Thời gian này các trường bắt đầu tiến hành họp phụ huynh học sinh đầu năm học. Buổi họp phụ huynh có ý nghĩa rất quan trọng nhưng khác với bậc tiểu học, ở bậc THCS và THPT, mặc dù đã được gửi giấy mời thông báo trước và cuộc họp thường diễn ra vào cuối tuần nhưng số lượng phụ huynh tham gia khá hạn chế.
Những buổi họp phụ huynh thật sự cần thiết. Ngoài cung cấp thông tin, đây cũng là dịp để xây dựng mối quan hệ hợp tác, gắn bó và thân tình giữa gia đình và nhà trường. |
đào ngọc thạch |
Nếu có thể, xin hãy có mặt trong buổi họp phụ huynh đầu năm!
Có rất nhiều lý do khiến phụ huynh vắng mặt trong buổi họp phụ huynh đầu năm của con: Bố mẹ bận đi làm, nhà có hai con trùng giờ họp nên phụ huynh chỉ có thể họp cho một cháu... Ngoài những lý do kể trên, có một bộ phận không nhỏ phụ huynh vắng mặt vì họ cho rằng buổi họp không quan trọng, chủ yếu chỉ để nghe thông báo các khoản phí nộp đầu năm. Chính suy nghĩ ấy của phụ huynh đã gây khó khăn rất lớn cho giáo viên chủ nhiệm và công tác giáo dục học sinh. Họp phụ huynh đâu chỉ để thu tiền! Là một giáo viên làm công tác chủ nhiệm nhiều năm, tôi xin khẳng định điều đó.
Bởi lẽ, trong kế hoạch họp phụ huynh mà các trường xây dựng, phần thông báo các khoản thu chỉ là một trong số rất nhiều nội dung của cuộc họp phụ huynh đầu năm. Và phần thông báo khoản thu này có thể được giáo viên nhắn vào nhóm Zalo, Messenger của lớp. Còn buổi họp phụ huynh trước hết là dịp quan trọng để giáo viên triển khai kế hoạch hoạt động trong cả năm học của học sinh tới phụ huynh. Đó cũng là dịp để giáo viên lắng nghe những chia sẻ từ phụ huynh về việc học của các con tại trường. Từ đó, giáo viên và phụ huynh có sự thống nhất cao trong việc đề ra các giải pháp giáo dục và rèn luyện con trẻ.
Phụ huynh cũng cần thấy ý nghĩa thực sự của buổi họp phụ huynh đầu năm và Xin hãy cố gắng sắp xếp công việc để có mặt trong buổi họp.
Từ buổi họp phụ huynh đầu năm, sợi dây liên kết giữa giáo viên và phụ huynh học sinh được thiết lập và nó sẽ được duy trì, gắn kết bền chặt trong suốt năm học |
b.c |
Cơ hội để xây dựng mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường
Không những vậy buổi họp đầu năm còn là cơ hội để xây dựng mối quan hệ hợp tác, gắn bó và thân tình giữa gia đình và nhà trường, giữa giáo viên chủ nhiệm và các bậc cha mẹ học sinh. Từ buổi họp phụ huynh đầu năm, sợi dây liên kết giữa giáo viên và phụ huynh học sinh được thiết lập và nó sẽ được duy trì, gắn kết bền chặt trong suốt năm học. Điều này rất có lợi cho việc giáo dục trẻ. Vì sau khi nắm đầy đủ thông tin và cách thức liên lạc, giáo viên có thể dễ dàng trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh. Những biểu hiện lệch chuẩn, những thay đổi tâm lý của học sinh (nếu có) cũng sẽ nhanh chóng được giáo viên thông báo cho phụ huynh để từ đó có sự hỗ trợ, hợp tác giữa gia đình và nhà trường trong quá trình dạy dỗ, uốn nắn con trẻ.
Vậy làm thế nào để có một buổi họp phụ huynh đầu năm ý nghĩa? Bản thân giáo viên phụ trách lớp đóng vai trò rất quan trọng. Nên khi lập kế hoạch họp phụ huynh đầu năm, giáo viên cần chú trọng việc trao đổi, bàn giải pháp giáo dục học sinh thay vì chỉ chăm chăm vào việc thông báo thu các khoản phí. Cần tạo được không khí thân thiện, cởi mở cho buổi họp, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phụ huynh một cách nghiêm túc. Và hãy là chiếc cầu nối giữa phụ huynh và học sinh bằng cách cho học sinh viết những thông điệp, lời muốn nói gửi đến cha mẹ để phụ huynh hiểu con hơn.
Cần đổi mới họp phụ huynh đầu năm
Họp phụ huynh là cần thiết nếu đó là sự lắng nghe ý kiến đóng góp trao đổi giữa gia đình và nhà trường, nhưng tiếc rằng kịch bản họp phụ huynh năm nào cũng như năm nào không có gì mới cả. Đó là báo cáo thành tích thông báo thu các khoản tiền đầu năm, bầu ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường học là chính.
Năm nay là năm thứ ba tôi họp phụ huynh (trực tiếp và trực tuyến) cho con, nội dung họp năm nào cũng như năm nào! Đầu tiên thầy chủ nhiệm lớp thông tin về tình hình lớp học, thành tích của trường năm học qua và phương hướng năm học mới. Tiếp đến là các khoản thu đầu năm học. Sau đó là phần ý kiến của phụ huynh, nhưng thường là không ai ý kiến. Phần cuối cùng là bầu ban đại diện phụ huynh lớp.
Vì sao phụ huynh không ý kiến? Một phụ huynh phân trần: "Muốn nói lắm nhưng nghĩ lại ý kiến của mình cũng không không thay đổi được gì, vì tất cả nhà trường đã quyết rồi, mình có ý kiến cũng vậy thôi, thầy chủ nhiệm đâu có chức năng quyền hạn giải quyết, chưa kể có khi thầy để ý con mình thì không hay". Không biết nhà trường, thầy cô có biết rằng họp phụ huynh, cái chúng tôi cần nghe là những biện pháp thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường, việc chăm sóc, bảo vệ giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp đỡ học sinh nghèo, vận động học sinh bỏ học trở lại trường… chứ không phải chuyện tiền nong.
Theo tôi, các trường cần thay đổi hình thức lẫn nội dung họp phụ huynh để có chất lượng hơn. Tôi đề nghị cần có cuộc họp đối thoại giữa phụ huynh và hiệu trưởng - người có trách nhiệm cao nhất.
Nếu trường đông phụ huynh, có nhiều khối lớp thì nên thực hiện đối thoại theo khối lớp. Thầy hiệu trưởng sẽ vất vả hơn, tốn thời gian nhưng tin rằng sẽ hiệu quả hơn. Sau các buổi đối thoại này, nhà trường thông báo đến phụ huynh trên bảng tin, trang web của trường hoặc sổ liên lạc học sinh. Tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ có tác dụng đến chất lượng họp phụ huynh.
Bình luận (0)