Ở đây không bàn về tính hợp lý của quy định mà chỉ muốn nói đến sự tôn trọng luật pháp của mỗi công dân. Luật quy định, lái xe là phải có giấy phép, học sinh (HS) trung học đương nhiên là chưa đủ tuổi để lấy giấy phép lái xe theo luật (18 tuổi), vậy thì việc HS lái xe phải được coi là phạm luật. Nhưng việc phạm luật này phổ biến đến mức mọi người mặc nhiên thừa nhận nó (?).
Trong khi các cơ quan quản lý nghĩ cách xử lý “vấn nạn” HS đi xe máy đến trường thì phụ huynh và bản thân HS lại thấy đấy là hành vi bình thường và thậm chí là cần thiết. Do vậy, rất dễ hiểu khi câu chuyện vốn được coi là “vấn nạn” từ nhiều năm sẽ tiếp tục còn là đề tài dài dài, không hồi kết. Người ta sẵn sàng ném đá một kẻ ăn trộm nhưng lại không cảm thấy “xấu hổ” khi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc vượt đèn đỏ (bất kể khi nào không thấy bóng cảnh sát giao thông), mặc dù ăn trộm và vượt đèn đỏ đều là hành vi vi phạm pháp luật.
Một nhà nghiên cứu lập pháp kỳ cựu nói rằng, nền tảng vận hành xã hội là pháp luật và đạo đức (được hiểu là những quan niệm về danh dự, trách nhiệm, lòng tự trọng, điều chỉnh những hành vi ứng xử giữa người với người, cá nhân và xã hội). Một xã hội có nền tảng đạo đức tốt sẽ là cơ sở để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và tự giác. Mặt khác, pháp luật nghiêm sẽ hỗ trợ đắc lực cho việc giữ gìn phát triển nền đạo đức xã hội tốt đẹp.
Có rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra từ cháu bé 2 tuổi bị hành hạ, bác sĩ cấp cứu bị người nhà bệnh nhân đâm chết đến lao động phổ thông nước ngoài tràn ngập các công trường... đều xuất phát từ một nguyên nhân, pháp luật không được tôn trọng. Nhưng quan trọng hơn là không có ai thấy phải có trách nhiệm trong việc luật pháp không đi vào cuộc sống.
Đơn cử nhất là chuyện lao động phổ thông nước ngoài làm việc ở VN gần đây. Năm 2009, Bộ LĐ-TB-XH trước sức ép dư luận thừa nhận có đến 50% lao động nước ngoài làm việc ở VN không phép. Nhưng xử lý thế nào thì Bộ lại rất lúng túng vì “còn liên quan đến Bộ Ngoại giao, Bộ Công an...”. Thế nên không khó hiểu khi lại vừa có hơn 1.000 lao động phổ thông người Trung Quốc làm việc tại Cà Mau; và đặc biệt hơn là đã qua thời gian phải xử lý theo luật, chính quyền vẫn án binh bất động.
Ở đây cách nhìn của cán bộ quản lý là quan trọng nhất trong giải quyết vấn đề và thi hành pháp luật. Anh công chức ăn lương của dân đó phải nhìn vấn đề lao động nước ngoài ở tầm quốc gia, ý thức được rằng pháp luật của Nhà nước phải được thực thi nghiêm túc trên tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động VN.
Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mỗi người dân cần phải xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, những người thi hành công vụ phải có trách nhiệm bảo đảm pháp luật được thực thi.
An Nguyên
Bình luận (0)