Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng: “Lớp 10 công lập không phải là cánh cửa duy nhất để mở đường cho sự nghiệp và việc học hành của các em. Còn rất nhiều mô hình trường lớp dành cho những học sinh này. Chẳng hạn như các trường dân lập, các trung tâm GDTX, hệ bổ túc văn hóa của các trường TCCN, CĐ hoặc ĐH…”.
Học văn hóa
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện TP có 83 trường THPT dân lập, tư thục. Trong đó, Trường THPT Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Khuyến… dành cho HS có học lực từ khá trở lên với yêu cầu cụ thể về điểm số cho các môn toán, văn, tiếng Anh, vật lý; hoặc trải qua kỳ kiểm tra đầu vào… Mức học phí của 2 trường trên là khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Nếu HS muốn học chương trình tăng cường tiếng Anh, có thể đăng ký học Trường THPT dân lập Vĩnh Viễn (Q.Tân Phú) với học phí 1,8 triệu đồng/tháng; Đông Dương (Q.Thủ Đức), học phí khoảng 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng; Tân Phú hơn 1 triệu đồng/tháng… Trường Quốc tế Á Châu có chương trình tiếng Anh quốc tế với mức học phí khoảng 8 triệu đồng/HS/tháng hay Trường song ngữ quốc tế Horizon (Q.1) có chương trình song ngữ tiếng Anh 5 môn khoa học tự nhiên với học phí khoảng 11 triệu đồng/tháng…
Những trường còn lại có mức học phí từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng như Trường THPT Trí Đức (Q.Tân Phú), Hồng Đức (Q.Tân Phú), Hồng Hà (Q.Phú Nhuận)…
HS còn có sự lựa chọn khác tại các trung tâm GDTX với học phí 65.000 đồng/tháng, tương đương với các trường công lập. Ông Phạm Anh Ba - Trưởng phòng GDTX của Sở - cho biết: “Do không yêu cầu về hộ khẩu thường trú nên HS có thể tự do đăng ký vào học trung tâm nào có uy tín trong số 24 trung tâm ở các quận huyện. Hiện nay, tại TP.HCM có một số trung tâm có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao và chất lượng giáo dục tốt như Phân hiệu Bổ túc văn hóa của Trung tâm kỹ thuật tổng hợp Lê Thị Hồng Gấm, Trường THPT Thanh Đa, Trần Phú, Nguyễn Trung Trực, Trung tâm GDTX Q.3, Tân Bình, Tân Phú…”. Vài năm trở lại đây hàng loạt Trung tâm của Q.3, Q.7, Q.9, Q.Tân Phú được xây dựng mới với kinh phí hàng chục tỉ đồng.
|
Nói về chương trình học, bà Đinh Kim Hoàng - Giám đốc Trung tâm GDTX Q.4 - cho biết: “HS học theo sách giáo khoa ban Cơ bản với 7 môn: toán, văn, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý của chương trình phổ thông hiện hành. Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu cũng như yêu cầu của xã hội hiện nay, các trung tâm đều tổ chức dạy thêm môn tiếng Anh (2 tiết/tuần) dưới dạng môn học khuyến khích có học phí khá khiêm tốn là 10.000 đồng/tháng”.
Vừa học văn hóa vừa có bằng nghề
Vào tháng 4 vừa qua, ngay trong kế hoạch tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT cũng thông báo HS đã tốt nghiệp THCS có thể đăng ký xét tuyển vào học tại các trường TCCN.
Chẳng hạn, hệ trung cấp của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm (Q.6) năm nay tuyển 760 HS tốt nghiệp THCS cho các ngành như: điện tử, điện lạnh, may và thiết kế thời trang, công nghệ thông tin… với mức học phí 1,2 triệu đồng/học kỳ. Trường nhận hồ sơ từ nay đến hết ngày 28.7. Trường trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh (Q.7) cũng tuyển 850 HS vào 11 ngành đào tạo, học phí khoảng 1,7 triệu đồng/tháng.
Ở khối kinh tế, y dược, nếu có nhu cầu, HS nộp hồ sơ từ nay đến ngày 10.10 tại Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM (Q.Gò Vấp). Trường tuyển 300 HS các ngành: hạch toán kế toán, tài chính tiền tệ, điều dưỡng, dược sĩ trung cấp với mức học phí 3 triệu đồng/học kỳ. Ngoài ra, còn có các trường cùng tuyển HS tốt nghiệp THCS như hệ trung cấp của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (Q.Thủ Đức); Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Nam Sài Gòn (Q.7)…
Ông Tạ Tân - Trưởng phòng GD Q.Tân Phú - cho rằng: “Những HS lựa chọn mô hình này không mất thời gian nhiều hơn so với học chính quy. Sau 3 năm, ngoài bằng tốt nghiệp THPT để tiếp tục dự thi bậc ĐH-CĐ thì HS đã có trong tay một nghề để kiếm sống”.
Bích Thanh
>> Tuyển sinh đầu cấp tại Q.Thủ Đức (TP.HCM): 31 điểm vào lớp 10 công lập
>> 28 điểm được vào lớp 10 công lập tại Q.2 (TP.HCM)
>> Hơn 2.000 học sinh Q.9 (TP.HCM) vào lớp 10 công lập
>> Rớt cả 3 NV lớp 10 công lập, về đâu?
>> Đà Nẵng công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập
Bình luận (0)