Phấn son tô điểm sơn hà: Bà “tổng đốc” tại Đại hội Quốc dân Tân Trào

20/10/2022 07:34 GMT+7

Đêm 15 rạng 16.8.2003, bà Thanh Thủy từ trần, hưởng thọ tròn 80 tuổi. Một sự trùng hợp, đúng ngày này 58 năm trước, vợ chồng bà tham dự khai mạc Quốc dân Đại hội Tân Trào ( 8.1945).

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, trong một gia đình quan lại. “Sống trên nhung lụa” song cô tiểu thư lá ngọc cành vàng Nguyễn Thị Khánh Thuận đã sớm được giác ngộ cách mạng. Người giác ngộ, dìu dắt bà là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Đông Dương, sau đó trở thành người bạn đời của bà: ông Dương Đức Hiền - Bộ trưởng Bộ Thanh niên Chính phủ lâm thời (8.1945 - 3.1946).

Bà Thanh Thủy (thứ năm từ phải qua) cùng các nhân chứng lịch sử dự Hội nghị khoa học 50 năm Đại hội Quốc dân Tân Trào (1945 - 1995)

Tư liệu KM

Nhà báo Thanh Thủy

Trong Sưu tập trọn bộ Tạp chí Tiên Phong (Lại Nguyên Ân và Hữu Nhuận sưu tầm, biên soạn, NXB Hội Nhà văn, 1996, tập 2), phần “Ghi chú về bút danh tác giả”, tôi thấy có nhiều tác giả còn để dấu hỏi (?). Bút danh Thanh Thủy có bài viết trên các số 4, 5, 15, 16, 17. Tôi có hỏi ông Lại Nguyên Ân để xem đã tìm ra tác giả này chưa. Vì tôi sợ rằng sách ra từ năm 1996, đến nay đã gần 30 năm… Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã trả lời tôi rằng, ông chưa biết người ký bút danh Thanh Thủy là ai.

Thanh Thủy là cái tên đã nảy sinh hôm Khánh Thuận sắp phải xa người yêu đi thoát ly công tác bí mật. Viết hồi ký, bà kể: vào hoàn cảnh mỗi người một nơi, mong muốn làm sao cho nhau biết được người mình thương nhớ vẫn còn sống, còn công tác, không bị địch bắt bớ, tù đày…, hai người nảy ra sáng kiến lấy chung một bút danh khi viết bài đăng báo Cứu quốc và báo Độc Lập (thời kỳ bí mật). Đọc báo thấy bài ký bút danh chung là biết đều còn hoạt động yên lành. Thế là hai người ghép bí danh của nhau lại: Thanh của ông Hiền và Thủy của bà Thuận. Cái tên Thanh Thủy ra đời từ đấy.

Khoảng giữa năm 1944, Thanh Thủy được cử về Hưng Yên hoạt động. Tại đây, bà được giao cho việc dịch sách từ tiếng Pháp. Đầu tiên là quyển Tư bản giãy chết (chung với Búa Tạ - bút danh của một cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ), quyển sách vỡ lòng về Chủ nghĩa Mác, do Đảng Cộng sản Pháp xuất bản. Sau đó, bà còn dịch các chương Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử trong sách Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô…

Đại biểu đại hội Quốc dân Tân Trào

Cuối tháng 7.1945, bà Thanh Thủy được cử làm thành viên trong đoàn đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào cùng với các ông Dương Đức Hiền, Cù Huy Cận, Nguyễn Dương Hồng, Vũ Công Thuyết… Bà kể lại trong hồi ký Tình yêu và lý tưởng (NXB Phụ nữ):

Năm 1963, sau khi ông Dương Đức Hiền qua đời, bà Thanh Thủy một mình tần tảo nuôi dạy 2 người con khôn lớn và trưởng thành. Con trai bà trước khi nghỉ hưu là PGS-TS, Trưởng phòng Đào tạo - ĐH Bách khoa Hà Nội. Con gái bà là tiến sĩ luật nổi tiếng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.

“Trưa 16.8, chúng tôi lên tới Tân Trào - vừa rửa mặt xong đã có đồng chí đến giục ăn mặc chỉnh tề ra dự lễ xuất phát của đoàn quân giải phóng đi đánh Thái Nguyên.

Dưới bóng cây đa cổ thụ, đoàn quân đứng im phăng phắc, trật tự, oai nghiêm. Sau khi đồng chí Văn (đồng chí Võ Nguyên Giáp) đọc lệnh xuất phát, đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Đại hội chào mừng đơn vị giải phóng quân và chúc đơn vị đánh thắng quân Nhật ở Thái Nguyên. Tôi được thay mặt đại biểu nữ trong Đại hội lên nói.

Tôi cảm động quá, nghẹn lời, chỉ nói được mấy câu:

- Các đồng chí tiến lên, giải phóng Thái Nguyên rồi tiến thẳng về Hà Nội. Hẹn gặp nhau giữa Thủ đô hoàn toàn độc lập!

Hồi ấy Bác ốm nhiều nhưng Bác cũng cố gắng đến dự Đại hội. Bác mặc bộ quần áo chàm quen thuộc của các cụ già Nùng. Nhiều đại biểu không biết Bác là ai nhưng tất cả đều tôn kính gọi Bác là “Ông Cụ”, vị đại biểu nhiều tuổi nhất của Đại hội.

Đại hội sắp khai mạc, nhà tôi (anh Dương Đức Hiền) gọi tôi:

- Em vào đây, anh giới thiệu với “Ông Cụ”.

Tôi đang bối rối chưa biết chào như thế nào thì Bác rất tự nhiên hỏi ngay:

- Cô công tác ở đâu?

- Dạ, thưa, cháu công tác ở Hải Phòng - Kiến An và Quảng Yên ạ.

- Ba tỉnh kia à? Thế thì bằng Tổng đốc rồi còn gì!

Câu nói vui của Bác làm cả ba chúng tôi cùng cười xòa và tôi cũng hết lúng túng”.

Sau Đại hội Tân Trào, bà Thanh Thủy được điều về công tác ở báo Cứu quốc, phụ trách trang “phụ nữ”. Hơn bốn tháng sau, bà được bầu làm Cố vấn trong Hội đồng quản trị của Đoàn báo chí Việt Nam. Tiếp đó, bà làm báo Tiếng gọi phụ nữ (tiền thân của báo Phụ nữ Việt Nam hiện nay) tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp phụ nữ vào đoàn phụ nữ Cứu quốc (trong Mặt trận Việt Minh)…

Cuối năm 1946, bà Thanh Thủy sang làm Phó trưởng ban Tuyên truyền Xung phong Trung ương của Tổng bộ Việt Minh, rồi tham gia Đảng đoàn Phụ nữ Trung ương, Ủy viên Ban Phụ vận Trung ương Đảng; Ủy viên Thường trực Trung ương Hội LHPN Việt Nam phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Hội cho đến ngày nghỉ hưu...

(còn tiếp)

Phấn son tô điểm sơn hà

Dược sĩ Đỗ Thị Thao - chẳng cần đổi phận làm trai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.