Phập phồng hoa kiểng, nông sản tết

16/01/2022 07:19 GMT+7

Dịch Covid-19 đã khiến nguồn cung nông sản, hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần giảm mạnh. Càng cận tết, nông dân càng phập phồng lo cho đầu ra.

Sát tết vẫn chưa biết bán cho ai

Tết Nguyên đán càng đến gần thì nhiều nhà vườn trồng bưởi, dưa, quýt tiều cũng như hoa kiểng chưng tết càng bồn chồn lo lắng vì sản phẩm làm ra chưa biết sẽ bán cho ai. Nông sản sắp đến ngày thu hoạch nhưng thương lái chuyên mua hàng phục vụ tết vẫn “án binh bất động” nghe ngóng thị trường.

Thương lái không về mua, quất vẫn đầy đồng ở xã Đông Hòa (TP.Thái Bình), nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ thất thu, lỗ vốn

Phan Hậu

Chị Lê Bảy (ngụ P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), chuyên mua trái cây đặc sản chưng tết cho các vựa trái cây lớn, cho biết năm nay ai cũng lo phòng dịch, nên nhà nào cũng có tâm lý ăn tết qua loa. Đó cũng là lý do người thu mua chần chừ không dám đặt hàng với nông dân. Chị Bảy kể, mọi năm khi chưa có dịch Covid-19, những vườn quýt tiều ở Q.Bình Thủy thương lái phải tranh mua mới có hàng. Còn năm nay ngược lại, nhà vườn phải “cầu cứu” thương lái. “Có nhà vườn mấy hôm nay gọi cho tôi than quá trời, nhờ vào xem vườn coi có cách nào tiêu thụ không. Nhưng quả thật tình hình này rất khó khăn, giá quýt tại vườn chỉ còn tầm 18.000 đồng/kg, giảm một nửa so với tết năm 2021. Vậy mà vẫn lo không biết có bán được không”, chị Lê Bảy nói thêm.

Thu hoạch dưa hấu ở H.Thới Lai, TP.Cần Thơ

Công Hân

Tại ĐBSCL, Tết Nguyên đán thường là vụ bội thu của nhà vườn trồng bưởi năm roi, bưởi da xanh - loại trái cây gần như không thể thiếu trên mâm ngũ quả người dân trong vùng. Tuy nhiên vụ bưởi tết năm nay, nhà vườn đang đứng trước những khó khăn chưa từng gặp phải. “Mọi năm, tầm này bưởi còn trên cây nhưng đã có người mua hết rồi, khoảng 27 - 29 tết mình cắt bưởi giao hàng là xong. Còn năm nay chẳng thấy ai hỏi gì cả, chưa bao giờ vụ bưởi tết lại đìu hiu như vậy”, chị Bùi Thúy Liễu, nhà vườn trồng bưởi ở cồn Sơn (P.Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ), nói.

Chủ vườn quất ở P.Tứ Liên (Q.Tây Hồ, Hà Nội) lo lắng khi quất chưng tết còn nhiều, vườn ít khách đến mua

Phan Hậu

Chị Liễu chia sẻ, vụ bưởi tết chính là nguồn thu chính trong năm của các vườn bưởi. Để làm ra trái bưởi chưng tết, từ tháng 7 âm lịch, khi cây bắt đầu ra trái, nhà vườn đã phải chăm bẵm. Trên một cành bưởi, để được một trái chưng cho đẹp, phải cắt bỏ 3 - 4 trái còn lại để cây dồn dinh dưỡng cho trái bưởi chưng; chưa kể công chăm sóc vất vả hơn nhiều so với trồng bưởi ăn bình thường. Mùa tết năm 2021, giá bưởi chưng dao động từ 150.000 - 180.000 đồng/cặp năm roi, từ 200.000 - 220.000 đồng/cặp da xanh (loại từ 3 - 3,5 kg/cặp). Còn năm nay, trước tình hình không có thương lái hỏi mua, nhiều khả năng nông dân sẽ phải cân ký bán tại vườn. “Giá bán ký cũng chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. Như bưởi năm roi, tết năm rồi 40.000 đồng/kg, giờ chỉ khoảng 15.000 đồng/kg; bưởi da xanh năm ngoái 50.000 đồng/kg thì nay chỉ khoảng 25.000 đồng/kg”, chị Liễu cho hay.

Có nhà vườn mấy hôm nay gọi cho tôi than quá trời, nhờ vào xem vườn coi có cách nào tiêu thụ không. Nhưng quả thật tình hình này rất khó khăn.

Chị Lê Bảy (ngụ P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ)

Ở các tỉnh khác, tình cảnh của các nhà vườn cũng tương tự. Tại Vĩnh Long, thanh long chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg; xoài Đài Loan 3.000 - 4.000 đồng/kg… Ở “vương quốc bưởi năm roi” (xã Mỹ Hòa, TX.Bình Minh, Vĩnh Long), giá bán cũng rớt thê thảm, chỉ từ 12.000 - 13.000 đồng/kg. “Năm nay, dịch bệnh cộng với giá phân bón thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nên diện tích bưởi không đạt. Giờ tới tết, bà con chỉ dám mong giá nhích lên 17.000 - 18.000 đồng/kg là mừng”, ông Trương Ngọc Trọng, Giám đốc HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (TX.Bình Minh), nói.

Quất cảnh giảm giá vẫn ế

Tết càng đến gần thì các nhà vườn trồng hoa, quất cảnh ở Thái Bình, Hà Nội càng thêm nóng ruột khi khách mua ít, cây vẫn ê hề ngoài đồng. Ông Trần Hữu Bổng, chủ vườn quất ở thôn Nghĩa Thắng (xã Đông Hòa, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình), cho biết toàn xã có 3 thôn trồng nhiều quất là Nam Cầu Nhân, Nghĩa Phương và Nghĩa Thắng, năm nay đưa ra thị trường khoảng 25.000 - 30.000 cây nhưng một nửa số cây vẫn “nằm trơ trơ” trên đồng.

Quất trồng ở thôn Nghĩa Thắng là quất trồng đất, cây cao 1 - 3 m. Nhiều năm nay, loại quất này đã cung ứng các thị trường quen thuộc như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định và xa hơn là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Mọi năm, thị trường quất khởi động từ đầu tháng 11 âm lịch, xe tải từ miền Trung tấp nập ra chở cây. Còn năm nay, đã sang giữa tháng chạp nhưng các thôn trồng quất rơi vào cảnh đìu hiu vắng vẻ.

Ông Bổng cho biết, các nhà vườn đều dự báo dịch Covid-19 tác động đến thị trường quất tết nên ngay từ đầu năm, nhiều vườn chủ động giảm số lượng cây. Nhưng lượng khách mua cây giảm hơn ước tính khiến quất ở Nghĩa Thắng rơi vào tình trạng ế ẩm. Các nhà vườn đang cố gắng xoay xở bằng mọi cách, chủ động mời người quen cho đến quảng bá trên mạng xã hội Facebook, Zalo để mong bán được hàng, chấp nhận giá bán chỉ bằng một nửa so với năm ngoái. “Một cây quất đẹp, năm ngoái bán 1 triệu năm nay hạ xuống 500.000 - 600.000 đồng mà bán rất chậm. Nhiều nhà vườn đứng trước nguy cơ thất thu, lỗ vốn”, ông Bổng nói.

Còn tại Hà Nội, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến vụ tiêu thụ quất tết tại P.Tứ Liên (Q.Tây Hồ). Theo thống kê, P.Tứ Liên có gần 200 nhà vườn trồng quất, cung ứng ra thị trường khoảng 80.000 - 100.000 cây. Ghi nhận trong chiều 14.1, đa số các nhà vườn chỉ có khách lẻ đến chọn mua cây, không có khách buôn về “đánh” hàng, quất vẫn ứ đọng đầy vườn.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hoàn, chủ vườn quất tại tổ 7 (P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ), xác nhận thị trường quất năm nay bán rất chậm. Ở thời điểm này mọi năm, nhiều vườn đã bán gần hết cây cho khách buôn, chỉ giữ ít cây đẹp bán cho khách lẻ thì năm nay đa số mới chỉ bán được 50%. Giá bán cây cho khách buôn giảm 20 - 30% nhưng họ vẫn chưa đến lấy hàng khiến bà Hoàn lo lắng, khi ở P.Tứ Liên nhiều vườn quất đã bị trả hàng. “Vợ chồng tôi làm 300 cây, nếu bán trôi chảy như năm ngoái, hết cây thì tính ra lãi bình quân 10 triệu đồng/tháng. Nhưng năm nay quất bán chậm, cộng thêm giá thấp, có bán hết vườn thì tiền lãi chẳng được bao nhiêu, thậm chí là không có lãi”, bà Hoàn giãi bày.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Thế Mạnh (ở P.Tứ Liên, Q.Tây Hồ) cho biết, dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến quất ở làng nghề này gặp khó trong khâu tiêu thụ. Dịch diễn biến phức tạp khiến phiên chợ quất truyền thống tại P.Tứ Liên không được tổ chức. Số lượng các điểm bán lẻ trên phố cũng bị sụt giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ ngay tại thị trường Hà Nội. Bên cạnh đó, Hà Nội đang là vùng dịch, khách buôn các tỉnh rất ngại về lấy hàng nên có tình trạng một số vườn nhận đặt cọc bán cây nhưng khách buôn báo trả lại hàng. Cũng theo ông Mạnh, để hỗ trợ người dân tiêu thụ quất trong điều kiện ảnh hưởng dịch Covid-19, trong ngày 12.1 vừa qua, UBND P.Tứ Liên mời chuyên gia về tổ chức khóa tập huấn, hướng dẫn nông dân, các nhà vườn về kỹ năng quảng bá, bán hàng trên các mạng xã hội Zalo, Facebook…

Thay đổi để “cứu” nông sản tết

Mùa tết năm trước, ông Nguyễn Văn Phong, chủ nông trại sạch Cần Thơ (Cantho Farm, Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) háo hức cho ra mắt hàng trăm chậu nho bon sai. Thế nhưng năm nay, sản phẩm này bị “khai tử” vì nỗi lo không có người mua. “Tình hình dịch khó khăn nên những chậu nho bon sai giá từ 500.000 - 3,5 triệu đồng/chậu sẽ không thể bán được. Vì thế, tôi phải thay đổi linh hoạt làm thế nào tạo ra những sản phẩm mà khách hàng chấp nhận được, còn mình thì tiêu thụ được sản phẩm”, ông Phong nói.

Hiện tại, nông trại của ông Phong dành khoảng 3.000 trái dưa lưới cho thị trường tết. Theo ông Phong, trong tình hình dịch khó khăn, rất khó để nông dân có thể bán ra những sản phẩm như bưởi tạo hình, dưa hình vuông, dưa hình thỏi vàng với giá cả triệu đồng/trái. “Thay vào đó, mình làm thành một giỏ quà đi kèm với một số loại sản phẩm khác. Chẳng hạn, giỏ quà chỗ tôi sẽ có dưa lưới, táo, rau thủy canh và các loại mứt dưa lưới. Mỗi giỏ quà chỉ khoảng 150.000 - 500.000 đồng. Như vậy khách hàng có một món quà giá trị thẩm mỹ vừa phải, dùng tặng cũng được mà chưng cũng được, đặc biệt là không bị thổi giá lên quá cao so với giá trị thực”, ông Phong nói và cho rằng cách làm như thế sẽ lợi cho cả đôi bên.

Người trồng hoa ở xã Mê Linh (H.Mê Linh, Hà Nội) vẫn còn ám ảnh bởi dịch Covid-19. Tháng 3.2021, H.Mê Linh từng là tâm dịch bị phong tỏa kéo dài, chợ đầu mối phải đóng cửa, hàng vạn bông hoa quá lứa phải cắt hủy ngoài đồng. Hiện tại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, nông dân không mặn mà với vụ hoa tết.

Theo anh Nguyễn Hoài Nam, chủ vườn hoa tại thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh), nguồn cung giảm mạnh nhưng giá hoa giảm sâu cho thấy sức mua của thị trường rất yếu, người dân thắt chặt chi tiêu hơn. “Dự báo sau tết ông Công, ông Táo, giá hoa sẽ bật lên nhưng cũng khó đạt mức ngang bằng như năm ngoái. Giá hoa thấp nên các hộ không mặn mà đầu tư mạnh cho đợt hoa đón tết, thậm chí chúng tôi phải tính toán xuống giống rải vụ để tránh vào vụ tết. Các vườn cũng trồng nhiều loại hoa hơn để bán trong nhiều dịp lễ, hội tháng giêng ở miền Bắc”, anh Nam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.