Chiều nay 10.11, tại Hà Nội, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức lễ ký kết thoả ước tín dụng cho khoản vay ưu đãi không bảo lãnh Chính phủ trị giá 70 triệu Euro (tương đương 1.900 tỉ đồng) cho dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng.
Số vốn vay này chiếm khoảng 20% tổng mức vốn đầu tư của dự án, số còn lại sẽ do EVN thu xếp vay từ ngân hàng thương mại trong nước.
Lễ ký kết khoảng vay 1.900 tỉ đồng cho dự án Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình mở rộng |
hà trung |
Dự án Nhà máy Thủy điện Hoà Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư; Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để EVN quyết định đầu tư và giao Ban Quản lý dự án Điện 1 làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án bao gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 480 MW, tổng mức đầu tư 9.220 tỉ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án bao gồm: 30% nguồn vốn tự có và 70% vốn vay thương mại, trong đó vay nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ 70 triệu EUR (tương đương 1.900 tỉ đồng) từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Tại lễ ký, ông Herve Conan, Giám đốc AFD tại Việt Nam, cho rằng việc ký kết này, phù hợp với những tuyên bố mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26, đồng thời đánh dấu tham vọng của EVN trong việc phát triển năng lượng bền vững phù hợp với chiến lược "100% Thỏa thuận Paris" của AFD tại Việt Nam.
Trong khi đó, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN cho biết, dự án Nhà máy Thủy điện Hoà Bình mở rộng và các dự án thủy điện mở rộng khác đều nằm trong chiến lược phát triển năng lượng xanh và bền vững của EVN, qua đó không chỉ tăng cường công suất thủy điện của EVN mà còn tăng cường tính bền vững và hiệu suất của hệ thống điện trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển rất mạnh ở miền Bắc.
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ mang lại các hiệu quả như tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Bắc, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; góp phần cải thiện chế độ làm việc của hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống.
Nhờ tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả hàng năm sẽ tăng thêm sản lượng phát điện trung bình mỗi năm khoảng 495 triệu kWh, giúp thay thế sản xuất điện từ nguyên liệu hoá thạch, góp phần giảm chi phí nhiên liệu hàng năm, giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận (0)