(TNO) Mưu sinh bằng những nghề như múa lửa, xiếc, tạp kỹ... chưa bao giờ là công việc nhẹ nhàng, đặc biệt là với những cô gái chân yếu, tay mềm...
>> Múa lửa" trong quán karaoke
>> Hai "sinh viên trường múa" lừa đảo
Kỳ 1: Bóng hồng 'vờn' lửa
21 giờ đêm tại một quán cà phê ở quận Tân Bình (TP.HCM), giữa tiếng nhạc đinh tai, một cô gái trẻ ăn mặc "bốc lửa" bước lên sân khấu và nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả bằng cách dùng những cây đuốc cháy hừng hực vuốt ve làn da trắng nõn của mình.
|
"Lì là ăn"
Cô gái tên Mỹ Kim (20 tuổi, quê Phú Yên) theo nghề múa lửa kiếm sống đã được 5 năm. Trò chuyện với chúng tôi khi tay vẫn còn mân mê những sợi tóc bị cháy sém do màn múa lửa khi nãy, Mỹ Kim cho biết tuy xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ba và ông nội theo nghiệp cải lương nhưng từ nhỏ, cô lại rất thích... lửa.
Mùa hè năm 14 tuổi, khi đang ngồi nghịch những chiếc diêm quẹt, ngắm ngọn lửa nhảy múa trước mắt mình, Mỹ Kim được một người trong gánh xiếc hỏi "Có thích múa lửa không?", cô bé nhanh chóng gật đầu, vậy là được "truyền nghề" trong vỏn vẹn 5 tháng.
"Mới đầu học em cũng sợ lắm. Vết bỏng đầu tiên là ở bàn tay khi em dùng tay bốc lửa từ cây đuốc này qua cây khác, phải nghỉ dưỡng gần nửa tháng mới tập lại. Bị bỏng vậy hoài nhưng được cái là em bỏng thì bỏng chứ vẫn khoái. Có người học cùng em nhưng giữa chừng họ chịu không được nên bỏ cuộc", Mỹ Kim kể.
|
Sau khi theo gia đình vào Bình Dương, Mỹ Kim chuyển sang học bổ túc và bắt đầu xem múa lửa như công việc chính của mình. Nhìn cô gái trẻ để ngọn lửa lướt qua khắp người rồi mạo hiểm lắc những chiếc vòng gắn đầy những ngọn đuốc đang cháy hừng hực, nhiều người khẽ lắc đầu, xuýt xoa.
Mỹ Kim bảo phương châm của cô là "Lì là ăn". "Ai cũng nghĩ tụi em bị "chai", không biết nóng chứ thực ra ai gần lửa mà không nóng, chủ yếu là sức chịu đựng tới đâu và mình có đủ 'liều' không thôi", Mỹ Kim chia sẻ.
|
Nhà ở tận Bình Dương nên mỗi khi có show diễn ở Sài Gòn, hai anh em lại đèo nhau trên chiếc xe máy. Đến nơi, anh trai tự tay giúp cô em gái chuẩn bị, sắp xếp dụng cụ. Họ dùng dầu hôi cho màn phun lửa và dùng xăng cho những động tác nuốt lửa, lắc vòng, thoa lửa lên cơ thể....
Sau khi chắp tay "khấn tổ", Mỹ Kim cởi phăng chiếc áo khoác trên người, bước ra sân khấu trong bộ trang phục "bốc lửa" và bắt đầu những động tác múa lửa không thể "nóng" hơn. Tiếng vỗ tay càng to, cô diễn càng sung. Trên môi lúc nào cũng hiện ra nụ cười rạng rỡ bất chấp ngọn "lửa" liếm khắp người, cháy luôn vài sợi tóc...
"Nghề này ngoài chuyện phải "lì" ra thì dáng phải "ăn", mặt phải sáng, bài diễn cũng phải thay đổi liên tục thì mới cạnh tranh lại với nhau. Chẳng hạn như hôm nay em diễn nhạc dance thì ngày mai em sẽ múa Ấn Độ hay Michael Jackson...", Mỹ Kim chia sẻ.
Bị bỏng như... ăn cơm
Phần lớn các cô gái làm nghề múa lửa đều do "nghề truyền nghề" chứ không qua trường lớp nào. Có người học "lỏm" đàn anh, đàn chị rồi về tự tập luyện, có người đi theo các gánh xiếc, tạp kỹ rồi dần nâng cao tay nghề...
"Sân khấu" múa lửa thường là các quán cà phê, quán bar... "Trước đây, các tàu nhà hàng cũng thường mời các cô gái múa lửa góp vui, thu hút thực khách nhưng từ khi cơ quan chức năng yêu cầu ngưng hoạt động múa lửa trên tàu để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy thì chúng tôi phải thay thế bằng các tiết mục xiếc thăng bằng, ảo thuật, ca hát...", một quản lí tàu nhà hàng ở bến Bạch Đằng cho biết.
|
Yến Nhi (24 tuổi), theo nghề múa lửa nhiều năm nay, chia sẻ: "Ba em làm nghề ảo thuật nên trong những lần đi diễn, ông học hỏi kinh nghiệm của những người múa lửa rồi về dạy cho em những cái cơ bản, sau đó em đi theo mấy đoàn xiếc tạp kỹ rồi dần dần nâng cao tay nghề".
Yến Nhi từng múa lửa trên các tàu cập bến Bạch Đằng nhưng từ khi có lệnh cấm múa lửa trên tàu, cô chuyển sang diễn xiếc thăng bằng và thỉnh thoảng nhận show múa lửa ở các tụ điểm, quán cà phê, bar...
"Nghề múa lửa cũng mang lại cho em nguồn thu nhập khá ổn định. Đắt show nhất là những dịp lễ tết, ế nhất là vào... mùa mưa. Cát sê trung bình từ vài trăm đến vài triệu tùy tính chất chương trình", Yến Nhi chia sẻ.
Và dù đã có kinh nghiệm nhiều năm nhưng theo chia sẻ của Yến Nhi thì bỏng là chuyện thường với dân múa lửa vì dù làm nghề lâu năm nhưng vẫn có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng buổi diễn như thời tiết, gió... "Bỏng môi, bỏng tay chân... riết rồi bị bỏng như... ăn cơm", Yến Nhi cho biết.
Cũng như Yến Nhi, Mỹ Kim đã gặp không biết bao nhiêu tai nạn từ công việc múa lửa. Chỉ tay vào một vết sẹo khá to ở chân, cô kể: "Đây là vết tích trong một lần em lắc vòng lửa bị trượt, lột nguyên miếng da. Rồi có những lần bị cháy tóc, bị bỏng miệng... Trong buổi tiệc cách đây một năm, khi diễn màn nuốt lửa thì bất chợt lửa chạy thẳng vào cổ họng làm em phải... nghỉ ăn một tuần. Sau vụ này, mọi người cứ nghĩ là em sẽ bỏ nghề nhưng vẫn đi diễn tiếp. Đó là chưa kể những lần làm cháy phông sân khấu hay vô tình để xăng cháy lan. Riết rồi bị bỏng thấy cũng bình thường, không còn đau nhiều nữa".
Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề bảo hiểm, Mỹ Kim cười: "Không có bảo hiểm nào chịu bán cho tụi em đâu".
|
Theo những người trong nghề, dù dốc sức tập luyện, không màng nguy hiểm nhưng tuổi thọ của nghề múa lửa lại phụ thuộc vào... vóc dáng bởi ngoài việc liều và lì với lửa, người biểu diễn còn phải có đủ sức hấp dẫn với khán giả. Bởi thế những người làm nghề múa lửa thường là những cô trẻ đẹp, ăn mặc "bốc lửa" và đến tầm 30 tuổi thì phải nhường sân lại cho những cô trẻ đẹp hơn.
|
Ngoài ra, những cô gái múa lửa còn chịu hậu quả về sau như răng giòn đi do thường xuyên tiếp xúc với lửa, mắc các bệnh về phổi do hít khói thường xuyên, bị sạm da, nhăn da do tiếp xúc thường xuyên với xăng dầu...
"Dù vậy nhưng em vẫn rất yêu thích nghề này. Em thích làm những gì người khác không làm được. Ngoài ra, sự ủng hộ của gia đình cũng là niềm động viên rất lớn với em", Mỹ Kim chia sẻ.
Nói đoạn, cô gái trẻ vui vẻ cùng anh trai thu xếp lại các dụng cụ múa lửa rồi ra về, để lại sau lưng mùi hăng của xăng dầu vẫn còn nồng nặc. Đâu đó vài khán giả hứng chí xem lại đoạn video quay màn múa lửa khi nãy rồi luôn miệng xuýt xoa....
Cận cảnh nghề múa lửa
|
Thiên Hương - Diệu Linh
Ảnh: Độc Lập
>> Thí sinh 'Én vàng' thử thách với kịch xiếc 'À Ố show
>> Xe container 'làm xiếc
>> Bà mẹ diễn 'xiếc
>> Diễn viên xiếc thú
>> Đoàn xiếc đương đại của Pháp trình diễn tại Việt Nam
>> Cô gái thổi sáo và nhóm xiếc mồ côi vào chung kết Vietnam's Got Talent
>> Vietnam's Got Talent: Xúc động nhóm trẻ mồ côi làm xiếc
Bình luận (0)