Pháp chuyển chiến lược đào tạo đại học

05/10/2005 21:13 GMT+7

Với việc bùng nổ số lượng "sinh viên nước ngoài", cạnh tranh để thu hút những giáo sư giỏi, thành lập cơ sở mở rộng ra nước ngoài, nhân rộng trao đổi giữa các trường đại học và các trường lớn (grandes écoles) trên thế giới..., đào tạo đại học đã trở thành một thị trường, một không gian cạnh tranh giữa các nền kinh tế và các hệ thống giáo dục.

Để tăng cường cho sự cạnh tranh này, Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin vừa công bố kế hoạch tăng 25% chi tiêu ngân sách cho công tác nghiên cứu và đào tạo đại học từ nay đến năm 2010.

* Thị trường "sinh viên nước ngoài". Số sinh viên du học toàn phần hay bán phần ở các nước trên thế giới đã tăng lên gấp bội giữa năm 1980 và 2002, đạt 1,9 triệu "du học sinh" trên thế giới. Theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế, "thị phần" du học sinh một số nước như sau: Mỹ (28%), Anh và Bắc Ai-len (12%), Đức (11%), Pháp (10%), Úc (9%) và Nhật (4%).

* Thu hút những tinh hoa của các nước có triển vọng và cạnh tranh là một vấn đề mang tính chiến lược. Những năm vừa qua, để duy trì thị phần của mình, nước Pháp đã có những chính sách nhập cư khá "mềm dẻo". Và để đa dạng nguồn sinh viên, thu hút ít sinh viên từ châu Phi hơn, mở rộng nguồn sinh viên từ châu Á hay châu Mỹ nhiều hơn, các cơ sở giáo dục Pháp càng ngày càng tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh. Văn phòng Edufrance thống kê hiện nay có 310 cơ sở đào tạo song ngữ tại Pháp. Con số tuy còn khiêm tốn nhưng trong tương lai hứa hẹn sẽ phát triển hơn.

* Mở rộng các cơ sở đào tạo ở nước ngoài. Để cạnh tranh với Mỹ, Úc, Anh, các cơ sở đào tạo Pháp, nhất là các trường lớn, đã thành lập các chi nhánh ở châu u và châu Á. Vào đầu tháng 9/2005, đã thành lập một cơ sở tại Bắc Kinh. Trường Cao đẳng Thương mại Paris (ESCP-EAP) đã có cơ sở ở Paris, London và Madrid... Trường Đại học Chicago cũng đã mở một trung tâm ở Paris.

Để cạnh tranh thu hút giáo viên, các trường đại học Pháp áp dụng mức lương đã được ấn định theo luật định cho các giáo viên của mình. Các trường đại học cạnh tranh Mỹ có thể đề nghị mức lương hấp dẫn từ 60.000 - 300.000 USD/năm (Theo Michel Herbillon, cuối năm 2004). Theo Jean-Louis Scaringella, Giám đốc Trường Cao đẳng Thương mại Paris (ESCP-EAP): "Các trường kinh doanh lớn của Mỹ trả lương cao gấp 1,5-2 lần so với mức lương mà chúng tôi có thể đề nghị". Chính vì thế các cơ sở đào tạo của Pháp có chính sách ưu đãi khác: Chẳng hạn như Viện Nghiên cứu chính trị Paris ưu đãi chỗ ở Saint Germain des Prés cho các giáo viên nổi tiếng.

Mặt khác trong 2 năm tới, Science Po sẽ xem xét không tuyển giảng viên Pháp nữa mà chỉ tuyển những giảng viên nước ngoài. "Đó là một việc làm rất táo bạo, có những giảng viên Pháp rất giỏi, nhưng môi trường tuyển dụng của chúng tôi không phải chỉ hạn chế ở Pháp", Richard Descoings tuyên bố.

* Hoạt động gây quỹ của các trường. Các trường lớn đã vận động cựu sinh viên của họ tham gia các hoạt động gây quỹ. Trong số này, HEC là trường đáng được ngợi khen. Vào tháng sáu vừa qua, cựu sinh viên của trường này đã đóng góp 2 triệu euro.

Các cơ sở giáo dục Pháp vẫn còn cạnh tranh với các cơ sở giáo dục Mỹ. Theo báo cáo năm 2004 của Hội đồng Hỗ trợ giáo dục (CAE), các cá nhân, hiệp hội hoặc các doanh nghiệp đã hỗ trợ 24 tỉ USD cho các trường đại học Mỹ. Hơn nữa, một vài cơ sở còn có vốn tài chính để đạt lợi tức (Harvard có 700 triệu USD lợi tức hằng năm).

Tuấn Lâm
(Tham khảo từ Báo Le Monde, 2/10/2005)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.