|
Tự tin và... kín tiếng !
“Bộ não” của các công ty đại diện cho Canada, Pháp và Ý tranh tài lần này đều là những truyền nhân của dòng họ pháo hoa danh tiếng. Phần thi của đội Canada do đích thân ông David Whysall, Giám đốc Công ty pháo hoa David Whysall D.Whysall, thiết kế. Màn trình diễn của đội pháo hoa Jacques Couturier Organisation (JCO), Pháp do hai truyền nhân nhà Couturier là J.Couturier và D.Couturier biên soạn. Còn đội trưởng đội pháo hoa Ý là Antonio Parente (2 năm liên tiếp đến Việt Nam), truyền nhân đời thứ 5 của dòng họ pháo hoa Parente từ thế kỷ 19.
|
Là đội thi đấu đầu tiên trong đêm 29.4, ông David Whysall nói Canada có lợi thế bởi khán giả và ban giám khảo (BGK) sẽ được thưởng thức trọn vẹn màn trình diễn, còn các đội thi đấu sau thường bị khói bao phủ. Nhưng đội thi đấu đầu tiên sẽ bị áp lực khi thường bị BGK lấy làm thước đo để đánh giá các đội khác. Ngoài ra, Canada là đội duy nhất có 2 nữ pháo thủ xinh đẹp: Vanessa Belcastro, 25 tuổi, với 8 năm thâm niên trình diễn pháo hoa và Beth Whysall Fraser, 38 tuổi, sơ sơ đã có 14 năm kinh nghiệm “đấu pháo”.
Trong khi đó, đội Ý tự tin vào phần chuẩn bị phần kịch bản rất kỹ càng nên đến ngày 26.4 các thành viên đội này mới đến Việt Nam và họ chỉ có chưa đầy 48 giờ để hoàn thành lắp đặt gần 6.000 quả pháo vào ống phóng. Còn đội Trung Quốc, rút kinh nghiệm từ bài học Công ty pháo hoa Panda của Trung Quốc bị đội Ý giành mất chức vô địch vào DIFC 2011, năm nay Công ty pháo hoa Liuyang Dancing rất kiệm lời. Ngay cả khi cung cấp kịch bản cho ban tổ chức, đơn vị cũng không đề cập đến âm nhạc và chủng loại pháo sử dụng.
Kiểm soát nghiêm ngặt
Cảng Đà Nẵng, nơi lắp đặt cả chục tấn pháo hoa thắt chặt an ninh hơn mọi năm. Camera giám sát 24/24, hạn chế ra vào, tuyệt đối không sử dụng điện thoại di động, bật lửa. Tất cả tuân theo nguyên tắc chặt chẽ: các đội phải tính toán lượng pháo vừa đủ sử dụng trong ngày, không được để thừa và chỉ có nhân viên của Global 2000 mới được vận chuyển pháo bằng phương tiện chuyên dụng mang đến vị trí từng đội.
Từ 15.3 đến 20.4, Đoàn liên ngành TP.Đà Nẵng qua kiểm tra 196/270 khách sạn đã xử phạt 39 khách sạn số tiền 122 triệu đồng, nhưng lại không phát hiện khách sạn nào “chặt chém” giá phòng. Nguyên nhân là các khách sạn “chặt chém” tinh vi hơn như không ghi số tiền trên phiếu đặt cọc, hay không trả lời giá phòng khi khách hỏi qua điện thoại mà hẹn gọi lại sau… Do đó, đoàn liên ngành quyết định cử trinh sát nhập vai khách để kiểm tra, thu thập chứng cứ làm cơ sở xử lý.
Gây sốt ảo để hét giá Vài ngày trước cuộc thi pháo hoa, công suất phòng nghỉ và lượng vé xem pháo hoa trên khán đài còn khoảng 10%, không “cháy” như năm ngoái. Nguyên nhân là trước đó nhiều tháng, các hãng lữ hành đã thu gom phòng gây sốt ảo, nhưng gần đến ngày khai diễn thì trả lại phòng; “cò” vé cũng gom hết vé ở vị trí đẹp, bán chợ đen đắt hơn vài trăm ngàn đồng/vé, nhưng vé các khu vực xa còn rất nhiều. |
Nguyễn Tú - Vũ Phương Thảo
>> Pháo hoa đánh thức mọi giác quan
>> Nhà đất chờ pháo hoa
>> Các đội pháo hoa bật mí trước giờ "khai hỏa
>> Nhận diện đối thủ Cuộc thi pháo hoa quốc tế 2012
>> Hội ngộ bên sông Hàn
>> Cháy" phòng, "sốt" vé xem pháo hoa quốc tế
Bình luận (0)