Phản ứng của Mỹ và NATO trước vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

16/07/2016 08:57 GMT+7

Một số lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15.7 đã tiến hành cuộc đảo chính. Mỹ và NATO hành động như thế nào để bảo vệ đồng minh của mình?

Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952 và vẫn là thành viên của khối dù từng trải qua các cuộc đảo chính quân sự và bất ổn trước đây, theo AP ngày 15.7. Các nước thành viên NATO được bảo vệ theo Điều 5, trong đó một cuộc tấn công vũ trang nhắm vào một hoặc vài nước cũng được coi là cuộc tấn công nhắm vào toàn khối. Và nếu một cuộc tấn công như vậy xảy ra, các nước trong khối sẽ ra tay hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo AP, điều đó không đồng nghĩa các nước thành viên NATO bắt buộc phải đáp trả hay can thiệp vào cuộc đảo chính. Theo tiến sĩ Michael Werz, chuyên nghiên cứu các vấn đề an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, thuộc Trung tâm vì sự phát triển nước Mỹ, NATO sẽ không can thiệp vào các công việc nội bộ của Thổ Nhĩ Kỳ. “Đó là một tổ chức được xây dựng nhằm bảo vệ các thành viên chống lại sự xâm lược của những kẻ thù bên ngoài lãnh thổ quốc gia”, ông Werz giải thích.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đăng tải trên Twitter rằng đã trao đổi với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không nói rõ NATO sẽ tiến hành những hành động nào. “Tôi đã khuyên nên bình tĩnh, kiềm chế và tôn trọng đầy đủ thể chế dân chủ và hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Stoltenberg viết.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi tình hình bất ổn này và nhấn mạnh sự ủng hộ tuyệt đối của Mỹ đối với chính quyền dân sự được bầu cử một cách dân chủ và thể chế dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có quân đội lớn thứ hai trong NATO, đồng thời là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Lầu Năm Góc thông báo các hoạt động chống IS của Mỹ tại căn cứ không quân ở Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ) không bị cuộc đảo chính ảnh hưởng. Hiện có hơn 1.500 lính Mỹ tại căn cứ này, theo CBS News.
Tổng thống Recep Erdogan được bầu vào năm 2014 và là tổng thống được bầu cử trực tiếp đầu tiên của Thổ Nhì Kỳ. Trước đó, ông Erdogan giữ chức Thủ tướng trong 3 nhiệm kỳ.
Theo tiến sĩ Werz, người Mỹ buộc phải bảo vệ cho chính quyền dân bầu ở Thổ Nhĩ Kỳ và điều đó đưa Mỹ vào thế tiến thoái lưỡng nan. “Chính quyền Mỹ sẽ phải bảo vệ cho chính quyền được bầu ra ở Thổ Nhĩ Kỳ dù biết rằng quân đội có thể dựa vào sự hỗ trợ của người dân Thổ Nhĩ Kỳ, những người đã mệt mỏi với một tổng thống ngày càng độc đoán và với các cuộc tấn công khủng bố cứ liên tục tiếp diễn trên đất nước”.
Mỹ và NATO chưa đưa ra hành động cụ thể nào sau nỗ lực đảo chính của quân đội tại Thổ Nhĩ Kỳ Reuters
Ông Werz cũng nhấn mạnh rằng mối quan hệ giữa ông Erdogan và chính quyền Mỹ đã căng thẳng và càng ngày càng mất lòng tin. Ông Werz nói chỉ có vài người trong chính quyền Mỹ sẵn sàng ban ân huệ cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
The Guardian dẫn lời Mohamad (30 tuổi), nhân viên văn phòng làm việc tại thành phố Istanbul, một trong những nơi đang diễn ra cuộc đảo chính, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thụt lùi trong vài năm qua dưới quyền ông Erdogan và quân đội đã tiến hành khôi phục lại cân bằng, vài trò truyền thống của quân đội.
Trong khi đó, nhiều người dân phản đối hành động của quân đội tiến về phía trung tâm quảng trường Taksim, hô to “quân đội cút đi” và “nói không với đảo chính”. Najdat (50 tuổi), một công chức tại Istanbul nói: “Tôi không ủng hộ Erdogan nhưng cũng không muốn quân đội lấy đi sự dân chủ. Chúng tôi đã từng thấy cảnh này trước đây và chúng tôi phải chờ đợi nền dân chủ trong 30 năm”.
Tổng thống Erdogan cũng đã đáp máy bay xuống sân bay Ataturk ở Istanbul sáng sớm 16.7, tuyên bố trước đám đông rằng cuộc nổi dậy này đi ngược lại với tình đoàn kết và thống nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nhấn mạnh không có quyền lực nào đứng trên ý chí của dân tộc. Ông Erdogan cũng kêu gọi người dân tràn xuống đường phố và các quảng trường lớn để bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.