Phập phồng điểm sàn đại học

02/08/2011 23:52 GMT+7

Thủ khoa nhưng chưa chắc trúng tuyển Đến nay, trong khi những trường tốp trên nhẹ nhàng công bố luôn điểm chuẩn mà không phải chờ điểm sàn, thì những trường tốp dưới hoặc ngoài công lập thấp thỏm lo không tuyển đủ chỉ tiêu.

 

 TS dự thi vào trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Đây là một trong những trường công bố điểm chuẩn chính thức mà không phải đợi điểm sàn của Bộ GD-ĐT - Ảnh: Đ.N.T

Một trường chỉ có 1 hoặc 2 thí sinh trúng tuyển NV1

Năm nay, sau khi công bố điểm thi, trường ĐH Hà Hoa Tiên đã gây xôn xao dư luận vì thủ khoa khối A vào trường có tổng điểm 3 môn chỉ 12,5 và 2 thủ khoa khối D1 cùng đạt 14 điểm. Nếu mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT lấy bằng năm 2010 (khối A 13 điểm) thì thủ khoa của trường sẽ trượt đại học (nếu không được hưởng ưu tiên nào về đối tượng và khu vực)! Đây có lẽ là sự kiện trong lịch sử tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT nên bỏ việc quy định một điểm sàn chung cho cả nước mà chỉ yêu cầu các trường tự định điểm sàn cho phù hợp với vùng, miền, đặc thù, thương hiệu của từng trường và Bộ GD-ĐT sẽ duyệt mức điểm sàn này

GS TRẦN HỒNG QUN - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL

Từ khi thi theo phương thức tuyển sinh này, hầu hết các trường ngoài công lập (NCL) đều chọn phương án xét tuyển vì thường kết quả thi của TS thi vào những trường này rất thấp. Năm nay trường ĐH Hà Hoa Tiên có 600 chỉ tiêu cả bậc ĐH và CĐ nhưng chỉ có 105 TS dự thi, trong đó khối A: 70 TS, khối D1: 35 TS. Trong số này chỉ có 40 TS có nguyện vọng vào trường, còn lại là thi nhờ. Với kết quả thi như trên nhiều khả năng trường sẽ chỉ tuyển được 1-2 TS trúng tuyển NV1.

Trường ĐH Chu Văn An cũng rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” vì số TS tham gia thi chủ yếu là thi nhờ. Ông Nguyễn Văn Duy, Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết: “Năm nay trường có 1.400 chỉ tiêu, có 2.000 TS đăng ký dự thi nhưng chỉ có 200 TS có NV 1 vào trường, còn lại là TS thi nhờ. Với kết quả thi của hiện có thì dự kiến trường chỉ tuyển được vài chục TS”.

Không chỉ những trường vừa thành lập mới vất vả trong tuyển sinh, nhiều trường NCL đã nhiều năm khẳng định được vị trí trong hệ thống giáo dục ĐH như Phương Đông, Thăng Long, DL Hải Phòng… cũng không khỏi lo lắng. Ông Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng trường ĐH Phương Đông tâm sự: “Năm nay trường có 2.400 chỉ tiêu nhưng dự kiến chỉ tuyển được 500 TS có NV 1 vào trường, còn lại sẽ tuyển NV 2, 3. Trường cũng run lắm vì không biết có tuyển đủ chỉ tiêu hay không”. Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng trường ĐH DL Hải Phòng cũng trăn trở: “Nếu Bộ GD-ĐT lấy điểm sàn quá cao, nhiều trường công lập tuyển mức điểm bằng điểm sàn thì các trường NCL sẽ không còn nguồn tuyển nữa”.

Có nên bỏ điểm sàn chung?

Điểm sàn ĐH, CĐ không thể bỏ được vì nó là điều kiện tối thiểu để kiểm tra chất lượng; là điều kiện cần thiết để sinh viên được học ĐH

GS-TS Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Sau nhiều năm tuyển sinh khó khăn, năm nay Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL đã dự thảo một công văn dự kiến sẽ gửi tới Bộ GD-ĐT trong tuần này để kiến nghị về một số bất hợp lý trong tuyển sinh hiện nay.

GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch hiệp hội cho biết: “Năm nay, theo nhận định của chúng tôi thì đề thi khó, điểm thi của TS vẫn lệch về phía dưới trung bình rất lớn. Vì vậy, nếu Bộ GD-ĐT vẫn quyết tâm giữ mức điểm sàn bằng các năm trước thì nguy cơ khó tuyển sinh của những trường từ tốp trung bình trở xuống là tất yếu”.

GS Quân phân tích, hiện nay Bộ GD-ĐT xác định điểm sàn dựa trên tổng chỉ tiêu đào tạo được giao, kết quả điểm thi của TS nhưng chưa tính đến các yếu tố xã hội, vùng miền. Trên thực tế có nhiều TS có điểm thi cao nhưng không thể dịch chuyển quá xa như từ Bắc vào Nam để học. Trong khi đó nhiều trường ĐH nhất là những trường phía Nam rất thiếu nguồn tuyển. Đặc biệt, năm nay đề thi đạt được yêu cầu phân hóa càng cao thì mức độ chênh lệch trình độ TS ở các vùng miền càng tăng. Điều đó càng làm cho những khu vực có trình độ TS không cao sẽ lâm vào cảnh không tuyển đủ chỉ tiêu. GS Quân nhấn mạnh: “Kết quả điểm thi tuyển sinh thấp trên thực tế sẽ không gây khó cho số ít các trường ĐH thuộc “tốp trên”, nhưng với các trường thuộc “tốp giữa” và “tốp dưới”, trong đó có phần lớn các trường ĐH, CĐ NCL, thì nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu trở nên rõ ràng, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo”.

Trước thực trạng đó, GS Quân nêu kiến nghị: “Bộ GD-ĐT nên bỏ việc quy định một điểm sàn chung cho cả nước mà chỉ yêu cầu các trường tự định điểm sàn cho phù hợp với vùng, miền, đặc thù, thương hiệu của từng trường và Bộ GD-ĐT sẽ duyệt mức điểm sàn này”.

 Tuy nhiên quan điểm này sẽ khó có thể được Bộ GD-ĐT chấp thuận. Tại Hội nghị tổng kết GDĐH năm học 2010-2011, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Điểm sàn ĐH, CĐ không thể bỏ được vì nó là điều kiện tối thiểu để kiểm tra chất lượng; là điều kiện cần thiết để sinh viên được học ĐH. Nếu chúng ta bỏ điểm sàn thì bất cứ ai cũng có thể vào học ĐH được. Như vậy thì rất khó kiểm soát chất lượng ĐH, trong khi nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải nâng cao chất lượng giáo dục ĐH. Để đảm bảo chất lượng ít nhất phải kiểm soát được đầu vào. Nếu bỏ thì các trường có thể tuyển bất kỳ mức điểm nào”.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.