Theo Kyodo ngày 3.5, khuôn khổ RAA tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quân sự như thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm giữa lực lượng Nhật Bản - Pháp, và tiếp cận thiết bị quốc phòng lẫn nhau dễ dàng hơn. Các nhà lãnh đạo tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn trong bối cảnh căng thẳng hàng hải gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Reuters ngày 3.5 dẫn lời một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên cho biết thỏa thuận với Pháp có thể mất khoảng một năm để hoàn tất. Song song đó, một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho biết Paris hy vọng việc này có thể được thực hiện "nhanh nhất có thể".
Trong khuôn khổ cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 2.5, hai nước đã ký nhiều thỏa thuận riêng biệt nhằm mở rộng hợp tác an ninh. Trong đó, Nhật - Pháp đã ký Thỏa thuận tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ, nhằm đơn giản hóa quá trình chia sẻ lương thực, nhiên liệu và đạn dược giữa 2 nước.
Tổng thống Pháp lặp lại khả năng đưa quân đến Ukraine
Ngoài ra, ông Kishida và ông Macron cũng nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế khác, cũng như ổn định chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung đất hiếm và khoáng sản. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về tăng cường đầu tư vào các công ty khởi nghiệp và hy vọng hy vọng rằng trao đổi song phương sẽ được tăng tốc hơn nữa thông qua Thế vận hội Paris 2024 ở Pháp, cũng như Triển lãm thế giới tại Osaka (Nhật Bản) vào năm 2025.
Pháp có lợi ích chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi nước này tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình. Trong khi, vào tháng 12.2023, Nhật Bản tuyên bố xây dựng quân đội lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Trước đó, Nhật Bản đã ký RAA với Úc, Anh và đang đàm phán thỏa thuận thứ 3 với Philippines.
Bình luận (0)