Pháo sáng làm hỏng V-League

23/04/2019 09:01 GMT+7

Pháo sáng đã trở thành điểm nóng gây nhức nhối tại V-League mà điển hình là trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng ở vòng 6 cách đây 2 ngày, trong sự bất lực của ban tổ chức.

Pháo sáng đã trở thành điểm nóng gây nhức nhối tại V-League mà điển hình là trong trận đấu giữa Hà Nội và Hải Phòng ở vòng 6 cách đây 2 ngày, trong sự bất lực của ban tổ chức.

Khán giả Hải Phòng nói gì ?

Sự cổ vũ cuồng nhiệt và máu lửa khác với kiểu cổ vũ càn quấy và mang tính phá hoại. Khi xảy ra sự cố với pháo sáng thì vô cùng nguy hiểm
Nhà báo Đỗ Tuấn
Có khoảng hơn 50 quả pháo sáng được đốt trên khán đài sân Hàng Đẫy (Hà Nội) vào tối 21.4, nhiều gấp 10 lần so với trận đấu của chính Hà Nội gặp Hải Phòng (HP) lượt đi V-League mùa trước.
Chuyện cổ động viên (CĐV) đất cảng đem pháo sáng đến sân Hàng Đẫy đã có tiền lệ. Ở vòng 1 V-League 2018, trọng tài Ngô Duy Lân phải cho dừng trận đấu sớm vì nhóm khán giả quá khích đốt, ném pháo sáng xuống sân, khiến cầu thủ không thể thi đấu nổi. Còn tối 21.4, với số lượng pháo sáng nhiều “kỷ lục”, khán giả HP “phá nát” không gian trận đấu, “nhuộm đỏ” khu vực khán đài B, đẩy lực lượng an ninh, cứu hỏa vào thế bị động.
Suốt hơn 90 phút, ban tổ chức (BTC) sân bất lực dù gần chục quả pháo sáng được tung xuống dưới đường piste, suýt trúng vào một cậu bé nhặt bóng, thậm chí còn suýt rơi vào vị trí của thủ môn Văn Công. Không loa tuyên truyền, không tăng cường gấp rút đội ngũ cơ động để xử lý tình huống xấu phát sinh.
Phải rất khó khăn, chúng tôi mới thuyết phục được một khán giả HP có mặt ở sân Hàng Đẫy, kể lại: “Chúng tôi không bị kiểm soát quá chặt, dường như lực lượng an ninh không quá thiết tha với động thái ngăn chặn pháo sáng vào sân. Cầm trên tay mang vào còn được cơ mà. Nhưng số đó rất ít. Trên thực tế, những người muốn đốt pháo sáng sẽ tìm mọi cách để đưa pháo sáng vào sân mà không bị phát hiện. Đó là giấu vào vùng kín, bắp chân của CĐV nữ, giấu vào vật dụng cổ vũ, túi đựng kèn. Ở sân Lạch Tray (HP), bất kỳ người nào đốt pháo sẽ bị an ninh bắt ngay lập tức cùng với những án phạt đủ sức răn đe. Còn tại Hàng Đẫy, chúng tôi có nhận thấy sự thờ ờ của an ninh, chẳng khác nào tín hiệu bật đèn xanh cho CĐV HP là “cứ đốt pháo đi”.
Vị khán giả tên T.V này còn tiết lộ: “Pháo sáng ở HP rất dễ mua vì đây là mặt hàng phục vụ cứu hộ hàng hải. Có người ở HP nổi tiếng đốt pháo sáng đến nỗi được gắn biệt danh là H. “pháo”. Dù biết FIFA và AFC cấm đốt pháo sáng trong các trận đấu nhưng không ít người HP luôn tìm mọi cách cũng như tận dụng mọi cơ hội để đốt pháo sáng. Tại V-League, CĐV HP có thể nhịn đốt pháo ở sân nhà nhưng đi sân khách nhất định sẽ phải đốt và đốt nhiều nhất ở sân Hàng Đẫy”.
Pháo sáng mù mịt trên sân Hàng Đẫy Minh Hoàng
Nhà báo Đỗ Tuấn nêu quan điểm: “Sự cổ vũ cuồng nhiệt và máu lửa khác với kiểu cổ vũ càn quấy và mang tính phá hoại. Khi xảy ra sự cố với pháo sáng thì vô cùng nguy hiểm. Chỉ cần một mồi lửa bắt vào áo, vào cờ hoặc những thứ gì có thể phát cháy trên khán đài, lúc ấy thảm họa hoàn toàn có thể xảy ra. Đừng quên cách đây hơn 10 năm, cũng từ sự khiêu khích vì ăn mừng quá trớn (trong đó có pháo sáng) của một số CĐV đất cảng trên sân Vinh đã dẫn đến màn loạn đả ngay sau trận đấu giữa SLNA - Hải Phòng. Sau đó, 1 CĐV Nghệ An đã tử vong vì bị chính xe của CĐV HP đâm vào”.

Không dám kiểm soát khán giả nữ !

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá VN (VPF) Trần Anh Tú nói: “Trước khi trận đấu diễn ra, chúng tôi đã dự báo số khán giả đến sân Hàng Đẫy sẽ rất đông nên đã có công văn do Trưởng ban Điều hành Nguyễn Trọng Hoài ký gửi CLB Hà Nội, đề nghị BTC trận đấu sân Hàng Đẫy tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận chức năng, tập trung nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt khán giả, đặc biệt là khán giả đội khách. BTC sân cần chủ động làm việc với cơ quan an ninh địa phương, nhằm ứng phó với các tình huống phát sinh, tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh tại các khu vực cổng, lối vào sân để kiểm soát, xử lý, không để khán giả mang pháo sáng và đốt pháo sáng, gây mất an toàn. Thế nhưng BTC sân đã quản lý không xuể số pháo sáng được đốt trên khán đài. Chưa bao giờ số pháo sáng được đốt nhiều đến thế tại V-League”.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Quốc Hội (Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội, Trưởng BTC trận đấu sân Hàng Đẫy) là phải chăng, sân còn tỏ ra hời hợt, không đặt trách nhiệm cao trong trận đấu. Ông Hội phân trần: “Khổ cho chúng tôi quá, BTC họp lên họp xuống để bàn phương án đảm bảo an ninh trận đấu. Cơ quan công an cũng tăng cường thêm lực lượng rồi cả trung đoàn cảnh sát cơ động cũng vào cuộc. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức rồi, nhưng nhóm khán giả quá khích cứ phá hoại thì biết làm sao bây giờ. Chắc phải có phương pháp gì nặng đô hơn, chứ không để thế này mãi được”.
Một thành viên khác của BTC sân cho hay: “Phía sân cũng đề nghị cơ quan công an cử thêm các chiến sĩ công an là nữ sang hỗ trợ việc kiểm soát nhưng chưa thể được. Mới chỉ có nam. Mà khán giả nữ họ nhét pháo sáng vào... trong áo quần, anh em họ không dám kiểm soát kỹ”.

Cần trừ điểm và cấm thi đấu sân nhà

 Bóng đá thế giới cũng có nhiều trường hợp đốt pháo sáng đã bị xử lý nghiêm khắc. Tại vòng loại Euro 2016 diễn ra năm 2014, trong trận đấu giữa Ý và Croatia tại sân San Siro (Ý), CĐV đội khách đã liên tục ném những quả pháo sáng xuống sân khiến trận đấu kết thúc trong sự hỗn loạn giữa cảnh sát Ý và CĐV Croatia. UEFA sau đó phạt Croatia phải thi đấu trận lượt về trên sân nhà không có khán giả.
Cũng tại vòng loại Euro 2016, trận đấu giữa Serbia và Albania đã bị hủy sau 42 phút thi đấu vì các CĐV đội nhà ném pháo sáng. Đội chủ nhà Serbia sau đó bị xử thua 0-3, bị trừ luôn 3 điểm. Cả hai LĐBĐ hai quốc gia đều bị phạt 100.000 euro. Serbia còn bị phạt phải thi đấu 2 trận tiếp theo trên sân không có khán giả.
Tại vòng loại World Cup 2018, các CĐV Albania làm loạn trên sân Renzo Barbera (Ý) khi ném pháo sáng và bom khói xuống sân. FIFA phạt LĐBĐ Albania 78.000 euro vì liên đới đến hình ảnh xấu xí do CĐV gây ra và phạt LĐBĐ Ý 12.000 euro do không đảm bảo an ninh.
Ở châu Á, trận đấu giữa Malaysia và Ả Rập Xê Út tại vòng loại World Cup 2018 đã phải dừng lại sau khi CĐV Malaysia ném pháo sáng xuống sân. LĐBĐ Malaysia sau đó bị phạt 180.000 ringgit (gần 1 tỉ đồng VN), bị cấm thi đấu 1 trận trên sân nhà.
Thông lệ quốc tế đã có, vậy tại sao VFF và VPF chỉ có mỗi động thái chế tài? Cần sửa đổi quy định kỷ luật, trừ điểm CLB HP, cấm 1 - 2 trận đá trên sân không có khán giả và phạt nặng BTC sân Hàng Đẫy do không đảm bảo an ninh.
H.Sang

VFF phải nhiều lần nộp tiền vì CĐV đốt pháo sáng

Mấy năm gần đây, không năm nào VFF không phải nộp phạt vì CĐV. Năm 2017, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) xử phạt VFF 10.000 USD do CĐV VN đốt pháo sáng trên sân quốc gia Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019 (Campuchia thua VN 1-2).
Gần đây nhất, tháng 10.2018, VFF đã phải nộp khoản tiền phạt 12.500 USD do đã vi phạm điều 65.1 của Bộ luật kỷ luật và đạo đức AFC. Lý do phạt là khán giả quá khích đến từ VN đã đốt pháo sáng trong trận bán kết ASIAD 18 giữa Olympic VN và Olympic Hàn Quốc ngày 29.8.
Lan Phương
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.