Phẫn uất với vua Gia Long, trung quân Nguyễn Văn Thành tự tìm đến… thuốc độc

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/10/2021 12:40 GMT+7

Không hài lòng với cách hành xử của vua Gia Long, trung quân Nguyễn Văn Thành – người được cho là có nhiều dị biệt đã tìm đến… thuốc độc tự tử. Câu chuyện khá rõ trong bộ Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Xung quanh vụ án Nguyễn Văn Thành dưới triều vua Gia Long, tác phẩm mới Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn của tác giả Lê Nguyễn, (do Dtbooks và NXB Hồng Đức) ấn hành kể lại: “Năm 1814, khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu (mẹ của Hoàng thái tử Cảnh - con trai của Nguyễn Ánh) băng hà, nên để chọn người chủ tế trong lễ tang, vua Gia Long đã không tự quyết đoán (mặc dù ông có toàn quyền làm thế), mà ông đưa vấn đề ra để lấy ý kiến quần thần. Trong buổi đình nghị, trung quân Nguyễn Văn Thành có đề nghị chọn con Đông cung Cảnh (đã qua đời năm 1801) làm chủ tế vì đây là dòng chánh, và theo lẽ “đích tôn thừa trọng”. Khi cân nhắc và quyết định, nhà vua đã không nghe theo đề nghị của ông Thành, vì lẽ dù Hoàng tử Đảm (sau là vua Minh Mạng) là con dòng thứ, song đã được bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu nhận làm con nuôi”.

Vua Gia Long

T.L

Trong sử xưa có chép, sau chuyện chọn người chủ tế lễ tang vào năm 1814, Nguyễn Văn Thành vẫn giữ nguyên ý định chọn Hoàng tôn Đán, con trai Hoàng thái tử Cảnh, tức cháu đích tôn của vua Gia Long, làm người kế vị vua Gia Long, trong khi nhà vua vẫn giữ lấy quyết định của mình là chọn Hoàng tử Đảm. Theo tác giả Lê Nguyễn: “Vào thời điểm này, vấn đề trở nên phức tạp, vì có sự đan xen giữa vụ án Nguyễn Văn Thuyên, con Trung quân Nguyễn Văn Thành, với việc chọn người kế vị. Và đây cũng chính là tâm điểm của vấn đề. Biết được sự bất như ý của cha, đầu năm 1816, con Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên sinh lòng bất mãn thay cha, khi tiếp môn khách là Nguyễn Trương Hiệu, đã nhờ Hiệu chuyển cho hai người khác một bài thơ mà hai câu cuối được qui là có ý bội nghịch: “…Thử hồi nhược đắc sơn trung tể/Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky” (Sơn tể phen này dù gặp gỡ/Giúp nhau xoay đổi hội cơ này). Vụ việc vô cùng… căng khi Hiệu đem sự tình báo với Thiêm sự bộ Hình Nguyễn Hựu Nghi. Hay tin, Nghi sai Hiệu đem thơ cáo với Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành vừa được gọi về triều để ông Duyệt dâng lên nhà vua. Tuy nhiên, vua Gia Long vẫn bình thản trước điều bất ngờ này, “… vua cho rằng sự trạng chưa được rõ rệt, hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về” (Đại Nam thực lục – tập 1).

Cho đến tháng 3 ÂL năm 1816, vua Gia Long cho sai Thượng thư Trịnh Hoài Đức viết chỉ dụ lập Hoàng tử Đảm làm Thái tử rồi đưa cho quần thần xem, ai đồng ý thì ký tên vào (Sđd trang 920). Đến đây thì gần như mọi người đều ký tên vào. Riêng chỉ dụ lại không đến tay Nguyễn Văn Thành được vì ông không còn được vào chầu nữa.

Mộ Tả quân Lê Văn Duyệt (tại Q.Bình Thạnh TP.HCM

Quỳnh Trân

Tranh vẽ Nguyễn Ánh giao Nguyễn Phúc Cảnh cho Bá Đa Lộc lên đường sang Pháp (năm 1783)

Ảnh: T.L

Tiếp đó, tháng 4 ÂL 1816 triều thần đem vụ Nguyễn Văn Thuyên ra xét và xin hạ ngục Nguyễn Văn Thành nhưng vua Gia Long không đồng ý, chỉ thu ấn Trung quân rồi cho ông về nhà riêng. Tuy nhiên, dựa vào lời khai của Lê Duy Hoán, con cháu nhà Lê cũ đề nghị trị tội Nguyễn Văn Thành cho nên vào tháng 5 ÂL 1817, tức hơn một năm sau vua Gia Long mới xuôi theo, ra lệnh bắt giam Thành. Nhận thấy dường như cả triều đình đều chống lại mình, trung quân Nguyễn Văn Thành quá phẫn uất nên về nhà uống thuốc độc chết (Sđd trang 949).

Tuy nhiên, sau đó có một số ý kiến thông qua câu chuyện này để suy diễn, cho rằng vua Gia Long lợi dụng vụ án Nguyễn Văn Thuyên để trừ khử trung quân Nguyễn Văn Thành do ông Thành dám “phản đối” việc lập Hoàng tử Đảm làm Thái tử trước đây. Thực hư những hoài nghi này ra sao? (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.