“Cá về rồi, nhanh lên! Cho lên đây. Rồi. Đẩy vô. Đi đi!”, tiếng người lao xao một góc cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) mỗi buổi sớm mai.
Chị Võ Thị Ánh Tuyết ngồi làm cá tại một lò hấp cá ở cảng cá Quy Nhơn - Ảnh: Tâm Ngọc
|
Mùa hè, con nước lại mang bao nhiêu cá mực cho tàu bè. Về đến cảng, những chiếc tàu đầy ắp cá lại chuyển phần tặng phẩm của biển ấy đến ngay các lò hấp để những con cá giữ được độ tươi nguyên cao nhất. Hơn 20 lò hấp cá ở chợ đỏ lửa mỗi ngày, cho đến khi hấp hết cá.
Những giấc mơ từ lò hấp
Làm việc không ngơi tay từ lúc 5 giờ sáng đến khi mặt trời lên chói chang, chị Võ Thị Ánh Tuyết (46 tuổi, ở P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn) vẫn chưa kịp cho mình bữa ăn lót dạ. “Công việc này không đòi hỏi trình độ hay gì khác ngoài chịu khó. Mình phải làm nhanh thì cá mới giữ được độ tươi cứng nhất chứ cô thấy đó, cá hấp nguyên thủy không bỏ thêm thứ gì khác trong đây. Tụi tui làm rồi ăn luôn tại chỗ mà, mình mà bỏ linh tinh thì mình chết trước chứ ai”, chị Tuyết cho biết.
Ngày làm việc của chị Tuyết thường kéo dài đến trưa, nếu có cá về nhiều thì làm tới buổi xế chiều. Mỗi tháng, tiền công chủ lò trả cho chị chừng hơn 2 triệu đồng. Một nách nuôi 2 con nhỏ, chồng làm nghề lái xe tải, nhiều người làm công như chị Tuyết cũng thiếu trước hụt sau trong chi tiêu gia đình nhưng chị vẫn sống với “triết lý” lạc quan: “Dù sao, mình cũng có một cái nghề ổn định hàng tháng để lo cho con, để còn dạy dỗ tụi nó nên người từ những cực khổ hàng ngày”.
Không chỉ có nữ mới ngồi xẻ cá để hấp, tại cảng cá, rất nhiều lao động nam cũng tham gia công việc không mấy “thơm tho” này. Anh Từ Thanh Cường (48 tuổi, ở P.Hải Cảng) kể: “Tui làm nghề này cũng được 15 năm rồi. Tới mùa nóng, cá về nhiều làm nhiều mà ngồi trong lò hấp này không khác gì mình cũng được hấp như tụi cá. Vợ tui cũng làm nghề như tui, mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được khoảng 6 triệu đồng đổ lại, vừa đủ lo ăn trong nhà và nuôi con thôi. Mình dở người, dở nghề thì cố mà kiếm một cái nghề lương thiện để sống cho tử tế thôi!”.
Tại bếp lửa trong lò hấp luôn ở mức cháy bùng, toát ra sức nóng dữ dội, ông Hà Thanh Đào (50 tuổi, ở P.Hải Cảng) đang thoăn thoắt đẩy củi, bỏ rổ cá vô nồi nước sôi. 15 năm làm việc ở lò hấp nóng rực khiến dáng người ông như choắt lại đầy khắc khổ. Công việc chính của ông là đứng lò, thức dậy và nhóm lửa vào lúc 5 giờ mỗi ngày rồi canh hấp chín hàng trăm mẻ cá mỗi ngày. “Tui làm vầy mỗi tháng được 4 triệu tiền lương. Có đồng tiền đều đặn để lo cho gia đình, nuôi nấng con cái ăn học đàng hoàng là mừng lắm rồi. Hy vọng đời con mình sẽ không phải đứng ở lò cá thế này”, ông Đào chia sẻ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ từ lò hấp cá
Hiện tại, cảng cá Hàm Tử (TP.Quy Nhơn) có hơn 20 lò hấp đỏ lửa mỗi ngày. Các lò này nằm sát rạt nhau trong một không gian chật hẹp, hôi tanh và tối tăm. Hệ thống dây điện, nước tại các lò đều trong tình trạng cũ kỹ, mục nát và có nguy cơ xảy ra cháy nổ bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa cao điểm nắng nóng.
Bà Nguyễn Thị Ba (55 tuổi, ở P.Hải Cảng), một người làm công ở lò hấp cá tại đây cho biết: “Khổ quá, không có nghề gì khác mới phải làm nghề này sinh sống chứ vừa làm vừa run cô à. Lỡ có cháy nổ, tụi tui ở trong hóc này chạy ra chắc không kịp đâu!”. Dưới khu vực bà Ba ngồi làm cá là các rãnh nước vẩn đục, tanh hôi. “Nơi này xây dựng tạm bợ từ lâu lắm rồi, mà người ta chưa tu sửa gì, cứ để vậy làm tạm đến giờ, trời mưa gió bão bùng thì dột nát, trời nắng nóng thì như đổ lửa vậy!”, ông Chín, một người làm công ở đó nói thêm.
Ngoài việc an toàn điện nước ở lò cá, những người làm nghề ở đây hầu như ai cũng bị bệnh xoang, tai mũi họng và xương khớp. Chị Tuyết chia sẻ: “Ngày nào cũng ngửi mùi cá, làm ruột cá đến trưa riết rồi quen mà làm được thôi chứ bịnh thì bịnh lắm. Hồi mới làm, tui sổ mũi liên tục. Ai ở đây cũng có bịnh này bịnh kia hết mà vì miếng cơm manh áo nên ráng làm chứ biết sao”. Vừa nói, chị Tuyết vừa luôn tay làm cho hết mẻ cá buổi sáng để kịp hấp chuyển đi các chợ trong tỉnh, các tỉnh lân cận như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…
Bình luận (0)