Pháp luật là cái bẫy cản trở người dân tiếp cận thông tin

24/03/2016 20:41 GMT+7

"Quy định mập mờ khiến dân không xác định được hướng thì vô hình chung pháp luật là cái bẫy đối với công dân”, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nói.

"Quy định mập mờ khiến dân không xác định được hướng thì vô hình chung pháp luật là cái bẫy đối với công dân”, đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nói.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Ngọc ThắngĐại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) - Ảnh: Ngọc Thắng
Chiều nay 24.3, Quốc hội thảo luận tại hội trường cho ý kiến về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo luật Tiếp cận thông tin.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói ông không đồng tình với điều 6 của dự thảo về những điều công dân không được tiếp cận. “Tôi cho rằng các quy định này không cụ thể, không rõ ràng bởi hiện nay ngoài thông tin về bí mật nhà nước quy định theo Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, thì còn nhiều thông tin công dân không được tiếp cận được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, đó sẽ là những khó khăn lớn để công dân xác định đâu là thông tin được và không được tiếp cận, vì có quá nhiều văn bản quy định mà người dân lại không nắm hết”, ông Vinh nói.
Đề cập đến khoản 2, điều 6 của dự thảo, đại biểu Vinh cho rằng, đây giống như một cái bẫy cản trở quyền tiếp cận thông tin và là cơ sở để các cơ quan tổ chức lợi dụng quy định này để tạo rào cản trong việc cung cấp thông tin. Bởi lẽ đã là thông tin gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, thì đương nhiên công dân không được tiếp cận, nên không thể có chuyện người đứng đầu cơ quan tổ chức xem xét quyết định cho công dân tiếp cận hay không. "Quy định mập mờ khiến dân không xác định được hướng, thì vô hình chung pháp luật là cái bẫy đối với công dân”, ông Vinh nói.
Cùng quan điểm này, nhiều đại biểu khác cũng đề nghị trong dự thảo luật Tiếp cận thông tin phải quy định rõ danh mục thông tin mà người dân không được tiếp cận.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, sau kỳ họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý bổ sung nhiều nội dung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu.
Đối với ý kiến đề nghị phân loại rõ thông tin nào là thuộc bí mật nhà nước và đưa vào trong dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng hiện nay, thông tin thuộc bí mật nhà nước đang được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhất là Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000.
Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII này, dự án luật Bảo vệ bí mật nhà nước để thay thế Pháp lệnh nói trên, đã được đưa vào chương trình và hiện đang được các cơ quan tích cực chuẩn bị. Trong luật Tiếp cận thông tin không thể đưa các nội dung thông tin về bí mật nhà nước vào điều chỉnh hết được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.