bị viêm, sốt 39, 40 độ. Uống kháng sinh miết nên còi luôn, 3 tuổi mà chỉ hơn 11 kg”.
Nói chuyện một hồi, lần nào cô cũng lái câu chuyện về đứa con ở quê. Rồi cô lôi cái điện thoại cục gạch có mấy cái hình mờ căm chụp đứa con của mình rồi kể say sưa, không cần biết câu chuyện đã kể bao nhiêu lần và tôi có thật sự chăm chú lắng nghe không. Kể xong, cô lại tiếp tục ngắm nghía ảnh của con, miệng cười hạnh phúc lắm. “Khi tụi em gọi điện về, nó vẫn gọi bố mẹ nhưng xưng là... cháu. Nghe nó bi bô “Bố mẹ đi làm gửi tiền về cho cháu đi học nhé” mà em rớt nước mắt. Gọi điện về cho con, lần nào cũng khóc. Lúc đó chỉ ước có thể bay về liền để ôm con thôi”, Duyên tâm sự.
Dù sao thì Duyên vẫn còn nhiều cơ hội trở về. Dân làm chui có những người vĩnh viễn nằm lại, giấc mơ hồi hương mãi mãi không thể nào thực hiện được. Đợt chìm ghe tại biên giới Thái - Lào vào dịp tết dạo nọ, có hai chị em nghe tin bà mẹ đau gan sắp chết nên dắt nhau về để gặp mặt mẹ lần cuối. Ai ngờ, mẹ chưa đi mà hai chị em đã đi trước.
Trên Facebook thỉnh thoảng lại thấy đăng thông tin kèm cả ảnh hộ chiếu của một người VN nào đó ở Thái bị tai nạn chết nhưng chưa tìm được người thân. Cuối năm ngoái, cô gái Lê Thị C. (P.Đông Vĩnh, TP.Vinh) theo bạn bè sang Thái phụ quán ăn kiếm sống, mỗi ngày làm từ 5 giờ chiều đến 3 - 4 giờ sáng hôm sau. Sang Thái chưa đầy hai tháng, trên đường đi làm về, cô bị xe hơi tông chết. Mới đây, ngày 28.9 dân làm chui VN tại Thái lại xôn xao một vụ đâm chết người dã man tại tỉnh Nakhon Pathom. Cả nạn nhân và hung thủ đều là người Việt.
Sau vụ cảnh sát cửa khẩu Thái Lan nhận hối lộ để nghi phạm đánh bom Bangkok vào Thái bất hợp pháp, từ ngày 12.9, các cửa khẩu Thái - Campuchia đều không cho tò nữa. Cạnh đó ngày 18.9, gần 500 cảnh sát và quân đội Thái mở cuộc truy quét người nhập cư trái phép. “Đây chỉ là một đợt trong chiến dịch truy quét lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp trên toàn quốc”, tướng Akaradech Pimonsri, chỉ huy Cục Phòng chống tội phạm cho biết.
Tuyên bố này khiến dân làm chui nháo nhào, không dám để hộ chiếu chết mà phải trả từ 3.500 - 8.000 baht (khoảng 2,4 - 5,4 triệu đồng) để đi tò tại Mukdahan (cửa khẩu biên giới Thái - Lào), cách Bangkok gần 700 km. Số đông khác chọn cách bỏ về VN đợi tình hình lắng xuống.
“Tụi em cũng đổ mồ hôi sôi nước mắt để đổi lấy miếng cơm chứ có buôn lậu, cướp giật gì đâu mà phải trốn chui nhủi như thế này. Tối ngủ thỉnh thoảng lại mơ bị cảnh sát bắt. Có ai muốn xa cha mẹ, con cái để làm việc bất hợp pháp đâu. Nhưng thử đặt mình vào trường hợp nhà không có cái ăn, con không có tiền đi học anh sẽ làm gì?”, một người làm chui hỏi.
Tôi nghe mà nghẹn lại. Không thể trả lời...
Sớm đưa lao động VN làm việc tại Thái
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên, Đại sứ quán VN tại Thái Lan cho biết vào tháng 7, VN và Thái Lan đã ký kết bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác lao động và thỏa thuận về tuyển dụng lao động. Theo đó, hai ngành nghề sẽ được phép làm tại Thái là ngư nghiệp và xây dựng.
Thái Lan cũng đánh giá lao động VN góp phần tích cực vào giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động tại Thái hiện nay. Tuy nhiên, lao động không phép sẽ gây khó khăn cho việc quản lý của chính quyền sở tại nên có thể bị bắt. Ngoài ra, bên cạnh số làm ăn lương thiện cá biệt còn có trường hợp tụ tập băng nhóm, vi phạm luật pháp Thái.
Trước hết cần khẳng định, bất cứ ai khi đến nước nào cũng phải tuân thủ pháp luật nước đó. Hiện tại, VN đang tích cực làm việc với Thái Lan để đảm bảo quyền lợi cho bà con lao động như: đề nghị Thái mở rộng các ngành nghề bà con ta được phép làm, kéo dài thời gian làm việc sau khi đăng ký, sớm triển khai hợp tác tuyển dụng lao động chính thức...
Trước mắt, đại sứ quán đề nghị bà con tuân thủ đúng hướng dẫn của chính quyền Thái, không có phản ứng tiêu cực trước các biện pháp quản lý của nước sở tại, tham gia tích cực vào việc đăng ký lao động (sau khi có thông báo cụ thể). Về lâu dài, bà con nên tham gia làm việc hợp pháp theo các ngành nghề cho phép tại Thái.
|
Bình luận