Phận người từ những xác chết trôi sông - Kỳ 4: Mãi mãi là ẩn số

21/08/2014 03:00 GMT+7

Rất nhiều xác chết trôi sông được vớt lên nhưng mãi mãi vẫn là một ẩn số nằm sâu dưới ba tấc đất. Nhiều tới độ, những xã ven sông Hồng còn có cả một khu nghĩa địa chuyên để chôn cất những xác chết trôi sông.

Rất nhiều xác chết trôi sông được vớt lên nhưng mãi mãi vẫn là một ẩn số nằm sâu dưới ba tấc đất. Nhiều tới độ, những xã ven sông Hồng còn có cả một khu nghĩa địa chuyên để chôn cất những xác chết trôi sông.

Phận người từ những xác chết trôi sông - Kỳ 4: Mãi mãi là ẩn số
Một vụ khám nghiệm pháp y của Công an Hà Nội - Ảnh: Hoàng Quân

Dân chài lưới “né” xác chết trôi

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Văn Đức, H.Gia Lâm (Hà Nội) cho biết ở khu vực bến đò Văn Đức, sau khi Công ty đóng tàu sông Hồng xây cầu cảng, dòng nước chảy xuôi đập vào cầu cảng bắn ngược trở lại, từ đó có nhiều vật bị dòng chảy xô dạt về, trong đó có không ít xác chết. Thế nhưng, theo ông Hùng, trong khoảng 10 năm qua chỉ chứng kiến ba vụ vớt xác tìm được danh tính.

Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng (44 tuổi, ở cụm 4, P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội), thì bản thân ông vớt mấy trăm xác chết trong hơn 30 năm qua, nhưng cũng rất ít thông tin về việc khám phá được vụ trọng án nào từ những xác chết trôi sông này. “Trước khi đưa xác trôi sông vào bờ, tôi đều gọi điện cho công an sở tại đến để giải quyết. Khi xuống, việc đầu tiên là công an khám nghiệm hiện trường, rồi pháp y tử thi, lấy mẫu vật, còn thi thể đem đi chôn cất”, ông Dũng cho hay. Được biết, khi lực lượng chức năng rời khỏi hiện trường, xác chết trôi sông được “bàn giao” lại cho ông Dũng chôn cất... Thế nên, giờ đây, giữa một cánh đồng trồng đào rộng mênh mông nằm ven sông Hồng, có hẳn một khu nghĩa địa, mà người dân vẫn thường gọi là Cô Trôi, chôn cất những xác chết trôi sông mà ông Dũng từng vớt trong hơn 30 năm qua.

Qua tìm hiểu, những xác chết sau khi được khám nghiệm pháp y, phần việc hậu sự, lo chôn cất là do phía xã - nơi vớt được thi thể nạn nhân. Trong khi kinh phí địa phương đều hạn hẹp. Chính vì vậy, việc bỏ ra 5 - 6 triệu để lo áo quan, thuê người đào huyệt... cũng khiến nhiều lãnh đạo phải “lăn tăn”. Chủ tịch của một xã thuộc H.Gia Lâm, nơi có dòng sông Hồng chảy qua, đã không ngần ngại chia sẻ: “Cứ nghe dân báo vớt được xác là y như rằng chúng tôi lại lo cuống cuồng, từ phân công lực lượng bảo vệ hiện trường, lo kinh phí mua áo quan, thuê người đào huyệt... Mỗi năm vài vụ như vậy thì kinh phí xã lấy đâu”.

Mọi trường hợp mất tích phải được đăng ký

Liên quan tới những xác chết trôi sông, mới đây, một doanh nghiệp khai thác cát ở khu vực Bãi Nổi ven sông Hồng, thuộc địa bàn xã Mộc Bắc, H.Duy Tiên (Hà Nam) phát hiện một sọ người đựng trong chiếc xô; vì sợ phiền hà, trách nhiệm nên đã âm thầm thuê ông Trần Mạnh Bình (57 tuổi, ở xóm 3, thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, H.Duy Tiên), người có thâm niên gần 20 năm vớt xác, đem đi chôn cất. Sự việc chỉ được phát hiện khi người nhà ông Bình nghi ngờ đó là một phần thi thể của chị Huyền. Và ngay trong ngày hôm sau, cán bộ điều tra của Công an H.Duy Tiên đã có mặt tại hiện trường, những người có liên quan tới vụ chiếc sọ người được triệu tập. Cũng không lâu sau đó, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hà Nam tiến hành khai quật lấy mẫu xương của chiếc sọ người để khám nghiệm và giám định, phục vụ công tác điều tra.

Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.Hà Nội), cho biết mỗi khi tiếp nhận thông tin phát hiện xác chết trôi sông, cán bộ chiến sĩ của phòng đều phải tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất có thể. Và sau khi hoàn tất việc khám nghiệm hiện trường, pháp y tử thi và lấy mẫu, những thi thể trôi sông sẽ được bàn giao lại cho chính quyền địa phương nơi phát hiện, mai táng theo đúng phong tục tập quán của người Việt. Trong trường hợp thi thể được nhận dạng, chính quyền địa phương nơi phát hiện ra sẽ giao lại thi thể đó cho gia đình người thân của nạn nhân đem về mai táng. Còn kết quả khám nghiệm hiện trường, pháp y sẽ được chuyển tới đội nghiệp vụ để điều tra.

Theo TS Vũ Dương - nguyên Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia của Bộ Y tế, các quy định pháp luật hiện nay đề cập không rõ ràng về trách nhiệm tìm kiếm, xác định tung tích người mất tích, việc này từ trước đến nay vẫn chủ yếu do các cơ quan bảo vệ pháp luật đảm trách. Về nguyên tắc khi phát hiện một thi thể trôi trên sông, qua khám nghiệm tử thi, giám định ADN, phát hiện có dấu hiệu án mạng thì cơ quan công an vào cuộc xác định tung tích nạn nhân. Tuy nhiên, đối với nhiều trường hợp chỉ phát hiện được một bộ phận như cánh tay, sọ người, do ở dưới nước lâu sẽ khó xác định tử vong là tai nạn hay án mạng. “Dù trong trường hợp nào thì các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng phải yêu cầu giám định pháp y, lưu mẫu vào ngân hàng gien để so sánh đối chiếu với các trường hợp mất tích”, TS Dương nói và cho rằng, đối với các cơ quan chính quyền, phải xác định rõ trong điều tra tố tụng, bảo vệ pháp luật, việc trưng cầu giám định pháp y chỉ tốn kém vài triệu đồng còn hơn để nhiều lực lượng đi điều tra xác minh các vụ án mạng theo kiểu “tìm kim đáy bể”.

Còn nhiều lỗ hổng

Thiếu tướng Ngô Tiến Quý - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nhìn nhận công tác điều tra tuy tìm người mất tích cũng như việc xác định danh tính thi thể trôi sông hiện nay còn có nhiều lỗ hổng. “Theo quy định pháp luật thì các trường hợp chết không tự nhiên đều phải được điều tra làm rõ và trách nhiệm ở đây là cơ quan công an đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên nói trách nhiệm thì rất vô cùng, trong khi hệ thống pháp luật của chúng ta chưa hoàn thiện”, ông Quý nói và chỉ rõ, để khắc phục phải làm tốt công tác quản lý tạm trú tạm vắng, quản lý người mất tích.

“Mọi trường hợp mất tích phải có trong sổ đăng ký, phải lưu lại mẫu gien, nhận dạng tư trang, quần áo, trong trường hợp cần thiết thì đối chiếu với nạn nhân. Giữa các địa phương phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau, phải đảm bảo được sự thống nhất hệ thống về đăng ký, lưu mẫu, nếu chỗ này làm mà chỗ khác không làm thì cũng vô nghĩa”, ông Quý nói.

H.An - T.Sơn - N.Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.