Lăng kính bạn đọc:

Phẫn nộ hành vi lợi dụng người khuyết tật để kiếm tiền

Đ.Huân
(tổng hợp)
05/07/2023 05:30 GMT+7

Nhiều ý kiến lên án hành vi táng tận lương tâm, lợi dụng người khuyết tật để trục lợi cho bản thân, mong pháp luật nghiêm trị.

Như Thanh Niên thông tin, ngày 3.7, Công an H.Gia Lâm (Hà Nội) cho biết đơn vị này đang củng cố hồ sơ, làm rõ việc Trần Đình Minh (36 tuổi, trú H.Gia Lâm) nuôi 2 người khuyết tật, trả lương hằng tháng để họ đi bán tăm, xin tiền.

Lăng kính bạn đọc: Phẫn nộ hành vi lợi dụng người khuyết tật để kiếm tiền - Ảnh 1.

Trần Đình Minh tại cơ quan công an

Hải An

Trước đó, quá trình kiểm soát địa bàn, Công an H.Gia Lâm phát hiện Minh lái xe máy chở theo 2 người khuyết tật. Nhận thấy dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác đã đưa cả ba người về trụ sở làm việc. Công an xác định 2 người khuyết tật mà Minh chở theo là anh T.Q.K (19 tuổi, trú H.Thanh Sơn, Phú Thọ) và anh P.S.L (32 tuổi, trú H.Kim Bôi, Hòa Bình).

Anh L. cho hay bị khuyết tật từ bé, không đi lại được nên thường đi bán tăm bông, tăm tre ở các khu chợ. Năm 2019, Minh quen anh L. và nảy sinh ý định bao nuôi người khuyết tật để đi bán hàng. Sau đó, Minh thuê một phòng trọ tại phố An Đào (TT.Trâu Quỳ, H.Gia Lâm) cho anh L. ở. Hằng ngày, Minh chuẩn bị tăm tre, tăm bông, loa phát nhạc và các đồ nghề khác rồi đi cùng anh L. đến các khu chợ dân sinh để bán hàng và xin tiền.

Toàn bộ số tiền kiếm được, Minh giữ hết, chỉ trả công cho anh L. 8 triệu đồng/tháng và trả tiền thuê nhà, mua đồ ăn. Hơn 1 năm trở lại đây, Minh đưa thêm anh K. về nhà trọ ở và thỏa thuận mỗi tháng trả anh K. 7 triệu đồng. Hằng ngày, cả nhóm chia làm 2 ca, ca sáng từ 7 - 10 giờ, ca chiều từ 16 giờ 30 - 19 giờ.

Công an H.Gia Lâm đã bàn giao anh L. và anh K. đến Trung tâm công tác xã hội và quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội để nuôi dưỡng, chăm sóc.

Lòng tham làm mất nhân tính

Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên bày tỏ sự phẫn nộ trước hành vi của kẻ "chăn dắt".

"Thật độc ác khi ăn trên mồ hôi, xương máu người khuyết tật. Mong pháp luật trừng trị những đối tượng này tới nơi tới chốn", BĐ Vinh Ho bức xúc. BĐ Thanh Bình phẫn nộ: "Quá tội lỗi cho những kẻ lợi dụng, sống trên mồ hôi, nước mắt của người khác".

"Lợi dụng người khuyết tật để trục lợi cho bản thân, hành vi này không thể chấp nhận được", BĐ Anh Hoàng lên án. BĐ Anh Đoan viết: "Bây giờ ra đường thấy có nhiều người ăn xin, bán tăm bông... cũng muốn cho nhưng sợ lòng tốt bị lợi dụng bởi những kẻ chăn dắt như thế này".

Cần nghiêm trị

Không chỉ đề nghị pháp luật mạnh tay với những đối tượng chăn dắt, BĐ Khoa Nguyễn còn kêu gọi mọi người ngừng ngay việc cho tiền những người ăn xin để góp phần chấm dứt hành vi này. "Không nên cho tiền người ăn xin, vì nếu cho là vô tình tiếp tay cho những kẻ "chăn dắt" hành hạ, trói buộc người già, trẻ em, người khuyết tật... để trục lợi cho chúng. Lòng tốt cần được đặt đúng nơi đúng chỗ, nếu không sẽ bị lợi dụng. Rất mong pháp luật có khung hình phạt thích đáng để răn đe những đối tượng chăn dắt", BĐ này nêu ý kiến.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 4.7

Sức dài vai rộng mà ăn bám người khuyết tật, thật đáng trách.

Nguyen Thu

Tàn nhẫn quá! Ăn trên mồ hôi người khuyết tật. Kinh tởm quá!

Tuyen

Còn trẻ còn sức không chịu làm ăn mà lại lợi dụng người khuyết tật, không hiểu nổi! 

Orisan

Cần làm rõ, xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng người khuyết tật. 

C.D

"Kiếm tiền trên tình thương, tinh thần sẻ chia của mọi người và nỗi đau của người khác, thật khó chấp nhận. Mong pháp luật mạnh tay với những kẻ chăn dắt", BĐ Phạm Tiệp bình luận.

BĐ Thắng Nguyễn cho rằng tình trạng này đã diễn ra từ lâu nhưng chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. "Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tệ nạn này, kiếm tiền dựa trên lòng thương của người khác, lợi dụng người khuyết tật là rất đáng lên án", BĐ viết.

"Hành vi chăn dắt người khuyết tật, người già, trẻ em đi bán tăm, xin tiền đem về cho bọn chúng là một tội ác. Người dân cho tiền thì càng khiến những đối tượng chăn dắt máu lạnh hơn. Lòng trắc ẩn cần đặt đúng chỗ, nếu không sẽ bị lợi dụng. Tốt nhất hãy giúp đỡ người ăn xin bằng những bộ quần áo, thức ăn, tuyệt đối không cho tiền mặt. Pháp luật cũng cần nghiêm trị những đối tượng chăn dắt, nếu luật quá nhẹ hoặc thiếu tính răn đe, tình trạng này sẽ còn mãi", BĐ Minh Hải ý kiến.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.