Phản ứng về việc chuyển đổi mô hình VPF

25/10/2011 00:11 GMT+7

Việc Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đột ngột chuyển đổi mô hình Công ty tổ chức giải đấu VPF (VJSC) từ cổ phần (CP) sang trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đã vấp phải phản ứng dữ dội của các ông bầu.

Việc Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đột ngột chuyển đổi mô hình Công ty tổ chức giải đấu VPF (VJSC) từ cổ phần (CP) sang trách nhiệm hữu hạn (TNHH) đã vấp phải phản ứng dữ dội của các ông bầu.

“Chỉ có CP mới sòng phẳng”!

Theo thông tin chúng tôi nhận được, không phải ngay từ đầu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra ý kiến muốn VPF được tồn tại dưới hình thức CP mà chính những người tham gia soạn thảo đề án của VFF đã chủ động đề xuất ý tưởng này. Hôm qua, khi chúng tôi hỏi ý kiến từ phía các CLB, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai đã ngỡ ngàng vì chưa hề biết thông tin này. Ông Đức hỏi ngay: “Sao VFF lại muốn chuyển sang TNHH. Chỉ có CP thì mọi việc mới sòng phẳng, sòng phẳng từ góp vốn, cho đến ăn chia, sòng phẳng từ trách nhiệm của VFF đến trách nhiệm của các đội bóng”.

 
Các ông bầu ngạc nhiên trước việc VFF dự định chuyển đổi mô hình VPF - Ảnh: Hoàng Anh 

Cũng theo bầu Đức: “Tôi chưa được thông báo từ VFF và mọi việc đã ủy quyền cho anh Kiên (Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội) làm việc cụ thể với VFF. Không phải ngẫu nhiên mà khi cùng ngồi với nhau để bàn về sự ra đời của VPF, chúng tôi lại đặt ra mô hình CP vì tính tiên tiến của nó. Không thể chuyển đổi sang TNHH được khi chưa có ý kiến chính thức của các CLB. Tại sao VFF lại nghĩ nếu chuyển thành TNHH thì sẽ tốt hơn, an toàn hơn. Hoàn toàn không phải như vậy. Chỉ có CP, doanh nghiệp mới thu hút được nguồn lực của xã hội, vì như tôi đã nói, VPF còn nên là công ty của công chúng”.

Ông Lê Tiến Anh - Chủ tịch CLB Khánh Hòa, tỏ ra khá bức xúc: “Tôi cũng không được VFF thông báo mà chỉ biết được thông tin qua báo chí. Chúng tôi đã suy tính rất kỹ, rất chín chắn và dày công nghiên cứu trước khi đưa ra phương án công ty CP với những số liệu khoa học. Công ty CP VPF có lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, ở đó có đội lên, xuống hạng, có đội nghỉ chơi nhưng cũng có đội nghỉ rồi xin đá lại. Như vậy có sự thay đổi và chỉ có CP mới thích hợp. Trong khi theo Luật Doanh nghiệp, loại hình công ty TNHH sẽ không được tăng giảm số vốn, mà chỉ “chằn chặn” khoản vốn pháp định ban đầu. Nếu chuyển sang loại hình công ty này, VFF đã tự bó buộc mình bởi muốn tăng vốn cũng không được mà muốn giảm vốn cũng không xong, và đặc biệt là, không phát huy được nhiều nguồn lực xã hội vì thiếu gì doanh nghiệp, cá nhân muốn đóng góp cổ phần. Hội CĐV của các CLB cũng có quyền mua cổ phần cơ mà”.

Nếu chuyển thành TNHH thì chỉ... “cải lùi”

Ông Tiến Anh cho rằng sẽ là suy nghĩ rất thiển cận nếu VFF sợ nảy sinh ra lợi ích nhóm giữa các ông bầu, đi ngược lại tiêu chí hoạt động của công ty. Ông Tiến Anh phân tích:“Khi góp vốn, mỗi CLB chỉ được mua 2,5%. Dù ông “tài phiệt” nào có nhảy vào đi chăng nữa cũng chỉ được mua từng đó theo đúng quy định. Sao phải sợ miếng bánh quá màu mỡ thì các CLB sẽ hưởng hết. Đại hội cổ đông, trong đó VFF vẫn cầm trịch sẽ quyết định phần ăn chia lợi nhuận như thế nào chứ không phải các ông bầu. Ở công ty CP, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) làm việc theo tập thể mà HĐQT của VPF dự kiến có tới 9 thành viên. Còn TNHH, chủ tịch công ty quyết hết. Nếu như vậy, thà rằng cứ để VFF điều hành giải như trước chứ đổi mới làm gì? Nếu VFF muốn chuyển đổi sang thành công ty TNHH thì đây là sự “cải lùi” chứ cải tiến nỗi gì?”.

Cũng rất ngạc nhiên khi bản thân người trực tiếp làm việc với VFF về đề án là bầu Kiên, cũng chưa được biết về sự tự ý chuyển đổi mô hình. Ông Kiên hoàn toàn không đồng ý với quan điểm cho rằng, nếu là TNHH thì công ty tổ chức giải đấu sẽ ít rủi ro hơn bởi hai loại hình công ty đều có mức độ rủi ro ngang nhau và nếu điều hành không chặt thì mô hình công ty nào cũng dễ dẫn đến phá sản! 

Chúng tôi đã liên lạc với ông Phạm Ngọc Viễn, người chấp bút chính bản đề án nhưng ông Viễn không nghe máy. Còn ý kiến của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ là: “Các ông bầu có tiếng nói quan trọng trong việc thay đổi mô hình công ty. Nếu VFF và đại diện các CLB cũng như cơ quan quản lý nhà nước đạt được sự đồng thuận về cách thức thành lập công ty thì dù đó là TNHH hay CP, chúng tôi đều làm”.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.