Phận mưu sinh chui trên đất Thái - Kỳ 3: Ngày bán hàng rong, tối chui 'ổ chuột'

21/10/2015 04:44 GMT+7

Quệt vội những giọt mồ hôi đang đầm đìa trên mặt, Trung bặm môi đẩy xe kem dừa lên dốc, len qua đám kẹt xe dài dằng dặc. Cái nắng 12 giờ trưa cùng khói xe khiến không khí trở nên đặc quánh, ngột ngạt...

Quệt vội những giọt mồ hôi đang đầm đìa trên mặt, Trung bặm môi đẩy xe kem dừa lên dốc, len qua đám kẹt xe dài dằng dặc. Cái nắng 12 giờ trưa cùng khói xe khiến không khí trở nên đặc quánh, ngột ngạt...

Cậu bé 15 tuổi người Việt (trái) bán kem dạo trên phố	- Ảnh: Nguyễn Tập
Cậu bé 15 tuổi người Việt (trái) bán kem dạo trên phố - Ảnh: Nguyễn Tập
Không chỉ đàn ông mà phụ nữ, trẻ vị thành niên VN cũng tham gia đội quân tha hương kiếm ăn ở Thái Lan.
Hàng rong nhí
15 tuổi nhưng Trần Văn Trung loắt choắt như thằng bé lớp 6. Quê ở H.Lộc Hà (Hà Tĩnh), Trung bắt đầu sang Thái đi bán hàng từ tháng 4.2014 nhưng được 15 ngày phải về vì “lúc đó bạo động, rối ren và cảnh sát đi lùng bắt dữ quá”. Đến tháng 9, nó lại qua Thái với mẹ. Mẹ bán bắp, con đẩy xe kem đi bán dạo khắp đường phố Bangkok. “Thấy em nhỏ mà đi bán, nên cũng nhiều người mua ủng hộ lắm. Người khác nhiều khi phải bán đến 7, 8 giờ tối mới hết còn em chỉ 5, 6 giờ chiều là xong thôi”, Trung hồn nhiên khoe.
Khi mới sang, Trung bán kem 7 màu ở tỉnh Suphan Buri gần Bangkok. Không biết tiếng cũng không rành đường sá và những nơi đông khách nên lỗ liên tục. Mò lên Bangkok bán mít, được 4 ngày cũng không khả quan hơn. Thấy người bà con bán kem dừa có vẻ ổn, Trung lại chuyển nghề. Đồ nghề bán kem dừa cũng đơn giản, mua lại xe đẩy cũ, đá, hộp, sữa, muỗng... Tất cả chưa đến 1.000 baht (gần 700.000 đồng). Mỗi ngày từ 10 giờ sáng Trung đẩy bộ khoảng 20 km từ Pratunam lên đến Ekamai bán cho công nhân tan tầm trưa, sau đó vòng sang Sukhumvit rồi về nhà. Đôi chân lẻo khoẻo đẩy cái xe nặng mấy chục ký mà đi như bay, tôi đi bộ theo mà muốn hụt hơi. “Nắng tuy cực nhưng bán lại được hàng. Mấy hôm trời mưa thì chỉ biết kêu trời thôi”, Trung nói.
Còn Trương Thanh Hằng (16 tuổi, quê Triệu Sơn, Thanh Hóa) kể nhà chỉ có 6 sào ruộng nên vừa lên lớp 10 em nghỉ học theo các anh sang Thái bán nước lựu. Mỗi ngày, em bán từ 11 giờ trưa đến 10 giờ đêm. Bữa ế cũng vài trăm baht, bữa đắt được hơn cả ngàn baht. “Em mới bán được vài tháng nên chỉ bị cảnh sát bắt một lần. Thấy nhỏ quá, họ thả nhưng tịch thu hết đồ. Bữa sau
khi cảnh sát đi lùng, em đẩy xe chạy kịp nhưng bị rớt mất cái đồ ép nước lựu”, Hằng kể. Khi tôi hỏi dự tính của em về tương lai, Hằng chỉ cười: “Em chẳng nghĩ gì xa xôi. Trước mắt bán được ngày nào thì vui ngày đó thôi”.
Trốn chạy quá khứ
Biết tôi muốn tìm hiểu viết bài về đời sống của dân VN làm chui tại Bangkok đủ mọi ngành nghề, cánh hàng rong chỉ tôi đến gặp Nguyễn Thị Thắm (quê H.Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) đang rửa bát, dọn dẹp cho một tiệm ăn.
Lần theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nơi Thắm ở. Không ngờ, lọt thỏm giữa những cao ốc xa hoa lộng lẫy có giá thuê lên đến hơn 2.000 USD/tháng ở khu Sukhumvit này lại có một khu ổ chuột y như những khu dọc kênh Nhiêu Lộc vài chục năm trước. Đường vào nơi Thắm ở nhớp nhúa sình và tối mù mù. Lối đi hẹp ré, hai người đi ngang cũng đụng vai. Khu trọ này dành cho dân nhập cư tứ xứ: Lào, Myanmar, Campuchia... nên khá phức tạp. Hàng chục cặp mắt dò xét nhìn tôi. Có lẽ bộ đồ và chiếc xe đạp mới mua của tôi trở nên quá lạc lõng ở đây.
Thắm cũng mới đi làm về, đon đả mời tôi vào. Căn phòng bé tí ngổn ngang thơm, xoài, dưa hấu. “Anh thông cảm. Em đang dở tay gọt trái cây cho người bạn mai đi bán sớm”, cô phân trần. Lấy chồng năm 2000, từ đó gần như ngày nào cô cũng bị ông chồng say rượu đánh tơi tả. Dù ráng chịu đựng để con có đủ cha, đủ mẹ nhưng cũng chỉ được 5 năm, cô ly hôn. “Khi chưa lấy chồng, làm ruộng, làm gạch tiền ít và cực đến mấy em cũng chưa bao giờ than. Từ ngày lấy chồng, bữa nào chén cơm cũng chan đầy nước mắt. Đối với em, chẳng còn gì có thể khổ hơn. Sau khi ly hôn, em thề với lòng sẽ không bao giờ được khóc nữa”, Thắm bặm môi. Quyết đoạn tuyệt quá khứ, Thắm sang Thái làm lại cuộc đời.
Khi mới sang, cô đi bán xôi, giúp việc nhà ở tỉnh Nakhon Phanom giáp Lào. Một ngày của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng để dọn dẹp, chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Vừa làm việc nhà vừa trông 3 đứa trẻ từ 1 - 5 tuổi nên Thắm gần như quay cuồng cả ngày và chỉ được ngơi tay khi bọn trẻ đi ngủ lúc 9 giờ tối. Ở chung nhà với chủ, ngày nào cũng coi như ngày làm việc, không có thời gian rảnh đi chơi nên số lương 10.000 baht/tháng cô gần như không sử dụng đến. Làm 4 năm, Thắm để dành tiền mua được 200 m2 đất ở quê.
“Hồi năm ngoái khi đợt đảo chính nổ ra, dân VN làm chui bị cảnh sát Thái truy quét quá nên em phải nghỉ việc. Đến cuối năm em mới trở qua lại nấu cơm, bưng bê, rửa bát. Lại tiếp tục những ngày làm không ngừng nghỉ, 12 - 14 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần”, cô kể. “Làm quần quật như vậy, em giải trí bằng cách nào?”, tôi hỏi. “Hồi trước đi giúp việc, thỉnh thoảng mỗi khi nhà chủ đi du lịch, mình theo trông em bé, coi như đi chơi luôn. Bây giờ làm ngoài quán, nói chuyện với khách cũng là giải trí rồi”.
Khi biết tôi muốn quay phim, chụp hình, Thắm ngượng nghịu, lắc đầu nguầy nguậy đòi tôi dời lại bữa khác: “Để em ra chợ mua chút son, phấn và bộ đồ để lên phim cho đẹp. Được lên ti vi để bố mẹ ở quê xem chắc thích lắm”.
Tôi nhìn Thắm, nhìn bàn tay to bè, chai sần cùng đôi chân nứt nẻ do lội ruộng từ nhỏ của cô rồi... im lặng. Làm đẹp là nhu cầu tự nhiên của phụ nữ, nhưng với Thắm hình như nó là một thứ gì xa xỉ lắm. Cô không có son phấn. Một cái váy tươm tất dễ thương cũng không.
Có lẽ Thắm không biết tôi đang nghĩ gì. Cô tiếp tục háo hức nói về một tương lai mơ ước: “Em đã để dành được tiền mua miếng đất ở quê. Bây giờ cố gắng làm để xây cái nhà nho nhỏ, có thêm 70 - 80 triệu đồng làm vốn để buôn bán quần áo, tạp hóa ở nhà là coi như hoàn thành giấc mơ đời mình rồi đấy”. Ngồi trong căn phòng vách ván chưa đến 6 m2 sực mùi ẩm thấp, cô nói mà mắt ngời lên hạnh phúc. (Còn tiếp) N.T
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.