Chỉ thị lịch sử
Cụ thể, sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9.3.1945), ở Nam bộ có 2 Xứ ủy. Một Xứ ủy được thành lập ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) vào tháng 10.1943 do ông Trần Văn Giàu làm Bí thư. Đến 20.3.1945, tại Xoài Hột (Mỹ Tho) một Xứ ủy nữa ra đời, do ông Dân Tôn Tử làm Bí thư. Xứ ủy Chợ Gạo là "Xứ ủy Tiền phong" và Xứ ủy Xoài Hột là "Xứ ủy Giải phóng" - gọi theo tên tờ báo Giải phóng - cơ quan ngôn luận của Xứ ủy này.
Cùng thời gian này, Ban Thường vụ Trung ương họp Hội nghị mở rộng và ra bản chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Bản chỉ thị lịch sử này do Tổng bí thư Trường Chinh soạn thảo, là kim chỉ nam cho hành động của Mặt trận Việt Minh trong cao trào kháng Nhật, cứu nước. Các nhà sử học đánh giá, chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta có tác dụng quyết định trực tiếp đối với thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám.
Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta được Tổng bí thư Trường Chinh gửi vào Nam bộ bằng nhiều con đường do giao liên mang về. Ngoài bản do ông Lý Chính Thắng và bà Nguyễn Thị Kỳ mang về, còn một bản do ông Trịnh Xuân Cảnh chuyển.
Ông Bùi Lâm |
Tư liệu gia đình |
Ông Trịnh Xuân Cảnh đã kể cho nhà sử học Trần Giang nội dung sự việc: “Khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7.1945, tôi ra Bắc và lại được gặp đồng chí da trắng, có đôi mắt sáng. Sau khi nhận tài liệu, tôi còn được giao nhiệm vụ dẫn một đồng chí tên là Thư vào Sài Gòn gặp anh Kiều (tức ông Lê Hữu Kiều - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ). Thật sung sướng cho đời hoạt động cách mạng của tôi. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, tôi mới được biết người giao tài liệu và nhiệm vụ cho tôi chính là đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Đảng ta. Đồng chí tên Thư chính là Bùi Lâm được Trung ương cử vào thống nhất hai Xứ ủy Tiền phong và Giải phóng; và tài liệu tôi mang vào Nam bộ hồi tháng 5.1945 chính là bản chỉ thị lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Đặc phái viên Bùi Lâm
Tháng 6.1945, Tổng bí thư Trường Chinh cử ông Bùi Lâm vào Nam kỳ truyền đạt chỉ thị của Trung ương kêu gọi các đảng viên Nam kỳ mau thống nhất lại, cùng nhau hành động chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa và mời đại biểu hai Xứ ủy ra Việt Bắc dự Hội nghị Tân Trào.
Trước khi đi, ông Bùi Lâm được ông Trường Chinh trao cho một bức thư của Trung ương gửi các đồng chí Nam kỳ và căn dặn:
"Anh vào trong đó có nhiệm vụ truyền đạt chủ trương của Trung ương, nghiên cứu tình hình về báo cáo với Trung ương và mời đại biểu của hai bên dự Hội nghị Tân Trào".
Đầu tháng 7.1945 khi vào tới Sài Gòn, ông Bùi Lâm với tư cách là phái viên đặc biệt của Trung ương triệu tập lãnh đạo hai Xứ ủy họp để bàn việc lập Ban hành động thống nhất chung. Xứ ủy Tiền phong cử các ông Lý Chính Thắng, Bùi Công Trừng; Xứ ủy Giải phóng cử bà Nguyễn Thị Thập, ông Hoàng Dư Khương. Ban hành động thống nhất chung do ông Bùi Lâm làm Trưởng ban.
Ông Bùi Lâm là một người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giác ngộ cách mạng từ hồi còn ở Pháp; năm 1927 ông sang học tại Trường Đại học phương Đông ở Moscow (Liên Xô) cùng học một khóa với ông Trần Phú (Tổng bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, theo đường dây liên lạc bí mật, các ông Bùi Lâm, Trần Phú… qua Pháp để về Việt Nam. Tháng 4.1930, nhóm thanh niên yêu nước này về tới Hương Cảng (lúc đó là tô giới của đế quốc Anh). Tại đây, hai ông Bùi Lâm và Trần Phú đã được bà Nguyễn Thị Minh Khai (lúc này đang sử dụng bí danh là Lý Huệ Phương), học trò cũ của thầy Trần Phú tại trường Quốc học Vinh (Nghệ An) đón. Bà Nguyễn Thị Minh Khai đang là cán bộ Văn phòng Ban phương Đông của Quốc tế Cộng sản, đã đưa họ đến nhà một cơ sở cách mạng ở Cửu Long. Đây chính là nơi làm việc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (khi đó sử dụng bí danh là Vương). Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giữ ông Bùi Lâm ở lại công tác ở Văn phòng Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Năm 1931, ông Bùi Lâm về nước tham gia Xứ ủy Nam kỳ. Hoạt động ở Sài Gòn thời gian đó cùng ông có Tổng bí thư Trần Phú, cùng các ông Ngô Đức Trì (Thường vụ Trung ương Đảng), Bùi Công Trừng…
Thất bại của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Bùi Lâm bị thực dân Pháp bắt rồi đưa đi nhiều nhà tù giam giữ… Lúc này, ông trở lại Sài Gòn làm Trưởng ban hành động thống nhất chung.
Tuy vậy, hai nhóm vẫn chưa ý hợp tâm đầu. Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng vẫn tồn tại riêng rẽ. Ông Bùi Lâm tuy là cán bộ đã học ở Liên Xô, là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ (năm 1930), nhưng khả năng làm rõ những vấn đề phát sinh trong Đảng bộ Nam kỳ lúc này thật không dễ dàng.
Thực tế đã diễn ra, kể cả khi phát động khởi nghĩa giành chính quyền, giữ chính quyền, nhân sự của chính quyền cấp Xứ sau khi khởi nghĩa thành công, vẫn phân đôi: Xứ ủy Tiền phong và Xứ ủy Giải phóng. (còn tiếp)
Ông Bùi Lâm (1905 - 1974) tên thật là Nguyễn Văn Rị, quê xã Gia Hòa, H.Vụ Bản, Nam Định. Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ (1930), Chánh án Tòa án Quân sự đặc biệt, Viện trưởng Viện Công tố Trung ương, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bulgaria và CHDC Đức, Phó viện trưởng Viện KSND Tối cao…
Bình luận (0)