Pháp mất kiên nhẫn với Syria

02/05/2012 15:24 GMT+7

(TNO) Phát biểu của một số chính trị gia Pháp thời gian gần đây khiến giới truyền thông “nói gần nói xa” về việc Paris ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria.

Khủng hoảng chính trị tại Syria đã kéo dài hơn 13 tháng và vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Bản kế hoạch hòa bình gồm 6 điểm do đặc phái viên Kofi Annan của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên đoàn Ả Rập soạn thảo được tất cả thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad ủng hộ, về nguyên tắc được áp dụng từ giữa tháng 4.

Tuy nhiên, đến nay tiếng súng vẫn chưa ngơi trên đất nước này và mới nhất còn lan đến thủ đô Damascus.

Pháp là một trong những nước chủ xướng nhóm “Bạn bè của Syria” nhằm ủng hộ Hội đồng Dân tộc quốc gia của phe chống đối. Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé tuyên bố ngày 25.4: “Không thể để tình trạng bạo lực tại Syria “kéo dài không có điểm dừng” và nếu các giải pháp (bao gồm Kế hoạch Annan và việc gửi quan sát viên, NV) không hiệu quả, không thể để chính quyền al-Assad tiếp tục thách thức chúng ta”.

 Pháp mất kiên nhẫn với Syria
Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal

Từ tuyên bố này, nhiều phương tiện truyền thông cho rằng Paris muốn hướng đến can thiệp quân sự. Để có thông tin cụ thể hơn, PV Thanh Niên đã trao đổi với Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal (ảnh).

* Ông có thể cho biết quan điểm của Pháp hiện nay về vấn đề Syria?

- Pháp ủng hộ hoàn toàn việc xây dựng lực lượng đối lập của Hội đồng Dân tộc quốc gia Syria. Hiện nay mục đích duy nhất của chúng tôi là chấm dứt tình trạng bạo lực thông qua Kế hoạch Annan gồm 6 điểm, bắt đầu bằng chấm dứt xung đột và chính quyền Damascus rút quân đội cùng các vũ khí hạng nặng ra khỏi những khu dân cư.

Pháp cũng xem việc đảm bảo cho các bên áp dụng và tuân thủ bản kế hoạch là ưu tiên. Do vậy, chúng tôi muốn tăng số lượng quan sát viên LHQ tại Syria lên 200-300 người. Họ cần được tạo những điều kiện như được phép tiếp xúc với mọi người; có thể đi lại tự do trên khắp Syria…

Với những điều kiện đó, các quan sát viên sẽ ghi nhận một cách độc lập những gì đang thật sự diễn ra tại đây, đồng thời đảm bảo Kế hoạch Annan được các bên tôn trọng.

* Tiếng súng vẫn chưa dứt tại Syria, trong trường hợp Kế hoạch Annan thất bại, bước tiếp theo sẽ như thế nào? Paris có ủng hộ giải pháp can thiệp quân sự?

- Thông điệp của chúng tôi với ông al-Assad rất rõ ràng: không có bất kỳ hướng giải quyết nào khác ngoài việc chấm dứt bạo lực và thực hiện giải pháp chính trị. Damascus phải chịu trách nhiệm về tình trạng bất ổn, đến nay làm hơn 11.000 người thiệt mạng. Trước mắt, phải triển khai việc tăng cường số lượng quan sát viên tại Syria và hy vọng ông al-Assad sẽ thực hiện Kế hoạch Annan như đã thỏa thuận.

Nếu các quan sát viên bị cản trở và Damascus không giữ lời, HĐBA sẽ cân nhắc các biện pháp giải quyết. Như Ngoại trưởng Juppé có nói, Pháp ủng hộ thông qua một nghị quyết mới dựa trên chương 7 của Hiến chương LHQ. Chương này quy định các biện pháp trừng phạt đối với một quốc gia như cấm vận vũ khí, kinh tế, đóng băng tài sản của các nhà lãnh đạo…

Can thiệp quân sự chỉ được Pháp chấp nhận trong khuôn khổ một nghị quyết của HĐBA LHQ.

* Trung Quốc và Nga sẽ lại phản đối nghị quyết mới?

- Cho đến nay, HĐBA gặp rất nhiều khó khăn để có thể thông qua nghị quyết về Syria do vấp phải sự phản đối của một số thành viên thường trực. Chúng tôi đang nỗ lực thuyết phục Nga và Trung Quốc rằng cần phải tạo áp lực mạnh hơn nữa để chính quyền al-Assad thực hiện Kế hoạch Annan.

Ông Juppé đã thảo luận nhiều lần với người đồng cấp Nga, Sergei Lavrov tại các hội nghị quốc tế. Paris mong muốn Moscow nhìn nhận rằng HĐBA không thể giữ im lặng và không có hành động cụ thể gì về vấn đề Syria.

* Việc một số nước Ả Rập muốn cung cấp vũ khí cho phe chống đối có thể làm khủng hoảng tại Syria thêm nghiêm trọng?

- Pháp muốn Damascus chấm dứt ngay hành động bạo lực cũng vì thế. Nếu để tình trạng này kéo dài, có thể đưa Syria đến nội chiến. Hơn thế nữa, tình hình bất ổn có nguy cơ vượt khỏi nước này và gây căng thẳng trong khu vực.

* Bất ổn tại Libya đã được giải quyết bằng can thiệp quân sự. Nhưng sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ, nước này đến nay vẫn chưa ổn định, gần đây nhất là “sóng ngầm” từ các bộ tộc. Ông nhận xét thế nào về thực tế này?

- Libya vừa trải qua những ngày tháng xung đột dữ dội, nên việc xây dựng lại đất nước còn nhiều khó khăn và cần phải có thời gian để đạt tới sự ổn định. Chúng tôi không can thiệp vào quá trình này để tôn trọng chủ quyền của Libya.

* Libya và Ai Cập không phải là trường hợp cá biệt về việc lãnh đạo quốc gia cầm quyền suốt nhiều thập niên tại châu Phi. Trong đó, có những nước có quan hệ rất tốt với Pháp…

- Chúng tôi đã nhiều lần đối thoại với nguyên thủ của những nước này và luôn đưa ra một thông điệp: dân chủ sẽ mang lại sự phát triển và hòa bình. Tuy nhiên, mỗi nước có quyền xây dựng mô hình dân chủ riêng của mình, và không có mô hình nào có thể áp đặt chung cho tất cả các quốc gia.

Nguyễn Ngọc Lan Chi
(thực hiện)

>> Li Băng chặn tàu “chở vũ khí đến Syria”
>> Nga - Trung Quốc thống nhất lập trường về Syria, Triều Tiên
>> Nổ lớn tại Syria khiến 70 người thiệt mạng
>> Pháp kêu gọi can thiệp quân sự vào Syria
>> LHQ sẽ gửi 300 quan sát viên đến Syria
>> Ngoại trưởng Syria đến Trung Quốc
>> Syria bị tố vi phạm lệnh ngừng bắn
>> Syria bất ngờ tĩnh lặng
>> Lệnh ngừng bắn tại Syria có hiệu lực
>> Syria chấp nhận thời hạn rút quân
>> 83 nước hỗ trợ phe đối lập Syria

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.