Họp phụ huynh, rất cần ý kiến trao đổi của phụ huynh và giáo viên |
ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH |
Là một phụ huynh từng tham gia cuộc họp đầu năm học cho cháu của mình, tôi từng chứng kiến nhiều cha mẹ, người thân của học sinh đi trễ. Nhiều người vào trong buổi họp vẫn mải mê bấm bấm điện thoại, không quan tâm lắm đến nội dung cuộc họp. Có người còn nói chuyện điện thoại với người khác rất lớn, phải đến khi có người khác “lay lay” tay áo thì mới dừng lại.
Cuộc họp nào cũng có phần trao đổi ý kiến, lắng nghe lời chia sẻ từ phía các phụ huynh. Nhưng khi giáo viên hỏi có ai có ý kiến gì xin mời chia sẻ thì rất ít người phát biểu. Không ít phụ huynh cho rằng “muốn nói nhưng sợ con mình bị trù dập”.
Phát biểu không nhất thiết góp ý mà đôi khi chỉ là một lời chia sẻ, kể cả ngợi khen, cảm ơn cô giáo đã dạy dỗ con mình trong suốt một chặng đường dài. Hay kể những sự tiến bộ của các con, cùng chia sẻ với các phụ huynh khác về những câu chuyện đẹp trong giáo dục, giúp nuôi dạy con tốt hơn...
Bình luận về bài viết Không phải để thu tiền, đây là điều ai cũng mong ở buổi họp phụ huynh trên Thanh Niên Online ngày 26.9, một bạn đọc tên tài khoản Vietroad có những dòng tâm tư: “Phụ huynh chỉ biết phàn nàn vậy có ai từng xem lại thái độ của mình như thế nào chưa. Cứ mời họp là y như rằng sợ bị đóng tiền mặc dù không đi thì vẫn phải đóng. Có người được mời vào lúc 7 giờ 30 mà đến 9 giờ mới lững thững vào. Cũng có phụ huynh suốt cả cấp học không đi họp được 1 lần...”.
Cha mẹ không thể nào phó mặc hết việc giáo dục tri thức, nhân cách của một đứa trẻ cho một trường học, dù đó là ngôi trường hiện đại, tên tuổi, bảng xếp hạng cao như thế nào đi chăng nữa.
Và hiển nhiên, cũng không thể nào đổ hết trách nhiệm việc tạo nên những buổi họp phụ huynh “chất lượng”, “ý nghĩa”, “tinh thần nhân văn”, “giúp ích tốt nhất cho các con” cho giáo viên chủ nhiệm. Gia đình-nhà trường-xã hội luôn phải cùng nhau giúp một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển cả thân, tâm và trí.
Một buổi họp phụ huynh |
bảo châu |
Chuyên gia khai vấn (Lifecoach) Nhã Khuê, Giám đốc chiến lược công ty Sáng kiến giáo dục toàn cầu Gein Academy, cũng là một phụ huynh chia sẻ với PV Thanh Niên: “Các cuộc họp phụ huynh hiện nay, ngoài chủ đề thảo luận về kết quả năm học cũ; nhiệm vụ năm học mới; thông báo về những khoản thu đầu năm học; hay bầu ban đại diện cha mẹ học sinh;… thì trong số đó có một mục vô cùng quan trọng là thống nhất biện pháp phối hợp giữa gia đình và nhà trường” .
Theo chị Nhã Khuê, hiện nay phụ huynh có đang thật sự dùng thời gian chất lượng để phối hợp cùng nhà trường xây dựng môi trường phát triển tốt nhất cho con mình chưa hay vẫn còn tâm lý chung phó thác “sự phát triển bản thân của con” lên vai thầy cô và nhà trường? Và khi chúng ta đặt kỳ vọng quá nhiều vào nhà trường thì phụ huynh có đang bước trên con đường nuôi dưỡng con cái chúng ta thành những bạn nhỏ “gà công nghiệp” như kiểu chỉ biết “ăn-học-ngủ” không, trong khi xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay, thì các kỹ năng như lãnh đạo bản thân, làm việc nhóm, quản lý thời gian lại là phần quan trọng và cần chú trọng hơn bao giờ.
Chị Nhã Khuê đề xuất, để có sự phát triển toàn diện cho con về mặt tâm-thân-trí thì phụ huynh cần sẵn lòng cùng nhà trường chung tay xây dựng môi trường rèn luyện cho con không chỉ là những kỹ năng cần thiết để hội nhập mà còn cả những thói quen tốt tại gia đình mỗi ngày.
“Đây phải chăng là chủ đề cần được trao đổi và thảo luận nhiều nhất trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nơi mà hai nền văn hoá giáo dục giữa nhà trường và gia đình giao thoa. Tôi tin rằng khi con trẻ nhận được sự thấu hiểu-đồng hành-dẫn dắt từ quý phụ huynh cùng các thầy cô trong sự nghiệp trồng người thông qua môi trường mà nhà trường và phụ huynh tạo dựng cho con thì nhất định sự phát triển gốc rễ của mỗi bạn nhỏ luôn bền vững, nền giáo dục đất nước cũng vươn tầm”, chị bộc bạch.
Bình luận (0)