Phản ứng trái chiều sau khi Israel giết thủ lĩnh Hezbollah

Khánh An
Khánh An
29/09/2024 07:01 GMT+7

Mỹ cho rằng Israel có thể sắp đưa quân sang Li Băng, trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng việc giết thủ lĩnh Hezbollah là một trong những mục tiêu.

Phản ứng trái chiều sau khi Israel giết thủ lĩnh Hezbollah- Ảnh 1.

Ông Netanyahu phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 27.9, vài phút trước khi Israel tập kích thủ đô Beirut của Li Băng khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng

ẢNH: REUTERS

Hãng AFP ngày 29.9 dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đưa ra phát biểu đầu tiên sau vụ tập kích tại thủ đô Beirut của Li Băng khiến thủ lĩnh Hassan Nasrallah của lực lượng Hezbollah thiệt mạng.

"Chúng tôi đã tính sổ với kẻ chịu trách nhiệm về vụ giết hại vô số người Israel và nhiều công dân của các quốc gia khác, bao gồm hàng trăm người Mỹ và hàng chục người Pháp", ông phát biểu trong một thông cáo đưa ra hôm 28.9.

Hezbollah xác nhận thủ lĩnh Nasrallah đã chết, tuyên bố rắn với Israel

Nhà lãnh đạo ám chỉ vụ đánh bom năm 1983 ở Beirut giết chết 63 người tại Đại sứ quán Mỹ, bên cạnh 241 lính thủy đánh bộ Mỹ cùng 58 lính dù Pháp tại các doanh trại của họ.

Thủ tướng Netanyahu nói "miễn là Nasrallah còn sống, ông ta "sẽ nhanh chóng khôi phục lại những năng lực mà chúng ta đã làm xói mòn từ Hezbollah" qua một loạt hoạt động gần đây".

"Vì vậy, tôi đã ra lệnh, và Nasrallah không còn ở bên chúng ta nữa", ông phát biểu và cho rằng Israel đang ở cạnh "điều dường như là bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống lại kẻ thù".

Ông nói rằng vụ tập kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng hôm 27.9 là điều kiện cần thiết để đạt các mục tiêu đặt ra, trong đó có việc đưa người dân trở lại miền bắc Israel một cách an toàn và sự thay đổi dài hạn về cân bằng lực lượng trong khu vực.

Phản ứng trái chiều sau khi Israel giết thủ lĩnh Hezbollah- Ảnh 2.

Lực lượng Israel tại miền bắc nước này hôm 27.9

ẢNH: AFP

Ngoài ra, ông tuyên bố sẽ giúp tăng tốc việc đưa các con tin do Hamas giam giữ tại Gaza trở về, với cơ hội gia tăng khi Hamas thấy rằng Hezbollah không còn hỗ trợ nữa.

"Chúng ta đang chiến thắng. Chúng ta quyết tiếp tục tấn công các kẻ thù, đưa người dân chúng ta về nhà và đưa các con tin trở về", theo nhà lãnh đạo.

Trong khi đó, Đài CNN dẫn lời giới chức Mỹ nhận định rằng Israel có khả năng đưa quân sang Li Băng một cách có giới hạn, khi lực lượng nước này di chuyển về khu vực biên giới phía bắc.

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh Israel dường như chưa đưa ra quyết định về việc tiến quân qua bên kia biên giới.

Bộ Y tế Li Băng ngày 28.9 cho hay các cuộc tập kích của Israel trong ngày đã khiến 33 người thiệt mạng và 195 người bị thương. Giới chức Li Băng cho hay khoảng 1 triệu người tại nước này phải rời bỏ nhà cửa do Israel tập kích từ hôm 23.9.

Điểm xung đột: Israel ném bom tấn triệt hạ thủ lĩnh, Hezbollah có còn trụ vững?

Phản ứng của các nước

Theo AFP, vụ Israel tập kích khiến thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng đã dẫn đến nhiều phản ứng trái chiều từ các nước, trong đó có một số bên lo ngại xung đột leo thang hơn nữa.

Iran kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp sau vụ thủ lĩnh Hezbollah thiệt mạng. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố 5 ngày quốc tang.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông "vô cùng quan ngại trước tình hình leo thang đáng kể ở Beirut".

Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden gọi cái chết của ông Nasrallah là "một biện pháp công lý cho nhiều nạn nhân của ông ta, bao gồm hàng ngàn người Mỹ, Israel và Li Băng".

Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố ủng hộ quyền tự vệ của Israel chống lại "các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn" và thế trận phòng vệ của lực lượng Mỹ trong khu vực sẽ được tăng cường hơn nữa.

Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với "quyền tự vệ của Israel chống lại Iran và các nhóm khủng bố do Iran hậu thuẫn như Hezbollah, Hamas và Houthi".

Bộ Ngoại giao Nga cho biết "chúng tôi kiên quyết lên án vụ ám sát chính trị mới nhất do Israel tiến hành", đồng thời kêu gọi Israel "lập tức dừng hành động quân sự ở Li Băng". Theo bộ này, Israel phải hoàn toàn chịu trách nhiệm cho hậu quả bi thảm của việc giết chóc có thể mang đến khu vực.

Về phía Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho rằng vụ việc "đe dọa sự ổn định của toàn thể Li Băng" và điều đó không nằm trong lợi ích an ninh của Israel.

Ngoại trưởng Anh David Lammy cho hay ông đã điện đàm với lãnh đạo Li Băng và đồng ý về nhu cầu lập tức ngừng bắn để chấm dứt đổ máu. "Giải pháp ngoại giao là cách duy nhất để khôi phục an ninh và ổn định cho người dân Li Băng và Israel", ông nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot yêu cầu Israel "ngay lập tức ngừng các cuộc tập kích ở Li Băng" và phản đối bất kỳ hoạt động trên bộ nào ở nước này. Ngoài ra, Pháp kêu gọi các bên khác như Hezbollah và Iran tránh có hành động dẫn đến việc gây bất ổn và tàn phá khu vực hơn nữa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.