Phập phồng với giá cá tra

23/05/2014 10:14 GMT+7

Sau thời gian tăng cao giúp người nuôi lời từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đã giảm trở lại khiến người nuôi cá lo lắng.

Phập phồng với giá cá tra

Thu hoạch cá tra ở P.Tân Lộc (Q.Thốt Nốt) - Ảnh An Lạc

Bất ổn giá cá

Ông Chương Văn Khanh (ngụ P.Tân Lộc, Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), thở dài: “Không biết do đâu mà mấy ngày nay giá cá tra giảm chỉ còn khoảng 24.000 đồng/kg, có nơi nhà máy chỉ trả 23.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi không có lời”. Cũng lo lắng về giá cá, ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang, trăn trở: “Mấy tháng trước giá cá tra dao động khoảng 25.000 đồng/kg, ai cũng nghĩ sẽ vực dậy được nghề nuôi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, giá cá ổn định không bao lâu thì nay lại giảm ở mức người nuôi chỉ hòa vốn. Tình hình khiến nhiều hộ băn khoăn không dám đầu tư nuôi cá”.

Nhiều hộ dân ở ĐBSCL cho biết có nhiều nguyên nhân làm giá cá tra giảm, trong đó có việc Mỹ tăng thuế chống bán phá giá. Ông Nguyễn Văn Chảnh (ngụ xã Tân Thành, H.Lai Vung, Đồng Tháp) cho rằng gần đây Thủ tướng Chính phủ có công văn yêu cầu các ngân hàng khoanh nợ 3 năm và tạo điều kiện thuận lợi để người nuôi cá tra tái sản xuất. Đây thật sự là cơ hội để nông dân ĐBSCL vực dậy nghề nuôi cá tra. Thế nhưng, việc Mỹ công bố tăng thuế lần thứ 9 đối với cá tra làm cho nhiều hộ nuôi dè dặt không biết có nên đầu tư số tiền lớn để tiếp tục nuôi cá hay không, bởi nuôi 1 ha cá tra cần số vốn khoảng 11 tỉ đồng/vụ. Đây là số tiền rất lớn mà không phải ai cũng có khả năng đầu tư.

Thị trường khó khăn

 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố lại kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 9 giai đoạn từ ngày 1.8.2011 đến 31.7.2012 (POR 9) đối với sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh nhập từ Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá của công ty bị đơn bắt buộc là Vĩnh Hoàn Corp được giảm từ 0,03 USD/kg xuống còn 0 USD/kg. Tuy nhiên, các công ty bị đơn tự nguyện đều tăng so với mức thuế cuối cùng đã công bố hồi cuối tháng 3 vừa qua từ 0,42 USD/kg lên mức 1,2 USD/kg.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng (Tiền Giang), nhìn nhận nhiều năm rồi, cùng với EU thì Mỹ là thị trường quan trọng đối với xuất khẩu cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, mọi động thái của Mỹ cũng ít nhiều ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến xuất khẩu cá tra. Vì vậy, giải pháp lúc này là tăng cường khai thác những thị trường mới; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu cá tra vào thị trường châu Á, châu Phi, Brazil, Tây Ban Nha… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng nếu thị trường Mỹ được “xuôi chèo mát mái” thì xuất khẩu cá tra của nước ta mới dễ tăng tốc. Cụ thể, trong quý 1/2014, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ và EU vẫn giữ vai trò quan trọng, góp phần vào tăng trưởng chung về kim ngạch cá tra. Trong đó, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất, chiếm 20,5% tổng kim ngạch, với giá trị đạt gần 84 triệu USD; còn EU đứng sau với giá trị đạt 83 triệu USD, chiếm 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Ông Lê Chí Bình cho biết từ đầu năm đến nay, thị trường Đông u rất trầm lắng, còn Nga cũng không mấy khả quan; trong khi thị trường Ukraina thì ảnh hưởng chính trị và gần đây thị trường Trung Quốc cũng có dấu hiệu lắng xuống… Những  tín hiệu trên khiến người nuôi và doanh nghiệp dè dặt.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng quan điểm chung là phát triển “Cá tra theo hướng bền vững”, tăng giá bán nhằm tránh bị kiện tụng; đồng thời đẩy mạnh việc đổi mới công nghệ ở các nhà máy để chế biến nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, cần mở rộng nhiều trại nuôi cá tra đạt chứng nhận GlobalGAP, ASC, BAP... nhằm đáp ứng tiêu chí khắt khe của các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng như yêu cầu chọn lựa của người tiêu dùng trên toàn cầu.

An Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.