Theo đó, từ những người sinh năm 1951 trở về sau, mỗi năm tuổi về hưu hiện tại (60 tuổi) sẽ được cộng thêm 4 tháng. Cứ thế cho đến năm 2018, tuổi hưu hợp pháp ở Pháp sẽ là 62 tuổi. Ngoài ra, dự luật còn một số thay đổi quan trọng khác như độ tuổi để đạt tỷ lệ lương hưu cao nhất tăng từ 65 tuổi thành 67 tuổi; thời gian làm việc để đóng thuế hưu trí tăng từ 41 năm lên 41 năm rưỡi vào năm 2020...
Những thay đổi trên nhằm giúp cân bằng hơn mức thâm hụt của hệ thống hưu trí tại Pháp, hiện đã là 32 tỉ euro và ước tính có thể lên đến 70, thậm chí 100 tỉ euro vào năm 2050. Chính phủ hy vọng sẽ giảm thâm hụt xuống còn một nửa vào năm 2018. Một lập luận khác được chính quyền của ông Sarkozy thường xuyên sử dụng để mở đường cho cải cách là người Pháp đang ngày càng sống thọ hơn. Tuổi thọ trung bình ở nước này hiện xấp xỉ 80 tuổi, nghĩa là một người về hưu vào 60 tuổi sẽ có đến 20 năm nhàn rỗi. Đây là một gánh nặng đáng kể cho ngân sách, đặc biệt khi thế hệ “baby boom” (bùng nổ trẻ em trong giai đoạn 1950-1970) sẽ về hưu đông đảo vào năm 2020.
Tuy nhiên, dự luật đã bị chỉ trích nặng nề từ phe đối lập và các nghiệp đoàn vì bị cho rằng không đem lại hiệu quả kinh tế. Tờ Le Monde dẫn nhận định của Tổng thư ký đảng Xã hội Martine Aubry rằng đây không phải là cải cách thật sự, chỉ là cách nhà nước che giấu sự thật để chờ đến kỳ bầu cử tổng thống vào năm 2012. Trong thăm dò đăng hôm qua trên báo Le Parisien, 60% người được hỏi đánh giá dự luật mới là “bất công”.
Theo phe phản đối, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ cải cách sẽ là những người có cuộc sống bấp bênh nhất: những người có trình độ học vấn thấp và phải đi làm sớm, phụ nữ hoặc những người có tay nghề thấp rất dễ bị mất việc. Họ hầu như sẽ không có hy vọng tìm được việc làm ở tuổi xế chiều. Như vậy gánh nặng của lương hưu nhiều khả năng sẽ do trợ cấp thất nghiệp lãnh phần.
Tổng thống Sarkozy còn gần một tháng để xem xét lại những điều khoản của cải cách trước khi dự luật được đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào ngày 20.7. Sau khi kêu gọi biểu tình phản đối trên toàn quốc vào ngày 24.6 tới đây, các nghiệp đoàn sẽ... nghỉ hè cho đến tháng 9 trước khi tiếp tục đấu tranh. Nếu ông Sarkozy không có động thái gì để xoa dịu, năm nay, nước Pháp sẽ có một mùa thu rất nóng bỏng.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)