Pháp luật Việt Nam quy định ra sao về hình phạt tử hình?

06/07/2023 15:57 GMT+7

Tử hình là hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất, hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam quy định ra sao về loại hình phạt này?

Tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, nhằm tước đi quyền sống của người bị kết án. Hiện nay, loại hình phạt này được quy định ra sao?

Pháp luật Việt Nam quy định ra sao về hình phạt tử hình? - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Trung Huyên bị TAND TP.Hà Nội tuyên án tử hình trong vụ án đóng nhiều chiếc đinh vào đầu bé gái 4 tuổi

PHÚC BÌNH

Tử hình là gì, áp dụng cho trường hợp nào?

Điều 40 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.

Hình phạt tử hình không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.

Điều luật này cũng quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau: phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người đủ 75 tuổi trở lên; người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Những trường hợp trên hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Nhờ chạy “thoát án tử hình” cho con, cụ bà bị lừa 2 tỉ đồng

Nhiều tội danh được bãi bỏ hình phạt tử hình

So với quy định cũ tại bộ luật Hình sự năm 1999, quy định hiện hành tại bộ luật Hình sự năm 2015 đã thu hẹp phạm vi áp dụng tử hình, bằng việc loại bỏ hình phạt này đối với 7 tội danh. Những tội này gồm: cướp tài sản (điều 168); sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (điều 193); tàng trữ trái phép chất ma túy (điều 249), chiếm đoạt trái phép chất ma túy (điều 252); phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (điều 303); chống mệnh lệnh (điều 394) và đầu hàng địch (điều 399).

Việc thay đổi như trên được đánh giá là cần thiết, thể hiện tính nhân văn của pháp luật hình sự Việt Nam, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; vừa đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm vừa hội nhập quốc tế.

Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng nên nghiên cứu theo hướng bãi bỏ thêm hình phạt tử hình đối với một số loại tội phạm mà không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình nhưng vẫn đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa tội phạm. Điều này nhằm phù hợp với xu hướng phát triển thế giới và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Pháp luật Việt Nam quy định ra sao về hình phạt tử hình? - Ảnh 2.

Một phạm nhân được đặc xá năm 2022

PHÚC BÌNH

Tử hình bằng tiêm thuốc độc thay cho xử bắn

Trước đây, việc thi hành án tử hình tại Việt Nam được thực hiện bằng hình thức xử bắn. Tuy nhiên, đến khi luật Thi hành án hình sự năm 2010 rồi luật Thi hành án hình sự năm 2019 được ban hành, việc thi hành án tử hình được chuyển sang hình thức tiêm thuốc độc.

Hình thức tiêm thuốc độc được đánh giá là tiến bộ và nhân đạo, vừa không gây đau đớn cho tử tù vừa giảm bớt áp lực tâm lý cho những người tham gia thi hành án.

Tuy vậy, một số nguyên nhân từng được chỉ ra, khiến việc thi hành án tử hình gặp khó khăn. Ví dụ như: hạn chế về nguồn cung ứng thuốc độc, về cơ sở phục vụ cho việc thi hành án, về công tác quản lý giam giữ người bị kết án tử hình; nhiều trường hợp thời gian thi hành án tử hình kéo dài, dẫn tới các phát sinh ngoài mong muốn…

Ân giảm án tử hình

Ân giảm án tử hình là thẩm quyền của Chủ tịch nước về việc giảm hình phạt tử hình theo bản án đã có hiệu lực pháp luật xuống tù chung thân theo quy định của pháp luật. Quy định này thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, mở ra cho họ khả năng ăn năn hối cải, cải tạo, giáo dục trở thành người có ích cho xã hội.

Theo quy định tại bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong thời hạn 7 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình được gửi đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước.

Nếu được ân giảm thì hình phạt tử hình được giảm xuống tù chung thân. Nếu đơn xin ân giảm bị bác thì bản án tử hình được thi hành.

Nghiên cứu sửa đổi quy định về hình phạt tử hình

Ngày 5.7, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chủ trì làm việc với các cơ quan liên quan để đánh giá tình hình công tác giải quyết hồ sơ án tử hình và thi hành án tử hình trong thời gian qua.

Chủ tịch nước đánh giá, thời gian qua, các cơ quan có liên quan ở T.Ư và địa phương đã phối hợp chặt chẽ, xem xét, giải quyết hồ sơ án tử hình, quản lý giam giữ và thi hành án tử hình bảo đảm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những hạn chế, cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch nước yêu cầu thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo đúng quy định của pháp luật; phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan; tăng cường phối hợp; tiến hành kiểm tra, rà soát thường xuyên, liên tục, thực hiện có hiệu quả công tác này.

Cùng với đó, các cơ quan cần nghiên cứu, đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về hình phạt tử hình và thi hành án tử hình đáp ứng yêu cầu thực tiễn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.