Không phải để thu tiền, đây là điều ai cũng mong ở buổi họp phụ huynh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/09/2022 19:43 GMT+7

Nhiều cha mẹ gửi bình luận về Báo Thanh Niên than phiền 'họp chỉ toàn bàn chuyện thu tiền'. Nhưng họp phụ huynh đầu năm học có ý nghĩa quan trọng, là ngày gặp gỡ, kết nối giữa giáo viên chủ nhiệm và gia đình học sinh. Đâu là những mong mỏi của mọi người về một buổi họp thực chất?

Một buổi họp phụ huynh, giáo viên hướng dẫn cho phụ huynh trước khi con thi vào lớp 10

Đào NGỌC THẠCH

Mới đây Báo Thanh Niên có đăng tải bài viết “Họp phụ huynh đầu năm, đâu chỉ để thu tiền” thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều người gửi bình luận về báo, chia sẻ nỗi lòng “vì sao đi họp phụ huynh cứ xoay quanh việc đóng tiền mà thôi”.

Như bạn đọc Quốc Đại cảm thán: “Bây giờ đi họp phụ huynh chủ yếu là đóng tiền lệ phí đầu năm... Và giữa học kỳ cũng vậy. Kết thúc cuối năm cũng thế. Xoay qua xoay lại cũng là quyên góp tiền mà thôi”.

Độc giả Hoang Tran Minh còn tâm tư chi tiết hơn: “Tôi vừa dự họp phụ huynh cho con tôi (lớp 7) sáng nay (25. 9). Vẫn là báo cáo và kế hoạch, rồi phí, rồi bầu hội phụ huynh. Riêng phí thu đầu năm học, tôi đề nghị cô giáo chủ nhiệm ghi lên bảng hoặc nhắn qua nhóm Zalo của phụ huynh, cô đều không chịu, bảo rằng chỉ đọc cho nghe thôi. Lạ thật. Cô bảo viết lên bảng, mọi người chụp hình nhắn lung tung, rồi nhà trường tìm hiểu nét chữ ai viết, phiền phức... Về nhắn tin Zalo cô cũng từ chối. Nhiều phụ huynh khác dự họp cũng yêu cầu như tôi, nhưng kết thúc buổi họp hơn 60 phút, họ phải hỏi nhau các khoản phải đóng là bao nhiêu tiền, ai thu (cô chủ nhiệm, kế toán nhà trường hay hội phụ huynh, hạn đến ngày nào...). Kết lại, nếu con tôi học lớp của tác giả bài trên làm giáo viên chủ nhiệm thì quý quá”.

Vậy phụ huynh mong gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, phụ huynh Nguyễn Đình Sơn, 36 tuổi (trú P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) có con mới vào lớp 1 tại một trường tiểu học công lập cho biết: “Con vào lớp 1 thì thay đổi môi trường và tâm lý vì không còn học theo nền nếp của nhà trẻ nữa nên tôi mong cuộc họp phụ huynh đầu năm là cuộc trao đổi giữa ba mẹ và cô giáo chủ nhiệm về cách để cùng dạy con học sao cho hiệu quả nhưng phải vui”.

Học sinh mới vào lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ

độc lập

“Đó có thể là cách cô giáo, cha mẹ cùng bàn về cách sắp xếp chỗ ngồi các con, bàn ghế trong lớp như thế nào và cùng xem có cần khắc phục hay không vì đa số các trường cho học sinh nằm trên bàn ngủ vào giờ trưa. Rồi lịch học, lịch sinh hoạt ở trường của các con như thế nào? Cách nào để phụ huynh cùng nhà trường giám sát để các suất ăn, các giờ hoạt động thể chất hoặc kỹ năng đảm bảo cho các bé thật an toàn”, anh Nguyễn Đình Sơn nói.

Không phải là các khoản thu, chi đầu năm học cần phải nộp bao nhiêu, anh Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh: “Điều quan trọng trong ngày họp phụ huynh, tôi muốn lắng nghe phương pháp, cách kỷ luật của cô giáo để phụ huynh hiểu mà cùng phối hợp dạy con. Bởi vì nhiều giáo viên có thể phạt học sinh đứng bảng, phạt học sinh ra hành lang đứng hoặc cả đánh đòn. Tất cả điều này đều làm tổn thương con trẻ”.

Ấn tượng với buổi họp phụ huynh ý nghĩa

Chị Nguyễn Ngọc Di Yên, 25 tuổi, dì của hai học sinh tiểu học (lớp 3 và lớp 5), Trường tiểu học Hanh Thông, Q.Gò Vấp, TP.HCM kể với phóng viên chị có may mắn được tham gia một buổi họp phụ huynh cho cháu. “Cô giáo chủ nhiệm của cháu tên Tiên. Cô dạy bạn lớn 2 năm trước và bây giờ cũng đang là chủ nhiệm của bạn học lớp 3. Đó là một buổi họp với nhiều giá trị hữu ích thay vì chỉ xoay quanh các vấn đề tiền bạc”, chị Di Yên chia sẻ.

“Cô giáo chủ nhiệm cháu trai mình chia sẻ về các hoạt động của lớp trong năm học mới, đặc biệt các vấn đề nhằm thúc đẩy tinh thần tích cực cho các con. Cô giáo chia sẻ với bố mẹ về cách trò chuyện cùng con trẻ, lắng nghe con trẻ thay vì áp đặt, quát mắng mỗi khi con phạm lỗi… Bên cạnh đó, cô cũng mong muốn gia đình là sợi dây gắn kết để con và các thầy cô ở trường có thể hiểu nhau hơn, nhà trường và bố mẹ tìm thấy tiếng nói chung trong quá trình cùng con trưởng thành”, chị Di Yên kể.

Dì của 2 học sinh tiểu học bày tỏ: “Cá nhân mình cũng hy vọng, các thầy cô sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động này trong các buổi họp phụ huynh, làm giảm đi những căng thẳng giữa gia đình và nhà trường cũng như chú trọng đến sự phát triển của con trẻ”.

Học trò sẽ thêm tự tin, vững vàng nhờ cách giáo dục từ người thầy trong nhà trường và ở gia đình
kim ngân

"Gặp cô con thấy vui vì những gì cô dạy cho con"

Trong khi đó, anh Lê Văn Quang, phụ huynh có con học Trường tiểu học Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho hay mức độ quan tâm của cô giáo hàng ngày đối với các em học sinh là điều anh mong nhất, nó thể hiện ở cách chuẩn bị hằng ngày đến lớp và nội dung buổi họp.

"Việc chuẩn bị báo bài hằng ngày rất quan trọng. Nếu cô giáo nào quan tâm đến học trò sẽ có vở báo bài hằng ngày cho các con, nếu con đi học không có mục này là tôi ý kiến đề nghị cô triển khai liền", anh Quang nói với phóng viên.

Với anh Quang, nội dung buổi họp phụ huynh mà anh quan tâm nhất đó là tình hình của các con. Khi giáo viên nắm bắt được lớp thì mục này được đề cập nhiều nhất.

Anh Quang chia sẻ lại một kỷ niệm: "Từ năm con tôi học lớp 2, cô giáo của con đã có cách làm rất nhân văn trong buổi họp phụ huynh. Cô không nhắm vào cá nhân các em chưa tốt, cũng giấu tên học sinh để phụ huynh đỡ ngại. Sau đó con ai gặp vấn đề thì nán lại gặp cô vài phút để bàn cách giúp con. Tôi rất ấn tượng với cách làm việc như vậy của cô. Cô giáo đã giúp các con xây dựng được lòng nhân ái, không tự ti vì hoàn cảnh, đồng thời cuối năm học bạn nào cũng tiến bộ hơn lên".

"Đặc biệt, ngày hôm qua khi đón con trai đi học về, tôi hỏi con 'Hôm nay con đi học có vui không?'. Bé nói 'Điều con vui nhất hôm nay là gặp lại cô Dung, cô đã chủ nhiệm lớp 4, mỗi lần con gặp cô là con thấy vui vì những gì cô đã dạy con', anh Quang kể thêm. Với anh, những buổi họp phụ huynh cũng là một cách để giáo viên chủ nhiệm cùng gia đình có những cách dạy con thật đặc biệt không chỉ về kiến thức mà còn về nhân cách, đạo đức, đối nhân xử thế...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.