'Pháo đài' Azovstal - tâm điểm những tối hậu thư của Nga

Khánh An
Khánh An
19/04/2022 22:34 GMT+7

Thành phố Mariupol có vị trí chiến lược, trong đó nhà máy thép Azovstal được xem là một pháo đài nhỏ với một thành phố ngầm bên dưới hiện có lực lượng Ukraine cố thủ.

Nhà máy thép sừng sững tại Mariupol vào ngày 28.3

reuters

Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19.4 liên tiếp ra các cảnh báo và tối hậu thư cho lực lượng Ukraine đang phòng thủ ở một nhà máy luyện kim tại Mariupol, thành phố cảng đang bị Nga bao vây dưới sức ép lớn suốt nhiều tuần qua.

Bộ Quốc phòng Nga đề nghị có biện pháp để những người dân thường rời khỏi nhà máy luyện kim Azovstal, nếu có. Trước đó cùng ngày, cơ quan này cho biết đã mở hành lang và kêu gọi lực lượng Ukraine bỏ vũ khí và rời đi an toàn.

Phát ngôn viên lực lượng vũ trang “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng Eduard Basurin nói binh sĩ DPR sẽ được không quân và pháo binh Nga yểm trợ để tiến vào nhà máy luyện kim Azovstal.

Xem nhanh: Ngày thứ 55, Nga bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch tại Ukraine

Ông Basurin khẳng định lực lượng DPR đã kiểm soát toàn bộ các khu vực dân cư tại thành phố miền nam Mariupol, đồng thời kêu gọi binh sĩ Ukraine cố thủ trong nhà máy Azovstal đầu hàng.

Thành phố ngầm

Từ lâu trước khi trở thành chiến địa quan trọng, nhà máy này đóng vai trò nổi bật trong nền kinh tế Mariupol. Theo The Washington Post, Azovstal là một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất châu Âu, sản xuất hơn 4 triệu tấn thép thô hằng năm và giúp hàng chục ngàn người kiếm sống.

Giờ đây dưới chiến dịch của Nga, nhà máy không còn sản xuất nữa mà cùng với mạng lưới các đường hầm ngầm trở thành nơi trú ẩn và cố thủ sau cùng của hàng ngàn thành viên lực lượng Ukraine, trong đó có nhiều người thuộc tiểu đoàn Azov, lực lượng bán quân sự có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu và bị cáo buộc mang tư tưởng tân phát xít, đã được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine.

Ảnh vệ tinh nhà máy luyện kim Azovstal ở Mariupol, Ukraine vào ngày 9.4

reuters

Hội đồng thành phố Mariupol hôm 18.4 cho hay còn có khoảng 1.000 dân thường đang trú ẩn dưới hệ thống ngầm tại nhà máy.

Azovstal được xây dựng dưới thời Liên Xô và xây dựng lại sau khi bị tàn phá vào thời điểm Đức Quốc xã xâm chiếm Mariupol từ năm 1941-1943. Nhà máy hiện có diện tích hơn 10 km2 và nằm ven biển.

Theo ông Yan Gagin thuộc lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở Donetsk, dưới thành phố này còn có một thành phố khác.

Ông cho rằng khu vực trên được thiết kế để chịu được bom đạn và phong tỏa, có một hệ thống liên lạc hỗ trợ lực lượng Ukraine, nên rất khó tấn công cả khi bên dưới có quân số ít hơn.

Vị trí chiến lược

Reuters dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Sergiy Zgurets của Ukraine cho rằng Nga đang sử dụng bom hạng nặng ở vùng Azovstal. Nga chưa bình luận thông tin này.

Chuyên gia Mariana Budjeryn tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề quốc tế Belfer thuộc Trường Harvard Kennedy (Mỹ) cho rằng tình hình ở Mariupol ngày càng vô vọng dựa trên những thông tin hiện có.

“Thành phố bị siết chặt vòng vây dần và khu vực do lực lượng Ukraine kiểm soát bị mắc kẹt. Có lẽ có lợi thế chiến thuật và an ninh cho lực lượng phòng thủ tại cơ sở công nghiệp lớn này. Nó giống một pháo đài nhỏ”, chuyên gia này nhận định.

Vì sao Mariupol là điểm nóng chiến sự?

Việc kiểm soát được nhà máy này sẽ là chiến thắng mà Nga đang rất mong muốn, khi đang tập trung vào phía đông Ukraine, do Mariupol có vị trí chiến lược vì nằm giữa bán đảo Crimea và vùng Donbass.

Hồi giữa tháng 3, CEO của Azovstal là ông Enver Tskitishvili nói rằng giao tranh khiến nhà máy đóng cửa lần đầu kể từ thời bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Ông cho rằng việc đóng cửa chỉ là tạm thời.

“Chúng tôi sẽ trở lại thành phố, xây dựng lại và hồi sinh nó. Nó sẽ hoạt động và mang vinh quang cho Ukraine như trước vì Mariupol là của Ukraine, Azovstal là của Ukraine”, ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.