Phấn son tô điểm sơn hà: 'Soái' của ngành đồ hộp Việt Nam

26/10/2022 06:44 GMT+7

Những kỹ sư chuyên ngành hóa học thế hệ đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội khi gặp mặt vẫn thường gọi bà Ngô Mỹ Văn là “soái” của ngành đồ hộp Việt Nam.

Những năm trước, khi còn khỏe, mỗi khi đọc Báo Thanh Niên thấy tin tức các mặt hàng hoa quả của nước ta bị ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn, bà Ngô Mỹ Văn, cán bộ hưu trí Vụ Kế hoạch - Bộ Ngoại thương (nay là Bộ Công thương), lại gọi điện cho tôi chia sẻ nỗi băn khoăn của bà. Bà luôn mong muốn Nhà nước quan tâm đến công nghệ đồ hộp mới để người nông dân VN không phải lâm vào cảnh được mùa mất giá. Cuộc đời bà đã cống hiến nhiều cho lĩnh vực đặc biệt này.

Bà Ngô Mỹ Văn

Khải Mông

Là người Hà Nội gốc nhưng bà Mỹ Văn sinh ra ở Viêng Chăn (Lào) năm 1930 (Canh Ngọ). Đây là nơi cha bà, dược sĩ Ngô Đình Chương làm việc. Ít năm sau, cha bà về nước, mở hiệu thuốc Tây ở phố Hàng Nón, Hà Nội. Những năm tháng sau này, Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội hoạt động bí mật trong các trường. Hoạt động hăng hái, lại là đảng viên từ sớm nên bà Mỹ Văn được cử phụ trách học sinh kháng chiến trường Trương Vương.

Phong trào học sinh phát triển mạnh nên chính quyền tăng cường khủng bố. Nhất là sau phong trào Trần Văn Ơn, ở Hà Nội nhiều học sinh kháng chiến bị địch bắt. Ngô Mỹ Văn cùng đoàn học sinh kháng chiến trường Trưng Vương lên đấu tranh với Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí yêu cầu hãy thả hết những học sinh bị bắt. Thủ hiến chấp nhận yêu sách của học sinh kháng chiến và từ đó cô học trò Mỹ Văn cùng nhiều học sinh kháng chiến bị theo dõi gắt gao. Để đảm bảo an toàn, cô được tổ chức đồng ý cho sang Pháp học, tham gia sinh hoạt trong chi bộ Đảng Cộng sản Pháp và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp do các ông Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Võ Văn Lạc, Lê Viết Hường, Trần Thanh Xuân… lãnh đạo.

Bà Mỹ Văn tốt nghiệp ngành hóa chất cũng là khi tin chiến thắng Điện Biên Phủ gây chấn động nước Pháp. Hà Nội giải phóng. Năm 1955, đoàn trí thức Việt kiều từ Pháp về xây dựng đất nước. Trong đoàn là những nhà khoa học trẻ về sau đều là những nhà chuyên môn giỏi như kỹ sư đóng tàu Lê Bảo, đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam, nhà tâm lý học Nguyễn Thị Nhất, bác sĩ Võ Thế Quang, kỹ sư sinh học Nguyễn Thị Hội… Lúc đó ngành hóa chất của ta chưa cần nhiều cán bộ nên bà Mỹ Văn được phân công về Bộ Ngoại thương.

Khi nhớ lại một chút công sức đóng góp cho ngành, từ một trí thức học hành cơ bản ở Pháp về nước, bà Ngô Mỹ Văn luôn nhắc đến sự giúp đỡ hết mình của thế hệ những kỹ sư lớp đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội, kỹ sư Quách Hoán, kỹ sư Quách Đĩnh, GS-TS Hoàng Thủy Nguyên. Lãnh đạo Bộ Ngoại thương ngày đó đã hết lòng ủng hộ bà, ủng hộ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trong cuốn Kỹ thuật sản xuất đồ hộp, rau quả (NXB Thanh niên, 2000) gồm 3 tác giả Nguyễn Văn Tiếp, Quách Đĩnh, Ngô Mỹ Văn, nội dung hướng dẫn chi tiết các quá trình cơ bản trong sản xuất đồ hộp; quy trình chế biến đồ hộp rau quả (đồ hộp quả nước đường; đồ hộp nước quả dứa, chanh, cam, chuối; đồ hộp mứt quả: mứt ổi đông, mứt dứa nhuyễn, mứt chuối nhuyễn, mứt xoài nhuyễn, mứt cam nhuyễn đặc, mứt chanh khô); đồ hộp rau tự nhiên (súp lơ, cà rốt, đậu cô ve); đồ hộp nước cà chua, đồ hộp nước cà rốt… Cầm sách trên tay, bà Mỹ Văn nhớ lại: “Tôi được phân công phụ trách một nhà máy đồ hộp. Ban đầu, tôi còn chưa biết đồ hộp hoa quả như thế nào dù ở Pháp nhiều năm. May quá, tôi vào thư viện, có cuốn sách Kỹ thuật làm đồ hộp dứa của Nhật Bản bằng tiếng Pháp”.

Miền Bắc đang trong quá trình xây dựng đất nước sau 9 năm chống Pháp, CHDC Đức viện trợ đưa kỹ thuật vào để xây dựng nhà máy cá ở gần bến phà Bạch Đằng (Hà Nội). Khi nhà máy cá làm xong đâu đấy rồi thì không có cá để vào hộp. Nhà máy đành để không. Cùng lúc đó, hai nhà máy chế biến hoa quả được xây dựng ở Nghệ An và Việt Trì (Phú Thọ) đã khánh thành nhưng lại không có hoa quả để sản xuất. Bà Mỹ Văn lên Việt Trì, đạp xe rong ruổi khắp vùng, bà phát hiện nơi đây trồng rất nhiều dứa. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu: Phải trồng cây đã rồi mới có đồ hộp hoa quả. Quanh Việt Trì hoàn toàn có thể xây dựng nông trường cây ăn quả làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy. Bà mạnh dạn đề nghị bỏ nhà máy cá hộp của Đức đi, thay thế bằng nhà máy chế biến hoa quả. “Đầu tiên, tôi đi từ quả chuối khô, để tạo ra sản phẩm chuối sấy”, bà Mỹ Văn nhớ lại.

Lô hàng xuất khẩu đầu tiên đến với khách hàng dễ tính nhất là Mông Cổ. Tiếp đó, bà thực hiện kỹ thuật đóng hộp miếng dứa và nước dứa. Khi đụng tới vấn đề kỹ thuật là thanh trùng, bà liên hệ tiến sĩ Hoàng Thủy Nguyên hỗ trợ.

(còn tiếp)

Phấn son tô điểm sơn hà

Dược sĩ Đỗ Thị Thao - chẳng cần đổi phận làm trai

Bà “tổng đốc” tại Đại hội Quốc dân Tân Trào

Thành viên nữ đầu tiên trong Chính phủ

Hoàng Hương Bình - Chủ bút nhật báo Quốc hội

Nhà báo Như Quỳnh và báo 'Tiếng gọi phụ nữ'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.