TNO

Pháp khó bán được tàu Mistral nếu Nga không đồng ý

13/08/2015 14:20 GMT+7

(Tin Nóng) Tuy Pháp tuyên bố bồi thường cho Nga về thương vụ 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral, nhưng Pháp khó bán được 2 tàu này cho các nước muốn mua nếu không có đồng ý từ phía Nga, theo trang tin quốc phòng topwar.ru (Nga) ngày 12.8.

(Tin Nóng) Tuy Pháp tuyên bố bồi thường cho Nga về thương vụ 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral, nhưng Pháp khó bán được 2 tàu này cho các nước muốn mua nếu không có đồng ý từ phía Nga, theo trang tin quốc phòng topwar.ru (Nga) ngày 12.8.

Pháp khó bán được tàu Mistral nếu Nga không đồng ý - ảnh 1
Hai con tàu lớp Mistral Pháp đóng cho Nga giờ đang tìm khách hàng mới - Ảnh: Reuters

Theo bài viết trên trang này, Pháp đang đối mặt với thách thức về việc huỷ bàn giao hai tàu lớp Mistral cho Nga là Vladivostok và Sevastopol.

Đầu tiên là Pháp sẽ thanh toán tiền như thế nào cho Nga trong tình trạng Nga đang bị cấm vận từ EU, và thứ hai là Pháp không có quyền tự bán tàu nếu Nga không đồng ý. Lý do đây là dự án liên doanh Pháp – Nga, một số bộ phận của 2 tàu này chế tạo tại Nga và lắp ráp ở Pháp. Nga có thể tháo dỡ các bộ phận này mang về nước (dù chỉ là đống sắt thép vô giá trị).

Hoặc nếu Pháp đề nghị Nga cho phép bán thì phải có giấy phép cấp cho người sử dụng sau cùng do phía Nga cung cấp (loại giấy có giá trị trên thị trường buôn bán vũ khí).

Bài báo cho rằng giả sử Pháp nhận được giấy phép của Nga cho phép bán tàu, thì liệu Pháp có bán được tàu hay vẫn ôm làm “của nợ”.

Một số bộ phận chủ đạo trên tàu như thông tin liên lạc là do Nga chế tạo, nếu Nga thu hồi thì con tàu trở nên vô giá trị. Và do tàu này sản xuất theo yêu cầu kỹ thuật của Nga, tương thích loại trực thăng của Nga, nên nếu nước nào muốn mua lại thì phải mua trực thăng Nga để dùng trên tàu, và chưa chắc Nga đã bán máy bay.

Còn nếu không mua thì phải cải tạo lại tàu cho tương thích, chi phí có thể bằng với đóng mới con tàu. Theo bài viết, do vậy nên Pháp rất khó tìm được nước thứ ba để rao bán 2 tàu Mistral.

Gần đây báo chí Pháp loan tin có một số khách hàng tiềm năng cho hai tàu này gồm Ai Cập, Ả rập Xê Út, Canada, Singapore. Người mua tàu nếu dùng trực thăng và thiết bị của Nga, thì với Canada và Singapore là không thể, vì quen dùng hàng NATO, và Nga cũng không sẵn lòng bán.

Pháp khó bán được tàu Mistral nếu Nga không đồng ý - ảnh 2
Trực thăng K-52 Cá sấu, loại được phát triển để dùng trên tàu đổ bộ Mistral - Ảnh: RIA

Ai Cập đã lên tiếng bác bỏ tin muốn mua tàu Mistral. Ở Địa Trung Hải, Ai Cập là đồng minh của Nga. Nếu Ai Cập mua tàu Mistral thì đó là điều tốt, nhưng đã không xảy ra việc này.

Còn Ả rập Xê Út gần đây có quan hệ nồng ấm với Nga, nhưng nước này không có nhu cầu mua tàu đổ bộ với nhân lực đòi hỏi có chuyên môn cao.

Brazil là cái tên cũng được nhắc tới, đang muốn mở rộng hạm đội tàu đổ bộ ở Đại Tây Dương, nhưng thích mua với giá rẻ hoặc chỉ quan tâm lớp tàu Sirocco mà thôi. 

Ấn Độ không cần tàu Mistral vì hạm đội đang phát triển của nước này có các mục tiêu chiến lược khác, đó là bảo vệ nội địa từ biển xa.

Còn Algeria và Thổ Nhĩ Kỳ đã có các tàu tương tự mua của Ý và Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên bài viết này không đề cập đến Việt Nam cũng là một trong những cái tên tiềm năng trong việc mua tàu Mistral như nhận định của giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, tại Moscow, Nga) với hãng tin TASS ngày 6.8.

Anh Sơn

>> Báo Nga: Việt Nam, Ấn Độ không bình luận về tin mua tàu Mistral
>> Chuyên gia Nga: Việt Nam có thể mua tàu chở trực thăng Mistral của Pháp
>> Philippines sẽ tự đóng tàu vận tải chiến lược
>> Bên trong tàu đổ bộ tốc độ cao của Nga mới thượng cờ
>> Philippines nhận tàu đổ bộ từ Hàn Quốc, Úc
>> Tàu đổ bộ Nga dự định bán cho VN vẫn chưa có khách hàng
>> Pháp sẽ bán tàu đổ bộ chở trực thăng Mistral cho Trung Quốc ?
>> Pháp sẽ không giao 2 tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga
>> Tổng thống Pháp hoãn giao tàu chở trực thăng Mistral cho Nga
>> Hải quân ASEAN tăng cường trang bị tàu đổ bộ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.