Pháp loại Úc khỏi danh sách đối tác chủ chốt ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

23/02/2022 12:27 GMT+7

Pháp đã loại Úc khỏi danh sách các đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương , 5 tháng sau khi Canberra hủy thỏa thuận tàu ngầm với Paris.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem việc Úc hủy thỏa thuận tàu ngầm với Paris là sự phản bội

reuters

South China Morning Post ngày 23.2 dẫn lại tài liệu mới nhất của Bộ Ngoại giao Pháp cho biết Paris đã loại Canberra ra khỏi danh sách đối tác chủ chốt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

“Quan hệ hợp tác song phương giữa Pháp với Úc sẽ được thực hiện và xem xét trong từng trường hợp cụ thể”, theo tài liệu Pháp đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tại Paris vào ngày 22.2.

Tài liệu này là phiên bản mới nhất “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Pháp”. Trong tài liệu, Bộ Ngoại giao Pháp viết rằng việc Úc thông báo hủy thỏa thuận tàu ngầm vào tháng 9.2021 mà không “tham vấn hoặc cảnh báo trước” đã “dẫn đến việc đánh giá lại quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai bên.

Việc chính phủ Úc từ bỏ hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng tỉ USD với Pháp và thay bằng tàu ngầm Mỹ rồi tham gia liên minh AUKUS với Mỹ và Anh bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron xem là sự phản bội.

Vụ việc gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao. Pháp cho biết nước này đã khôi phục sự tin cậy với Mỹ, nhưng điều tương tự không xảy ra với Úc.

Báo Úc rò rỉ tin nhắn của Tổng thống Macron, đại sứ Pháp nói quan hệ song phương "xuống thấp chưa từng thấy"

Sau khi thỏa thuận tàu ngầm với Úc sụp đổ, ông Macron bắt đầu tăng cường quan hệ đối tác với các cường quốc khác trong khu vực như Ấn Độ. Các lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng là nơi sinh sống của 1,6 triệu người.

Đầu tháng này, Úc cho biết nỗ lực mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của nước này đang đạt được "tiến bộ đáng kể". Các chuyên gia Mỹ và Anh đã đến Úc để tư vấn về dự án. Úc cũng thông báo nước này có kế hoạch trang bị vũ khí thông thường cho các tàu ngầm nhưng vẫn chưa quyết định chi tiết.

Liên minh AUKUS được hình thành vào thời điểm Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Thái Bình Dương. Với việc tham gia liên minh này, Úc sẽ trở thành quốc gia duy nhất không sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân - vốn có khả năng di chuyển quãng đường dài mà không cần nổi mặt nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.