Phản ứng xung quanh thông tin về vụ Bùi Minh Trí

04/01/2007 23:57 GMT+7

(Nhân đọc bài Từ kết quả điều tra vụ Bùi Minh Trí tấn công website Bộ GD-ĐT..., TN 3.1.2007) Công luận cần được thông tin chính xác! Ngày nay quả là ai cũng có khả năng tự do phát ngôn, nhất là thông qua các diễn đàn điện tử. Chính những phát ngôn đó đôi khi đã tác động (tích cực hoặc tiêu cực) đến các phán quyết của những nhà lãnh đạo. Thực tế, có nhiều lĩnh vực mà chỉ những người trong ngành mới có thể hiểu được tường tận vấn đề.

Chẳng hạn như vụ phá website của Bộ GD-ĐT. Đáng lý ra việc không có gì ầm ĩ. Nhưng không hiểu sao một số cá nhân lại xem việc phá hoại này như một việc "vĩ đại"! Tôi không hiểu nổi giá trị giáo dục của cái việc làm đó như thế nào nữa!

Cũng là một người làm việc trong lĩnh vực CNTT và giáo dục, tôi rất đồng tình với những nhận xét của ông Nguyễn Tử Quảng. Giả sử rằng em Trí là người có thực tài, chúng ta cũng không vì thế mà tâng bốc và bỏ qua việc này. Như thế chẳng khác nào giáo dục để người tài ấy mang theo cái tâm không tốt khi lớn lên. Tâm không ngay mà lại có tài thì quả là nguy cho xã hội.

Mấy dòng nói trên không vì ghét bỏ Trí, chẳng qua góp phần làm rõ quan điểm xử lý vấn đề. Nhưng hơn hết, công luận cần được thông tin chính xác để nâng cao ý thức của nhiều người (trong đó có những người như em Trí) như thế nào là "tội phạm tin học".

Tran Luc  (TP.HCM)



Sau khi hack trang web của Bộ GD-ĐT, Bùi Minh Trí viết trên diễn đàn Edu.net.vn dưới cái tên GuanYu: “... anh chẳng hiểu gì về tôi hoặc về quá trình moet bị  “thịt”. Vậy xin anh đừng phát biểu lung tung như vậy...” (Tài liệu do ông Nguyễn Tử Quảng cung cấp)

Tôi tự thấy xấu hổ

Đọc bài viết của anh Quảng, tự nhiên tôi cảm thấy xấu hổ cho chính mình vì đã có những ý kiến chưa đúng khi lên diễn đàn tranh luận về vụ em Trí tấn công website của Bộ GD-ĐT. Việc xử phạt em Trí như Sở BCVT Vĩnh Long là thỏa đáng, mong em hãy tự suy nghĩ để chấn chỉnh lại hành động của mình.

nguyenhuuphuoc

Phá "giỏi" không đồng nghĩa với có tài   

Ông Quảng viết rất hay. Một kẻ thành thạo trong việc tấn công website không có nghĩa là đủ khả năng để xây dựng những website như vậy. Nếu am hiểu về thế giới ngầm hacker, bạn sẽ thấy rõ điều này. Có nhiều hacker phá rất "giỏi" nhưng thậm chí không thể viết được một phần mềm đúng nghĩa.

Huythuan…@yahoo.com

Tôi tin vào báo cáo của ông Quảng

Là một người có chức trách trong việc điều hành mạng lưới vi tính trong một tập đoàn lớn, tôi có thể khẳng định niềm tin vào bản báo cáo của ông Nguyễn Tử Quảng.

Đã đến lúc các nhà làm luật xem xét hình phạt có tính răn đe với những trò nghịch ngợm dẫn đến phá hoại và những hành động chủ ý phá hoại nhằm trục lợi trên mạng. Hiện nay, các doanh nghiệp VN đang phát triển mạnh và website là một công cụ kinh doanh hữu hiệu.

Nếu Bùi Minh Trí và những thanh niên như Trí không được cảnh cáo đúng mức, sẽ xảy ra những tình huống dở khóc dở cười khi thông tin bị sửa đổi có dụng ý, thiệt hại cho doanh nghiệp và xã hội chưa thể lường hết.

H.V.H

Báo chí cần tỉnh táo

Một số bài báo thời gian qua đã làm nhiều chuyện buồn cười: Cổ súy cho một em học sinh không thuộc bài viết văn phê phán nền giáo dục nước nhà, giờ lại cổ súy cho một hành động phá hoại! Việc một vài cơ quan báo chí thổi phồng quá đáng một hành động phá phách đang gây ra những tiền lệ xấu!

Không thể tha thứ cho hành động vừa ăn cắp vừa la làng, lại càng không thể cổ súy cho hành động đó. Cá nhân tôi đã từng gặp kiểu bảo kê mạng, sau khi hack website của tôi, "tên tội phạm" đã ngang nhiên để lại lời cảnh báo và gửi e-mail, rồi liên lạc qua điện thoại, ngỏ ý sẽ giúp tôi cải thiện phần an ninh và chống xâm nhập với mức giá "dịch vụ" trên trời, kèm theo rất nhiều lời đe dọa.

Tôi sợ rằng trong thế hệ trẻ, những người như em Trí rất nhiều. Nếu không nghiêm túc với họ, đến lúc họ phát triển thành thứ cỏ gây hại thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Báo chí cần phải tỉnh táo!

Võ Anh Tuấn (TP.HCM)

Cảm ơn Báo Thanh Niên

Trước hết xin cảm ơn Báo Thanh Niên đã thông tin kịp thời về trường hợp em Bùi Minh Trí. Là một du học sinh tại nước ngoài, tôi thấy xấu hổ cho những ai đã có ý định góp tiền để đóng phạt thay cho Trí, hoặc định góp tiền cho một cậu học sinh với đạo đức như vậy đi du học.

Lạ là có nhiều người lại ca ngợi em Trí. Thậm chí manager của một công ty cung cấp dịch vụ internet cũng... "cám ơn em Trí!". Càng buồn cười hơn khi có một tờ báo lớn trong thời gian vừa qua đã liên tục đăng nhiều bài đứng hẳn về phía Trí, cho rằng Trí có tài.

Qua những nội dung mà Trí để lại trên các diễn đàn hacker, tôi thấy em Trí hoàn toàn không có ý phục thiện. Thay vào đó là tâm lý của một kẻ hiếu thắng và hợm hĩnh. Tôi xin miễn bình luận về cách dùng từ "Website MOET bị thịt" của Trí... Tôi thấm thía đoạn kết mà ông Nguyễn Tử Quảng đã viết: "Với tư cách là những người gắn bó với công việc bảo vệ an ninh mạng tại Việt Nam, chứng kiến những sự kiện vừa qua, chúng tôi thấy rằng cần phải lên tiếng. Chúng tôi tha thiết đề nghị cộng đồng có những nhìn nhận và đánh giá sáng suốt để đảm bảo rằng luật pháp được thực thi nghiêm minh".

 Lê Hoài An (Lưu học sinh tại Hàn Quốc)

Cần chung tay chống hacker

Tôi cũng là người quản trị mạng tại một ngân hàng và tán thành bài phân tích của ông Nguyễn Tử Quảng. Từ hôm Bùi Minh Trí tấn công website của Bộ GD-ĐT, những anh em quản trị mạng chúng tôi cũng có nhiều tranh luận, nhưng tựu trung vẫn kết luận rằng phải rút ra bài học từ vụ này, bởi hacker không dễ dừng lại ở ranh giới giữa "trắng" và "đen". Nếu có thiện chí, Trí đã không thể hành động như vậy. Do đó, không thể dung thứ cho hacker dù ở bất cứ hình thức nào!

Mặt khác, chúng tôi cho rằng, nhà trường cũng phải có trách nhiệm trong việc những học sinh của mình không nhận ra những hành vi của mình là phạm pháp.

Nguyễn Bắc Dũng  (NHNN, ĐT: 091770...)

Nên nhìn lại cách đưa thông tin

Việc tấn công các trang web trong thời gian gần đây ngày một gia tăng và tôi nghĩ cần được xử lý nghiêm khắc. Độc giả trên toàn quốc theo dõi thông tin qua báo và internet, phản ứng của họ hoàn toàn dựa trên các thông tin này. Việc Trí hack trang web của Bộ GD-ĐT cũng không có gì đặc biệt. Điều "đặc biệt" ở đây chỉ là ở cách phát biểu của các quan chức của Bộ GD-ĐT và cách các nhà báo đưa tin...

Một người vi phạm pháp luật đã trở nên nổi tiếng và người bị phá hoại hành xử không đúng, đã trở thành mục tiêu của dư luận. Qua sự việc này tôi mong rằng không chỉ các quan chức Bộ Giáo dục hành xử đúng mức mà các nhà báo cũng cần thông tin sát thực hơn.

Nguyễn Quốc Bảo (Vũng Tàu)

Không nên đánh lạc hướng dư luận

Tôi là du học sinh đã theo dõi rất nhiều những bài báo, ý kiến từ nhiều chiều xung quanh việc Bùi Minh Trí đã có những hành động "hack" trang chủ của Bộ Giáo dục.

Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của một chuyên gia quản trị an ninh mạng như anh Quảng.

Vấn đề ở đây chính là sự thổi phồng và cường điệu quá đáng của một số tờ báo. Dĩ nhiên, bảo vệ một học sinh có tương lai là cần thiết, nhưng không phải làm sai lệch bản chất sự việc đến như vậy. Thông tin của báo chí phải phản ánh trung thực, khách quan, chứ không rơi vào tình trạng "cảm tính" đánh lạc hướng dư luận như vừa qua của một số báo. Báo chí có sức mạnh ở chỗ nó có thể truyền đạt thông tin theo hướng của người viết và thông tin đó định hướng suy nghĩ cả cộng đồng. Do đó, thiết nghĩ người làm báo phải cẩn trọng.

Trong trường hợp này, sau khi có những kết luận chính thức của người có trách nhiệm, những báo đã viết sai lệch bản chất sự việc cần phải cải chính.

Có thể Báo Thanh Niên sẽ không đăng ý kiến của tôi, nhưng mong góp một ý "khách quan" cho sự việc này.

Vu Anh Khoa  (du học sinh tại Anh quốc)

Tôi nghĩ các anh chị nên giật mình...

Tôi rất tán thành bài viết của anh Tử Quảng, một bài viết mang nặng tính "sự kiện" và không quá áp đặt chủ kiến của người viết. Cá nhân tôi cho rằng Trí có tài (tài đến đâu thì còn phải xem xét kỹ), tuy nhiên Trí đang có nguy cơ cao trở thành một "giới đen" đúng nghĩa thay vì thành tài để báo hiếu cha mẹ và phát triển bản thân (ở đây, tôi cũng chưa đặt vấn đề giúp ích cho xã hội).

Về việc một số cá nhân muốn đóng phạt giùm hoặc tài trợ cho Trí, xin hãy đừng làm trong dịp này. Thay vì làm việc ấy, tôi nghĩ các anh chị nên giật mình mà nhìn lại con cháu mình xem có trường hợp nào như vậy không để có thể uốn nắn, giáo dục hoàn hảo hơn một chút.

Phan Nhật Minh 
 (159/37 Bạch Đằng, P.2, Q.Tân Bình, TP.HCM)

Các cơ quan truyền thông nên rút kinh nghiệm

Tôi rất tâm đắc với ý kiến của chuyên gia Nguyễn Tử Quảng về việc đánh giá chính xác hành động của HS Bùi Minh Trí. Từ sự việc này, theo tôi, báo chí và các cơ quan truyền thông nên rút kinh nghiệm nhiều hơn trong việc đưa tin và bình luận về mọi sự việc, nhất là khi sự việc đó cần phải có quá trình điều tra cẩn thận và có trách nhiệm. Nếu cổ vũ những "người có tài" như Trí thì đúng là hậu quả sẽ còn ghê gớm hơn nhiều so với những gì có được từ chút tài mọn đó (mà theo tôi là rất nhiều người có tài như vậy trong thời đại thông tin này).

Nguyễn Vũ Lê 
 (Học viện Báo chí và tuyên truyền - ĐT: 0983.322…)

Phải chấn chỉnh chứ không phải tâng bốc    

Tôi không thể hiểu nổi, tại sao chỉ qua một số thông tin (còn phải xem lại tính xác thực) trên các phương tiện thông tin đại chúng, mà nhiều người đã vội vã lăng-xê em Trí lên mây.

Học giỏi là một việc, còn ý thức đạo đức là một việc khác. Đôi khi hai việc này không đi đôi và không thống nhất với nhau ở một số người. Muốn gì thì muốn, xâm nhập vào trang web của một cơ quan nhà nước (và ngay cả của cá nhân) rồi làm bậy bạ ở đó là thiếu đạo đức và phạm pháp. Việc làm này cần được chấn chỉnh, chứ không phải tâng bốc lên như một số người đã làm.

Một ngày nào đó, nhà bạn khóa cửa không cẩn thận, có kẻ xâm nhập, và để cảnh báo, kẻ đó đập phá một số đồ đạc trong nhà, bạn có hoan nghênh kẻ đột nhập đó? Hãy bình tĩnh và có cái nhìn tỉnh táo, nhất là trong việc giáo dục giới tre.ã

Đỗ Mạnh Cường
(Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục chuyên nghiệp - Đại học Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.