Việt Minh cũ - Việt Minh mới
Lợi dụng thời cơ Nhật đảo chính Pháp, tù chính trị ngục Trà Kê (Phú Yên) vận động lính dân tộc thiểu số bỏ ngũ, rồi đạp cửa ngục mà ra. Trong số những người vượt ngục có ông Hà Huy Giáp. Ông đã mau chóng tìm cách lọt vào Sài Gòn. Qua gia đình cơ sở, ông Hà Huy Giáp được đưa đến nhà ông Tạ Thu Thâu. Tại đây, ông Thâu đề nghị: "Trước tiên, anh phải trị lao. Tôi giới thiệu anh đến Clinique bác sĩ Phạm Ngọc Thạch".
Đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, ông Hà Huy Giáp gặp bà Hai Sóc, một giao thông viên giỏi nổi tiếng toàn Nam kỳ. Đưa ông Giáp ra đằng sau, vào phòng của người bồi giúp việc gia đình bác sĩ Thạch, bà Hai Sóc kể cho ông Giáp nghe những chuyện đã xảy ra đủ cả chuyện cũ, chuyện mới, nào là "Việt Minh mới" (Xứ ủy Tiền phong), "Việt Minh cũ" (Xứ ủy Giải phóng)…
Tỏ tường nội tình, ông Hà Huy Giáp đến gặp ông Trần Văn Giàu bày tỏ mong muốn thống nhất. Nghe xong đề nghị, ông Giàu nói: "Tôi mong có anh vào giải quyết vấn đề nội bộ. Nước đến cổ rồi mà còn phân biệt "Việt Minh mới" với "Việt Minh cũ". Thống nhất tổ chức, thống nhất hành động, đó là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện bên "Việt Minh cũ" đặt ra, miễn là thống nhất được nội bộ".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện cùng ông Ung Văn Khiêm tại chiến khu |
Tư liệu tác giả |
Được lời như cởi tấm lòng, ông Hà Huy Giáp lại đi gặp ông Lê Hữu Kiều. Ông Kiều đề nghị ông Giáp nên gặp ông Trần Văn Tư (thường gọi là Tư Già). Hai người hẹn gặp nhau ở Bà Điểm. Với chiếc xe đạp dura được ông Nguyễn Văn Trấn cho mượn (cũng như cho hẳn) ông Hà Huy Giáp đạp đi. Nhưng vừa từ trại tập trung ra, người còn yếu, không có sức đạp xe lên tận Bà Điểm ông phải đi xe thổ mộ. Xe đạp treo một bên hông xe thổ mộ. Vậy mà đến Bà Điểm, ông Hà Huy Giáp cũng không gặp được ông Tư Già.
Trong khi đó, liên lạc giữa Xứ ủy Nam kỳ với Trung ương Đảng ngoài Hà Nội hoàn toàn bị cắt đứt. Ông Hà Huy Giáp liền cử người cháu họ của mình là Nguyễn Đắc Huỳnh (mang bí danh Lý Chính Thắng) ra bắt liên lạc với Trung ương. Khi Lý Chính Thắng xin được chỉ thị và tài liệu trở về Sài Gòn, cũng là lúc ông Hà Huy Giáp nhận được thư triệu tập đại biểu Nam bộ ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và dự Đại hội Quốc dân tại Tân Trào. Tổng bí thư Trường Chinh chỉ định 2 đại biểu Hà Huy Giáp và Ung Văn Khiêm ra dự hai cuộc hội nghị này với tư cách là đại biểu cho "Việt Minh mới" (Xứ ủy Tiền phong).
“Đọc thư của đồng chí Trường Chinh triệu tập ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và dự Quốc dân đại hội tôi, và anh Khiêm rất mừng và lên đường ra Bắc ngay. Chúng tôi đi xe đò ba chặng: một chặng từ Sài Gòn ra Đà Nẵng, một chặng từ Đà Nẵng ra Huế và chặng chót từ Huế ra Hà Nội”, ông Hà Huy Giáp viết trong hồi ký.
Ra tới Hà Nội, ông Hà Huy Giáp nhập vào đoàn Tổng bí thư Trường Chinh. Còn ông Ung Văn Khiêm đi theo một đoàn khác. Đích đến của họ là căn cứ địa Tân Trào.
Không đánh Pháp kiểu anh hùng
Ông Hà Huy Giáp kể lại trong hồi ký của mình: “Nghe nói anh Khiêm đi vào một làng bị Việt Minh bắt định đem chém. Thì ra làng đó tự động lập ra làng Việt Minh và anh Khiêm là người Nam bộ, cho nên dân làng càng nghi là gián điệp. May là làng bên cạnh có tổ chức Việt Minh và có người quen đến nhận, mới ra được”.
Vượt qua hết chặng đường gian truân, đi công khai có, đi bí mật có, trèo đèo lội suối luồn rừng, cuối cùng hai đại biểu “Việt Minh mới” cũng đến với Tân Trào. Tân Trào trong những ngày tháng 8.1945 đông vui và nhộn nhịp như những ngày hội. Đại biểu miền Nam, đại biểu miền Trung ra, đại biểu từ các chiến khu về, đại biểu Việt kiều từ Xiêm (Thái Lan), Lào, Campuchia cũng hội ngộ tại đây. Thật hiếm có một cuộc hội ngộ nào xúc động đến vậy khi các đại biểu từng cận kề với cái chết trong các nhà lao, trại tập trung của thực dân Pháp, lại được tự do đi lại trên mảnh đất chiến khu lúc này. Những giờ phút xúc động khó quên là các đại biểu được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này mang tên Hồ Chí Minh. Đại biểu Hà Huy Giáp nhớ lại:
“Nghe tin hai đại biểu Nam bộ đến nơi, đã chiều rồi, mà Bác Hồ vẫn cho gọi vào gặp Bác, Bác bảo: - Hai đồng chí báo cáo tình hình khởi nghĩa Nam bộ vài nét và tình hình hiện nay cho mình nghe. Chỉ vài nét thôi rồi tôi hỏi thêm sau, các đồng chí sẽ bổ sung. Biết đến đâu nói đến đó.
Anh Khiêm trốn ở đồn điền Cờ Đỏ mới ra hoạt động. Còn tôi cũng vừa vượt ngục Trà Kê ra.
Bác hỏi tỉ mỉ về Đảng rồi nói: - Phải điều tra xem danh từ "Việt Minh mới", "Việt Minh cũ" ở đâu ra? Ai nói đầu tiên? Các đồng chí còn là "Việt Minh mới", vậy thì tôi chắc hẳn là còn mới hơn các đồng chí.
Tôi nói: - Thưa Cụ, Cụ là người sáng lập ra Việt Minh, có thể nói là người cha Việt Minh.
Bác nói: - Ấy, chớ nói như vậy. Trong Việt Minh còn có cụ cao tuổi hơn mình. Hàng ngũ các chú trong Nam bộ có cụ nào già? Nhân dân kính trọng các cụ già”. (còn tiếp)
Ung Văn Khiêm (1910 - 1991) sinh tại xã Tấn Mỹ, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở Nam bộ, ông là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa II - III, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ…
Bình luận